Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến được khai trương chiều 9.12 sau chín tháng triển khai xây dựng.
Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ là nơi tập hợp các đầu mối thanh toán không tiền mặt cho các dịch vụ công, ngay trên giao diện trang web. Các dịch vụ công như giáo dục, y tế,...đang có xu hướng mở rộng thanh
toán không tiền mặt. Tuy nhiên việc thanh toán mới được thực hiện đơn lẻ
tại các trường học, bệnh viện dưới sự hợp tác về mặt kỹ thuật của các ví điện tử.
Hiện tại Cổng dịch vụ công quốc gia vẫn đang thí điểm thanh toán trực tuyến một số dịch vụ công thiết yếu như: đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp,… Theo lộ trình được công bố, hết năm 2020, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia nằm trong chương trình xây dựng
Chính phủ điện tử do chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy
ban. Mục tiêu của Chính phủ là tổ chức Chính phủ điện tử hướng tới nền
kinh tế số. Hiện Cổng mới có năm dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh
thành và bốn dịch vụ khác thực hiện tại cấp Bộ. Dự kiến quý I.2020 Chính
phủ tiếp tục tích hợp thêm 15 dịch vụ khác tiếp tục bổ sung trong tương
lai. Dịch vụ công trực tuyến được kỳ vọng sẽ thay thế dần cách giải
quyết hành chính thủ công thông qua cán bộ công vụ và thu tiền mặt trực
tiếp.
Cổng dịch vụ công quốc gia cũng tích hợp tiện ích
thu thuế đối với các cá nhân doanh nghiệp. Năm 2018, ngành thuế thu ngân
sách 1,15 triệu tỷ đồng. Các giao dịch trong lĩnh vực dịch vụ công và
thuế được tích hợp thanh toán trực tuyến sẽ là cơ hội cho các đơn vị
trung gian thanh toán, ngân hàng.
Hiện cả nước mới có 4 đơn vị
trung gian thanh toán và ngân hàng tham gia vào việc thanh toán trên
Cổng dịch vụ công quốc gia. Momo và VNPT Pay là các trung gian thanh
toán dưới dạng ví điện tử, cổng thanh toán. Cả hai ví này đều cần liên
kết tài khoản ngân hàng.
Trong khi đó, Việt Nam có gần 70% người
trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, theo báo cáo công bố gần đây
của Google và Temasek. Con số này vượt trội so với mức bình quân 50% của
khu vực sáu nước Đông Nam Á được nghiên cứu (Thái Lan, Việt Nam,
Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia).
Mặt khác, tỷ lệ
sử dụng điện thoại di động Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, ước
tính cứ 100 người sẽ có 147 chiếc điện thoại được lưu hành - theo báo
cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 của World Business Forum.
Cơ
hội sẽ đến cho cả tiền di động - hình thức tiền định danh khách hàng
thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động mà không cần kết nối tài khoản
ngân hàng.
Cổng dịch vụ công quốc gia là thư viện thông tin về thủ tục hành chính,
cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến, tích hợp thanh toán và tiếp
nhận khiếu nại tố cáo… Người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập một địa
chỉ, bằng một tài khoản liên thông tới tất cả cổng dịch vụ công của các
bộ, ngành, địa phương và theo dõi quá trình hoàn thành thủ tục hành
chính mà không phụ thuộc thời gian, địa điểm.
Hiện Cổng dịch vụ
công sẽ cung cấp năm dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm
đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo
hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ
gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp
tiện ích thanh toán tiền điện.
Bốn dịch vụ công khác được thực
hiện ở cấp Bộ gồm cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm
dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối
với doanh nghiệp.
Ngoài ra, bốn tỉnh thành khác còn cung cấp thêm
một số dịch vụ như TP.HCM được đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế
qua Cổng dịch vụ công. Công dân Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng được đăng
ký giấy khai sinh trực tuyến... |
Thái Hoàng