Các ngân hàng và cuộc chạy đua huy động tiền gửi không kỳ hạn

Làn sóng miễn phí giao dịch tiếp tục thu hút nhiều ngân hàng nhập cuộc trong bối cảnh cạnh tranh thu hút tiền gửi không kỳ hạn vẫn đang căng thẳng.

Cac ngan hang va cuoc chay dua huy dong tien gui khong ky han hinh anh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nếu như nhiều năm trước, các ngân hàng thương mại cổ phần có yếu tố Nhà nước luôn ở tốp đầu trong huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thì vài năm trở lại đây, cuộc đua này đã chứng kiến những cuộc “soán ngôi” của các ngân hàng tư nhân.

Cuộc đua ngày càng khốc liệt

Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm.

Với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ, nếu ngân hàng có thể duy trì được lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng tốt so với tổng huy động thì sẽ có khả năng bù đắp cho việc tăng chi phí từ huy động có kỳ hạn và phát hành trái phiếu. Điều này giúp các ngân hàng có cơ hội mở rộng biên lợi nhuận dù tăng chi phí huy động. Thế nên, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng tăng thì sẽ có lợi thế cạnh tranh càng cao.

Tính đến thời điểm này, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống đạt 50,5% với số dư CASA đạt 158.900 tỷ đồng, chủ yếu do CASA từ khách hàng cá nhân tăng 30,8% so với cuối năm ngoái.

Trong năm 2021, tổng tiền gửi của khách hàng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tăng 23,7% lên 384.692 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng tăng tới gấp rưỡi lên 171.396 tỷ đồng, là một trong những ngân hàng có tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó, tiền gửi ký quỹ cũng tăng vọt 66% lên 11.728 tỷ đồng, tiền gửi vốn chuyên dùng ở mức 4.388 tỷ đồng.

Như vậy, tỷ lệ CASA của ngân hàng này ở mức 49%, tăng mạnh so với mức 41% cuối năm 2020. Đây cũng là mức cao nhất về CASA mà MB đạt được từ trước đến nay và gần đuổi kịp Techcombank. 

Tiếp đến là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có tỷ lệ CASA đạt 32,2%, tăng 3,3%. Tuy nhiên, đây vẫn là ngân hàng có nhiều tiền gửi không kỳ hạn cao nhất hệ thống. Tính đến cuối năm 2021, tiền gửi thanh toán tại ngân hàng đạt 367.149 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cuối năm 2020. Tiền gửi vốn chuyên dùng và tiền gửi cũng có tăng trưởng ấn tượng, lần lượt tăng 16% và 52% lên 31.642 tỷ đồng và 6.309 tỷ đồng.

Trước khi Techcombank vươn lên mạnh mẽ về CASA trong vài năm trở lại đây, thì khoảng 4 năm trước, MB và Vietcombank luôn là những nhà băng dẫn đầu với những lợi thế vượt trội. Năm 2019, tỷ lệ CASA tại Vietcombank, Techcombank, MB đều ở quanh mức 30%. Song đến 2020, Techcombank bất ngờ bứt tốc vượt xa hai thành viên còn lại trong tốp 3, với tỷ lệ CASA lên tới 46,1%.

Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA cao như Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) đạt 36%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đạt 20%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) tăng trưởng 55% chiếm tỷ trọng trên 16% tiền gửi khách hàng (năm 2020 tỷ lệ này là 11%).

Mạnh tay miễn phí dịch vụ trên nền tảng số

Các chuyên gia đánh giá, cuộc cạnh tranh về CASA vẫn còn rất gay gắt trong thời gian tới, đặc biệt là khi các nhà băng mạnh tay miễn phí dịch vụ đồng thời liên tục cập nhật các công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng ngân hàng.

Ngay từ đầu năm 2022, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank đã chính thức miễn phí toàn bộ trên ứng dụng ngân hàng số như phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền nội, ngoại mạng… Như vậy, cuộc đua “zero fee” đã chính thức có sự tham gia của nhóm “Big4” trong ngành ngân hàng.

Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp của Techcombank khẳng định, mức CASA 50,5% mà ngân hàng này vừa đạt được chưa phải là đỉnh.

"Chúng tôi đặt mục tiêu CASA lên tới 55% và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới," ông Hà cho biết. 

Cac ngan hang va cuoc chay dua huy dong tien gui khong ky han hinh anh 2Tốp 5 ngân hàng đứng đầu về tỷ lệ CASA năm 2021

Lãnh đạo Techcombank cũng chia sẻ thêm, chính sách "zero fee" của ngân hàng này đã bắt đầu tư năm 2016 và sau 5 năm thì nhiều ngân hàng khác bắt đầu đi theo. Đây là điều tốt cho khách hàng, được giao dịch mà không mất phí. 

Theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện chính sách “zero fee” đồng loạt, đại trà giúp các ngân hàng thu hút thêm lượng khách hàng. Ngoài ra, với việc thu hút ngày càng nhiều lượng tiền gửi không kỳ hạn với chi phí thấp, chỉ 0,1%-0,5%/năm sẽ góp phần giúp ngân hàng thương mại huy động nguồn vốn đầu vào thấp hơn nhiều so với gửi tiết kiệm có kỳ hạn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, CASA trước mắt và lâu dài sẽ thay đổi định hướng trước đây như thay vì phải mở chi nhánh, phòng giao dịch để tiếp cận khách hàng thì giờ khách hàng tăng cường sử dụng kênh số giúp ngân hàng giảm chi phí đầu tư như thuê văn phòng, nhân sự… Quan trọng là hệ thống công nghệ số sẽ đáp ứng nhu cầu khách hàng 24/7 và giảm chi phí đầu vào, từ đó góp phần giảm lãi suất đầu ra.

Để nâng tỷ lệ CASA lên, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng dịch COVID-19 khiến thói quen của khách hàng thay đổi, nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng hơn rất nhiều, mà CASA thì có đặc điểm là không ổn định, người gửi tiền có thể rút ra bất cứ lúc nào. Nếu một ngân hàng không chú trọng phát triển dịch vụ số, kết nối được nhiều hệ sinh thái hơn phục vụ cho những nhu cầu phong phú của khách hàng thì tự khắc là họ sẽ lựa chọn một ngân hàng khác có dịch vụ tốt hơn, hoặc rút tiền ra để đầu tư những kênh khác, và CASA sẽ sụt giảm. Đặc biệt ở những nhà băng có quy mô nhỏ, khó mà chạy đua tăng trưởng CASA cao như các ngân hàng lớn thì quan tâm tới chất lượng phục vụ khách hàng cũng sẽ là lợi thế cạnh tranh.

“Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ CASA rất cao, thậm chí trên 50% là tín hiệu tích cực. Nhưng tôi cho rằng quan trọng hơn hết là sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng có phù hợp với nhu cầu của khách hàng không, có gia tăng sự thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân không… Bởi khi ngân hàng 'lấy lòng' được khách hàng bằng dịch vụ, bằng sản phẩm thì tự khắc sẽ giữ được chân họ ở lại với ngân hàng lâu hơn,” ông Hiếu chia sẻ.

Thúy Hà

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cac-ngan-hang-va-cuoc-chay-dua-huy-dong-tien-gui-khong-ky-han-a7037.html