Muốn làm tòa tháp đôi cao nhất Việt Nam, Trungnam Group của đại gia Nguyễn Tâm Thịnh khủng cỡ nào?

Năm 2022, Trungnam Group dự kiến sẽ đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng tại TP. Đà Nẵng. Trong đó, nổi bật là việc đề nghị TP. Đà Nẵng phê duyệt thiết kế tổng mặt bằng khu đô thị Golden Hills và vệt 50m với mục đích làm cơ sở triển khai các công trình trên đất, đáng chú ý là tòa tháp đôi cao nhất Việt Nam với 101 tầng.

Trungnam Group muốn làm tòa tháp đôi cao nhất Việt Nam tại Đà Nẵng

Mới đây vào ngày 7/2/2022, CTCP Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (Danang IT Park - thuộc Trungnam Group) đã tổ chức lễ ra quân và đặc biệt là xuất xưởng lô hàng máy tính bảng với sản phẩm mang dấu ấn "Make in Vietnam" của Trungnam EMS. Được biết, lô hàng máy tính bảng này thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em” do bộ TTTT phát động.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thảo, Phó TGĐ Trungnam Group trong năm 2022, tập đoàn này dự kiến sẽ đầu tư vào TP. Đà Nẵng hơn 5.000 tỷ đồng. Trước đó, vào năm 2021 Trungnam Group cũng đã đầu tư vào Đà Nẵng với tổng giá trị đạt 2.579 tỷ đồng.

Đối với Khu CNTT tập trung Đà Nẵng, Trungnam Group hợp tác làm dự án Data Center theo tiêu chuẩn Tier 3 Plus với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 triệu USD với đối tác Singapore. Được biết, dự án này là mảnh ghép quan trọng trong việc hoàn chỉnh hệ sinh thái Khu CNTT tập trung Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành, tập đoàn này kỳ vọng đây sẽ là khu công nghệ thông tin tập trung quy mô lớn hoàn chỉnh tại Việt Nam.

trung-nam-6-1644309774.jpg

Phối cảnh khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park)

Khu CNTT tập trung Đà Nẵng với tổng quy mô dự án 341 ha được quy hoạch theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có diện tích 131 ha với tổng mức đầu tư 47 triệu USD, giai đoạn 2 có diện tích 210 ha với tổng mức đầu tư 74 triệu USD, thuộc địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, do Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Phó TGĐ Trungnam Group cho biết mong nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền TP. Đà Nẵng trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, sớm giao đất cho nhà đầu tư triển khai giai đoạn 2 của dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khớp nối đồng bộ với khu công nghệ cao.

Đặc biệt, ông Thảo đề nghị TP. Đà Nẵng phê duyệt thiết kế tổng mặt bằng khu đô thị Golden Hills và vệt 50m với mục đích cho Trungnam Group có cơ sở triển khai các công trình trên đất, trong đó nổi bật nhất là tòa tháp đôi cao 101 tầng. Đây sẽ là biểu tượng phát triển của khu vực Tây Bắc Đà Nẵng và là tòa tháp đôi cao nhất Việt Nam.

trung-nam-7-1644309774.jpg

Dự án Golden Hills - Đà Nẵng

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Lê Trung Chinh cho biết lãnh đạo thành phố sẽ cùng với nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất sẽ xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm triển khai giai đoạn 2 của khu CNTT tập trung này. Đây là chủ trương lớn được TP. Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.

Theo đó, trong năm 2022 TP. Đà Nẵng sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức, sớm hoàn thành các dự án và triển khai các dự án trọng điểm, mang tính chất đột phá của thành phố, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói thêm.

Tiềm lực của Trungnam Group khủng cỡ nào?

CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) được thành lập vào năm 2004, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: năng lượng, xây dựng, hạ tầng, bất động sản và công nghiệp thông tin điện tử.

trung-nam-9-1644309430.jpg

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trungnam Group

Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tâm Thịnh. Hiện công ty đang đặt trụ sở chính tại số 7A/68 Thành Thái, quận 10, TP. HCM. Được biết, qua hơn 17 năm hoạt động Trungnam Group đã phát triển lớn mạnh với hệ thống 12 công ty thành viên. Một số công ty trong hệ sinh thái của Trungnam Group như: CTCP Thuỷ Điện Trung Nam, CTCP Thủy Điện Trung Nam Krông Nô, CTCP Điện Gió Trung Nam, CTCP Địa ốc Trung Nam Đà Lạt...

trung-nam-2-1644309552.PNG

Các công ty thành viên và công ty liên kết của Trungnam Group

Theo dữ liệu từ tạp chí VietTimes, doanh thu riêng lẻ của Trungnam trong những năm gần đây luôn đạt hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2019, doanh thu thuần của Trungnam Group đạt 6.480 tỷ đồng, cao gấp hơn 7 lần so với năm 2018; lãi thuần cũng tăng gấp 5,7 lần lên mức 123,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo BCTC hợp nhất cuối năm 2019, Trungnam Group ghi nhận tổng tài sản hợp nhất đạt 33.728 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 7.167 tỷ đồng. 

Về mảng năng lượng, đây chính là mảng trụ cột vững mạnh nhất trong hoạt động đầu tư của Trungnam Group. Về quy mô, tính đến nay các dự án thuộc lĩnh vực được Trungnam Group triển khai thành công và đạt được công suất: thủy điện (118 MW), điện gió (198.15 MW) và điện mặt trời (794 MW AC).

Trungnam Group hiện là nhà đầu tư năng lượng tái tạo có tổng số lượng dự án năng lượng tái tạo lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 12/2021, Trungnam Group có tổng 1.610.1 MW điện năng đóng góp vào nguồn điện và là doanh nghiệp tư nhân duy nhất của Việt Nam tham gia vào quá trình truyền tải điện với trạm biến áp 500kV và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia (Trạm 500kV Thuận Nam – Ninh Thuận).

dien-gio-1-1644311398.jpg

Một số dự án tiêu biểu của Trungnam có thể kể đến như: trạm biến áp 50kV và nhà máy điện mặt trời Thuận Nam, nhà máy điện gió Eo Nam Đắk Lắk, nhà máy điện gió Đông Hải 1 Trà Vinh.

Về mảng bất động sản, theo giới thiệu Trungnam Group cung cấp các dịch vụ từ đầu đến cuối trong bất động sản, từ giải phóng mặt bằng đến quản lý xây dựng. Lĩnh vực này được đảm nhiệm bởi CTCP Trung Nam (Trungnam Land), một công ty con của Trungnam Group. Một số dự án đáng chú ý của Trungnam Group như: Golden Hills - Đà Nẵng, Golf Valley - Đà Lạt, tòa nhà DITP Đà Nẵng...

Trong đó, nổi bật nhất là dự án Golden Hills - Đà Nẵng tổng diện tích 381 ha với tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD. Dự án này nằm trên trục đường Nguyễn Tất Thành nối dài và tiếp giáp sông Cu Đê. Đây được xem là một dự án trọng điểm trong bức tranh quy hoạch tổng thể đô thị của thành phố Đà Nẵng trong tương lai với tầm nhìn đến năm 2030.

Về mảng hạ tầng, Trungnam Group là đơn vị xây dựng các công trình thuộc dự án trọng điểm quốc gia với giá trị hàng nghìn tỷ đồng như cầu Bạch Đằng Hải Phòng – Quảng Ninh (7.760 tỷ đồng), cầu vượt Ngã Ba Huế (2.689 tỷ đồng). Trung Nam Group cũng được dư luận chú ý với “siêu dự án” chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP HCM. Tại dự án này, Trung Nam Group được chỉ định làm nhà đầu tư theo hình thức BT.

“Siêu dự án” chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP HCM nhiều lần "lỗi hẹn" về đích. Ảnh: Lao Động.

“Siêu dự án” chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP HCM nhiều lần "lỗi hẹn" về đích. Ảnh: Lao Động.

Dự án khởi công vào tháng 6/2016 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018. Tuy nhiên đến thời hạn này, dự án cũng không hoàn thành như dự kiến. Tháng 5/2018 Trung Nam Group thông báo tạm dừng thi công dự án chống ngập ngàn tỷ do 'hết' tiền, BIDV – Chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án.

Sau đó, dự án được lùi đến tháng 6/2019 rồi đến cuối năm 2019 vẫn chưa hoàn thiện. Đến tháng 5/2020, Trung Nam Group lại hứa sẽ hoàn thành dự án vào tháng 10/2020 nhưng sau đó lại “thất hứa”. Tính đến cuối tháng 11/2020, tiến độ dự án mới đạt 93% và vẫn phải tạm ngưng do nhiều vướng mắc, cho đến nay, “siêu dự án”này vẫn chưa hẹn ngày về đích.

Mi Mi

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/muon-lam-toa-thap-doi-cao-nhat-viet-nam-trungnam-group-cua-dai-gia-nguyen-tam-thinh-khung-co-nao-a7028.html