Tám doanh nhân cam kết hiến tặng 40 triệu USD cho Đại học Fulbright Việt Nam

8 nhà tài trợ và gia đình vừa cam kết hiến tặng tổng cộng đến 40 triệu USD cho Trường ĐH Fulbright VN, trở thành khoản hiến tặng tư nhân lớn nhất đến nay cho một trường ĐH ở Việt Nam.

img-0270-scaled-1645856451.jpgLãnh đạo Trường ĐH Fulbright cùng các nhà tài trợ

Đại học Fulbright Việt Nam (Fulbright), trường đại học độc lập, không vì lợi nhuận theo mô hình giáo dục khai phóng Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam vừa công bố các thành viên ban đầu của Hội đồng Sáng lập Trường. Khoản hiến tặng trị giá 40 triệu đô la từ tám thành viên và gia đình này sẽ hỗ trợ giai đoạn 1 dự án xây dựng khuôn viên chính của Fulbright tại Khu Công nghệ Cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một trong những khoản hiến tặng tư nhân lớn nhất từ trước đến nay cho một tổ chức giáo dục ở Việt Nam. Tám thành viên đầu tiên của Hội đồng Sáng lập bao gồm:

Ông Nguyễn Bảo Hoàng và Bà Nguyễn Thanh Phượng, Công ty Phoenix Holdings; Ông Lê Văn Kiểm & Gia đình, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Long Thành; Bà Lê Nữ Thuỳ Dương & Gia đình, Phó Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành; Ông Trần Trọng Kiên & Gia đình, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty Thiên Minh (TMG); Ông Đỗ Viết Cường & Gia đình, Cựu Giám đốc Chiến lược Toàn cầu, Tập đoàn Samsung; Ông Lê Hồng Minh & Gia đình, Sáng lập và Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VNG; Ông Vương Quang Khải & Gia đình, Đồng sáng lập Công ty cổ phần VNG, Chủ tịch Zalo; Ông Lương Tuấn Nghĩa & Gia đình.

“Đại học Fulbright vô cùng may mắn và vinh dự đón nhận món quà hào phóng này từ những thành viên đầu tiên của Hội đồng Sáng lập. Sự ủng hộ lớn lao này sẽ giúp chúng tôi biến giấc mơ táo bạo về một trường đại học xanh đầu tiên của Việt Nam trở thành hiện thực, một ngôi nhà của những thế hệ lãnh đạo tương lai, nơi mọi đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững và tinh thần phụng sự công luôn được ươm dưỡng và lan toả mạnh mẽ,” bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ.

Sự kiện công bố Hội đồng Sáng lập Fulbright cũng cho thấy bước phát triển quan trọng trong văn hoá thiện nguyện ở Việt Nam. Trong khi các hoạt động từ thiện khá phổ biến ở Việt Nam thì hoạt động hiến tặng, đặc biệt là hiến tặng cho giáo dục vẫn còn là một khái niệm mới mẻ.

“Chính niềm tin của các Nhà Sáng lập vào sức mạnh cải biến của giáo dục và vai trò của Fulbright đối với tương lai của Việt Nam đã thúc đẩy hành động hiến tặng mang ý nghĩa lịch sử này. Với tư cách người thụ hưởng món quà hào phóng đó, Fulbright có trách nhiệm tiếp tục kiến tạo ảnh hưởng tích cực không chỉ ở Việt Nam mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi hi vọng rằng hành động ý nghĩa của các thành viên sáng lập hôm nay sẽ truyền cảm hứng để người dân Việt Nam tiếp tục các hoạt động hiến tặng cho giáo dục, một khoản đầu tư dài hạn mang lại lợi ích lớn lao cho các thế hệ tương lai,” bà Thuỷ giải thích thêm.

Khuôn viên chính của Đại học Fulbright đang được xây dựng tại Khu Công nghệ Cao Thành phố Hồ Chí Minh trên khu đất rộng 15ha được Chính phủ Việt Nam trao tặng. Đây sẽ là khu phức hợp giáo dục tiên tiến nhất về môi trường từng được xây dựng tại Việt Nam và sẽ đóng vai trò như một phòng thí nghiệm sống động về phát triển bền vững cho sinh viên, giảng viên và công chúng quan tâm.

Cùng với khoản hiến tặng của các thành viên Hội đồng Sáng lập, Đại học Fulbright Việt Nam cũng tiếp nhận khoản tài chính trị giá 37 triệu đô la dưới hình thức một khoản vay trực tiếp 20 năm của Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) để hỗ trợ việc xây dựng giai đoạn I của dự án xây dựng ký túc xá, các tòa nhà phục vụ cho hoạt động đào tạo, nhà ăn và nơi giải trí cho 1.500 sinh viên. Fulbright sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực gây quỹ để hoàn tất toàn bộ khuôn viên Trường trong những năm tới, đủ năng lực tiếp nhận khoảng 7.000 sinh viên từ khắp Việt Nam.

Khoản hiến tặng tư nhân lớn nhất trong lịch sử Fulbright này được công bố cùng với chuyến thăm Trường của ông John Kerry, Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu. Khi còn là một thượng nghị sĩ, với tầm ảnh hưởng của mình, ông Kerry đã đóng vai trò then chốt trong quá trình bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cũng như thành lập Đại học Fulbright Việt Nam.

Fulbright cũng vinh dự nhận được sự ủng hộ lâu dài của Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam về tài chính và đất đai. Các khoản tài trợ và hiến tặng này minh chứng tầm quan trọng của cách tiếp cận đối tác công – tư mà Fulbright theo đuổi trong nỗ lực gây quỹ để xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế đầu tiên cho Việt Nam. Chúng cũng tạo điều kiện để Trường có thể kiến tạo những thay đổi tích cực không chỉ cho cộng đồng Fulbright mà còn cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và ngày mai như tầm nhìn ban đầu của chính phủ hai nước khi đồng thuận thành lập Fulbright với tư cách trường đại học độc lập theo mô hình khai phóng đầu tiên của Việt Nam.

Đại học Fulbright Việt Nam là một trường đại học mới của Việt Nam được truyền cảm hứng bởi truyền thống giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ, với sứ mệnh phụng sự xã hội Việt Nam thông qua các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và kết nối tích cực với thế giới. Fulbright hướng đến đào tạo những công dân ưu tú, có tri thức, kĩ năng, am hiểu sâu sắc về Việt Nam và kết nối chặt chẽ với thế giới, mang tinh thần phụng sự và khát khao kiến tạo những thay đổi tích cực cho cộng đồng. 

Trường khởi nguồn từ dự luật ngân sách 1991 do Thượng nghị sĩ John Kerry bảo trợ để cấp học bổng cho sinh viên và các cán bộ quản lý nhà nước của Việt Nam sang Mỹ học. Tiếp nối thành công của chương trình này, vào năm 1994, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ cho Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy tại Đại học Harvard hợp tác với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh để thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, trung tâm đào tạo chính sách công đầu tiên của Việt Nam. Cả hai chương trình trao đổi và chương trình đào tạo chính sách công sau đại học hiện nay vẫn đang hoạt động và đã đào tạo hơn 2.000 nhà quản lý và hoạch định chính sách trong khu vực công và tư tại Việt Nam.

Vào năm 2016, trung tâm đào tạo chính sách công do Harvard ươm tạo được phát triển thành Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đơn vị học thuật đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam. Hiện nay, Đại học Fulbright có 3 nhánh đào tạo học thuật – Chương trình đại học cấp Bằng Cử nhân Khoa học Xã hội, Bằng Cử nhân Khoa học và Bằng Cử nhân Kỹ thuật, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cấp bằng Thạc sĩ Chính sách công trong lĩnh vực Phân tích chính sách, Lãnh đạo và Quản lý, và Học viện YSEALI (Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á).

 

Mộc Công

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tam-doanh-nhan-cam-ket-hien-tang-40-trieu-usd-cho-dai-hoc-fulbright-viet-nam-a7170.html