Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn bất ngờ giảm công suất do khó khăn tài chính?

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về tài chính và điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Theo đó, nhà máy này đã phải giảm công suất vận hành từ 100% xuống 80% và sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn vào giữa tháng 2/2022 nếu tình hình tài chính không được cải thiện.

Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương báo cáo và kiến nghị khẩn cấp liên quan tới nguồn cung xăng dầu trong nước.

Petrolimex cho biết, năm nay đơn vị này nhập khoảng 235.000 - 265.000 m3 xăng dầu một tháng từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn qua công ty bao tiêu sản phẩm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

4547-1-1643171938.jpg
Công văn khẩn số 69/PLX của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam

Tuy nhiên, hiện nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tạm dừng nhập khẩu dầu thô phục vụ cho hoạt động, chỉ còn sử dụng dầu thô tồn kho để chế biến xăng dầu sản phẩm, nhưng sẽ sớm dừng hoạt động nếu không có nguồn dầu thô bổ sung.

Điều này khiến cho thương nhân đầu mối lo ngại không có giải pháp xử lý kịp thời, gây thiếu hụt nguồn hàng, không đảm bảo được thị phần, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán cận kề.

Chia sẻ với truyền thông, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đã có buổi làm việc với lãnh đạo Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và có văn bản gửi các sở công thương, một số doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu trong nước.

Với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bộ này yêu cầu báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, tránh ngừng sản xuất mà không thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước. "Doanh nghiệp đang chịu áp lực về tài chính, nhưng họ phải tính cân đối chi phí giữa việc được - mất khi dừng sản xuất và vẫn vận hành", ông nói.

Với các thương nhân đầu mối xăng dầu khác, ông Đông cho biết Bộ Công Thương yêu cầu họ có kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

 Về lo ngại thiếu nguồn cung xăng dầu hay không trong thời gian tới, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết Bộ có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước. Bộ cũng sẽ có chỉ đạo để doanh nghiệp thực hiện nghiêm vấn đề này. 

Ông Đông nói thêm, việc đột ngột cắt đơn hàng cũng không đúng thông lệ quốc tế. Hiện đã đàm phán chốt để đưa hàng về kịp thời và chỉ đạo tránh tình trạng đó lặp lại. Nếu có cắt đơn hàng thì cũng phải thông báo trước để có kế hoạch.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đề nghị Bộ cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích thương nhân đầu mối khi phải nhập khẩu bổ sung cả nguồn xăng dầu không có thuế suất ưu đãi để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trong nước.

PVN chưa phê duyệt ra hạn thoả thuận RPA và thanh toán sớm FPOA

Trước đó, ngày 19/1/2022, Công ty TNHH lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP) có Công văn số 126/NSRP- HPR gửi Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hoá về việc ngừng hoạt động tổ hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn.

1-5-1643171911.jpg
Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn

Nội dung công văn nêu rõ, NSRP đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về tài chính, điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Nguyên nhân của tình trạng này là do PVN chưa phê duyệt ra hạn thoả thuận RPA và thanh toán sớm FPOA, cả hai đều là nguồn tiền mặt cần thiết để NSRP duy trì hoạt động. NSRP đã phải huỷ nhập 2 tàu dầu thô theo lịch sẽ được cập cảng vào ngày 18/1/2021. NSRP đã phải giảm công suất vận hành nhà máy từ 100% xuống 80% và sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn vào ngày 13/2/2022 nếu tình hình tài chính không được cải thiện.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD, nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Nhà máy này do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Nhà máy đi vào vận hành thương mại từ cuối năm 2018.

Theo thoả thuận với nhà đầu tư, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn được hưởng ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) giai đoạn 2017 - 2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó).

PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7% tuỳ chủng loại mặt hàng. Theo các tính toán trước đây, tập đoàn này cho biết có thể phải bù lỗ 1,5-2 tỷ USD cho Nghi Sơn.

Những khó khăn, vướng mắc của Lọc dầu Nghi Sơn cũng như nguồn để bù chênh lệch thuế suất nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ với dự án này... từng nhiều lần được PVN nêu trong các cuộc làm việc với cấp có thẩm quyền.

Mới đây nhất, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV diễn ra giữa tháng 11/2021, Quốc hội đã đồng ý cho PVN được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ, để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Ngoài ra, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện nội dung này đồng bộ với các cam kết khác theo đúng "Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ". Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm. Số liệu này phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán.

Thùy Linh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nha-may-loc-hoa-dau-nghi-son-bat-ngo-giam-cong-suat-do-kho-khan-tai-chinh-a7007.html