Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất một số nội dung cấp bách lĩnh vực giao thông, vận tải trình HĐND TP tại kỳ họp tháng 3 tới.
Theo đó, đối với việc bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư một số dự án dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Sở GTVT đã rà soát, đánh giá sự cần thiết đầu tư, tính cấp thiết, trình tự ưu tiên và đề xuất danh mục chương trình, dự án mới quan trọng. Danh mục này đã được gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét đầu tư, bố trí vốn triển khai trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Danh mục gồm 12 dự án, trong đó có các công trình trọng điểm như: Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; Đường song song QL50; Tuyến đường trên cao số 1; Dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố... 10/12 dự án trong danh mục này dự kiến triển khai từ năm 2023. Riêng dự án cầu Cần Giờ (tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng) và cầu Thủ Thiêm 4 (5.300 tỉ đồng) nếu thuận lợi sẽ bắt đầu thi công từ năm 2024. Thời gian hoàn thành trong 4 năm.
Được biết, cầu Cần Giờ dài 3,678km với quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự án 9.982 tỉ đồng. Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TP với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Trước đó, vào ngày 8/11/2021, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2022 do UBND TP HCM tổ chức, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ sẽ được Thành ủy TP HCM ban hành nghị quyết riêng để tập trung nguồn lực, tạo thêm cơ chế giúp 2 địa phương phát triển theo đúng định hướng đề ra.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, việc Thành ủy TP HCM ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ nhằm tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để 2 địa phương này phát triển và tạo thành động lực tăng trưởng mới cho thành phố trong tương lai.
“Quan điểm của thành phố là cấp nào làm tốt hơn thì mạnh dạn phân quyền”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP HCM, là huyện rộng nhất thành phố với hơn 704 km2, dân số ít nhất thành phố với hơn 75.000 người. TP.HCM định hướng phát triển huyện này thành khu đô thị sinh thái biển, trở thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP HCM trong giai đoạn 2025 - 2030.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở ngành, địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ sau khi được ban hành. Trong năm 2022, TP HCM sẽ hoàn thành đề án phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức và đề án cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức.
Đối với huyện Cần Giờ, trong năm 2022 sẽ tổ chức quy hoạch chi tiết khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (rộng 2.870 ha) và quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giờ.
Khu du lịch lấn biển Cần Giờ (Dự án Vinhomes và Vinpearl Cần Giờ) do Vingroup đầu tư được coi là dự án có quy mô lớn nhất Việt Nam trong năm 2020-2021. Để “đánh thức” Cần Giờ, Vingroup đã phải mất nhiều năm thuyết phục Chính phủ phê duyệt.
Tháng 2/2021, Tp.HCM đã ban hành 4 quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ – Phân khu A, B, C, D, E tổng diện tích hơn 2.800ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.
Trước đó vào tháng 6/2020, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM) do Vingroup đầu tư hay còn có tên gọi là Long Beach Cần Giờ (Vinhomes Cần Giờ) mới được phê duyệt điều chỉnh quy mô từ 600 ha lên 2.870 ha và tổng mức đầu tư lên tới 10 tỷ đô la Mỹ.
Đây là lần thứ hai dự án này được điều chỉnh quy mô, tăng gấp gần 5 lần so với quy hoạch ban đầu.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng siêu dự án tại Cần Giờ của Vingroup sẽ hưởng lợi lớn khi Thành ủy TP HCM có nghị quyết riêng về phát triển Cần Giờ và cầu Cần Giờ được khởi công xây dựng.
Minh Tuấn
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cau-can-gio-gan-10000-ti-dong-se-khoi-cong-nam-2024-a7135.html