Tính đến chiều 3.12.2019, FPT Software (FSoft) chính thức cán mốc doanh thu 10.000 tỉ đồng tính từ đầu năm - ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software - công ty thành viên của Tập đoàn FPT cho biết tại Đại hội Sales & Marketing VSMCamp & CSMOSummit 2019. “Đó là một thành tích đối với chúng tôi” - ông Tiến phát biểu.
Trên điện thoại di động người đứng đầu FSoft luôn mở ứng dụng cập nhật doanh số và các chỉ tiêu kinh doanh của công ty, theo thời gian thực. FSoft nói riêng, FPT nói chung đang số hoá từ những vận hành nhỏ nhất trong công ty. Ông Tiến đang sử dụng chiếc xe BMW, mà ông luôn tự hào cho biết FSoft viết phần mềm vận hành phanh và hệ thống cân bằng… Chiếc xe cá nhân của ông cũng nhiều lần được “trưng dụng” để đón lãnh đạo các tập đoàn nước ngoài khi họ đến thăm Việt Nam và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại FPT.
Là một người bán hàng mẫu mực với các chuyến đi công tác nước ngoài dày đặc, ông Hoàng Nam Tiến vẫn thẳng thắn thừa nhận, nếu FPT giỏi hẳn, dịch vụ hoàn hảo, xuất sắc, thì khách hàng sẽ tự tìm đến, mà cá nhân ông không phải lặn lội đi chào hàng và tiếp xúc với các doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Điểm khác biệt của FPT là ngay từ đầu công ty đã hướng đến những khách hàng thuộc tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo danh sách của Fortune. Tuy nhiên, họ chẳng có lý do gì để gặp mặt một công ty tí hon đến từ đất nước Việt Nam bé nhỏ.
Là một công ty lớn tại Việt Nam, khi đi ra nước ngoài, tiếp xúc với các doanh nghiệp lớn nhất thế giới, FPT vẫn là một công ty tí hon, với sản phẩm chưa thực sự nổi bật.
Tiếp xúc được với lãnh đạo - những người đứng đầu có quyền ra quyết định của các doanh nghiệp hàng đầu là việc vô cùng khó khăn. Giai đoạn đầu, khi các doanh nghiệp chưa biết FPT là ai, và có sản phẩm gì, tập đoàn công nghệ này đã chủ động tham gia phái đoàn Việt Nam trong tại diễn đàn Kinh tế thế giới đầu năm 2017 tại Davos (Thuỵ Sĩ). Nhờ có mặt tại bữa sáng nghìn tỉ, nơi Thủ tướng Việt Nam mời 15 lãnh đạo các doanh nghiệp tỉ đô nước ngoài, các mối quan hệ của FPT được mở rộng dần.
Quá trình thuyết phục các doanh đối tác hàng đầu thế giới như các ngân hàng, hãng sản xuất máy bay,…- nơi FPT phải cạnh tranh với hàng loạt đối thủ thiện chiến hơn, sản phẩm dịch vụ tốt hơn…vô cùng phong phú. Tuy nhiên, ông Tiến rút ra bốn nguyên tắc cơ bản
Thứ nhất, quan tâm đến nhu cầu khách hàng. Điều này dường như là bài học cơ bản, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Vì nói dễ hơn triển khai vào thực tế rất nhiều. Nhu cầu có thể được nói ra, có thể được giấu kín. Đôi khi, đó đơn giản là nhu cầu….được nói, được thể hiện sự say sưa. Có nhiều cuộc gặp gỡ, ông Tiến hầu như không nói gì, chỉ đối tác say sưa nói cả tiếng đồng hồ.
Thứ hai, phải biết quan tâm và thiết lập mức giá phù hợp cho sản phẩm của mình. Khách hàng chưa bao giờ hết quan tâm đến túi tiền của bản thân họ.
Thứ ba, phải tận tâm và giữ cam kết. Ông Tiến chia sẻ ông từng cam kết với một khách hàng, rằng ở bất cứ đâu, chỉ cần họ yêu cầu, muộn nhất sau 48 tiếng cá nhân ông sẽ có mặt tại văn phòng họ, ở bất kỳ đâu trên thế giới. Sự tận tâm còn thể hiện ở người lái xe đưa đón khách, luôn có một cuốn sổ ghi chép thói quen, sở thích của từng khách, và học hàng chục thứ tiếng chỉ để chào họ bằng tiếng bản địa khi đón ở sân bay.
Thứ tư, tận dụng sự chuyển mình của nền kinh tế. Trước đây để gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu, FPT thường dựa vào các chính khách, cơ quan chính phủ. Ông Tiến thừa nhận trình độ sản phẩm công nghệ của FPT thua các tập đoàn hàng đầu khoảng 20 năm, sẽ không có cách nào rút ngắn. Tuy nhiên, chuyển đổi số và internet vạn vận đang là cơ hội với FPT và các công ty công nghệ nhỏ trên khắp thế giới. “Khoảng cách bây giờ khoảng 2 năm” - người đứng đầu FSoft nhận định. Với khoảng cách đó, cùng với lựa chọn “thi đấu với những con ngựa trung bình của họ” - FPT đã được lựa chọn.
Linh Anh
thunguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/fpt-san-ca-voi-a702.html