Ngân hàng TMCP Quốc Dân - NCB (NVB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ nặng nhất trong hơn một thập niên kinh doanh gần đây.
Cụ thể, trong quý cuối cùng của năm 2021, ngân hàng này chỉ ghi nhận 171 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2020. Chính khoản thu nhập lãi giảm mạnh trong quý cuối năm này đã kéo tụt tổng thu nhập lãi thuần cả năm 2021 của NCB giảm 12%, còn 1.259 tỷ đồng. Trong khi báo cáo tài chính quý III trước đó của ngân hàng này vẫn ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 31%.
Trong quý cuối năm 2021, các mảng kinh doanh khác của NCB đều ghi nhận tăng trưởng mạnh với hoạt động dịch vụ tăng 162%, mang về 42 tỷ; mua bán chứng khoán đầu tư tăng 273%, đạt 269 tỷ và hoạt động khác tăng 212%, đạt 25 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tăng trưởng từ các mảng kinh doanh này không đủ bù đắp mức sụt giảm của hoạt động chính. Kết quả là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng của NCB đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ, đạt hơn 220 tỷ đồng.
Khoảng lãi thuần này cũng không đủ bù đắp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc ngân hàng, khiến NCB lỗ trước thuế 203 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, khoản lỗ này đã tăng gấp 8 lần.
Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất mà nhà băng này ghi nhận trong một quý kinh doanh tính trong hơn một thập niên gần đây.
Chính khoản lỗ nặng trong quý IV này đã bào mòn gần hết lợi nhuận NCB thu về trong 3 quý trước đó. Tính trong cả năm 2021, NCB chỉ lãi vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng trước thuế, dù lợi nhuận 9 tháng trước đã là hơn 205 tỷ.
So với năm 2020, khoản lợi nhuận ngân hàng thu về năm nay cũng giảm 38%.
Năm 2021, NCB không đặt mục tiêu cụ thể cho khoản lợi nhuận trước thuế nhưng đặt kế hoạch lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khoảng 1.000 tỷ. Dù vậy, sau khi khép lại quý cuối năm, ngân hàng này cũng chỉ thực hiện được 75% kế hoạch.
Tính đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu của NCB là 1.249 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cuối năm 2020. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 10 lần, chiếm 603 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng gấp đôi, chiếm 464 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay vì thế cũng tăng mạnh từ 1,51% lên 3%.
Đây là lý do chính khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng gấp 10 lần trong quý IV/2021 và gấp 5 lần trong cả năm 2021, tác động trực tiếp khiến ngân hàng thua lỗ trong quý vừa qua
Điều khó lý giải là mặc dù hoạt động kinh doanh khém khởi sắc, thu nhập của cán bộ nhân viên NCB không bị ảnh hưởng, thậm chí còn tăng hơn so với năm trước. Thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên NCB theo báo cáo tài chính tăng 30% từ mức 14,5 triệu đồng năm 2020 lên 18,8 triệu đồng trong năm 2021.
Ngoài ra, mặc dù thua lỗ nhưng cổ phiếu của Ngân hàng Quốc Dân lại là cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng trong hơn 1 năm qua. Tính từ đầu năm 2021 tới nay, cổ phiếu NVB đã tăng giá tới 244%, từ mức khoảng 8.720 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) lên mức đóng cửa phiên 20/1 là 30.000 đồng/cổ phiếu.
Việc cổ phiếu NVB của ngân hàng này tăng cao, cũng mang lại khoản lợi nhuận hàng trăm tỷ cho một số lãnh đạo khi họ tham gia lướt sóng cổ phiếu'.
Hồi tháng 11/2021 bà Dương Thị Lệ Hà, Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Dân đã bán thành công gần 3,7 triệu NCB, hoàn thành 100% lượng đăng ký trước đó.
Giao dịch được thực hiện trong ngày 9/11 theo phương thức thỏa thuận. Sau khi bán thành công, bà Hà chỉ còn nắm giữ 1 triệu cổ phiếu NVB, chiếm tỷ lệ 0,25% vốn điều lệ NCB.
Theo dữ liệu giao dịch, phiên 9/11 ghi nhận hơn 4,6 triệu đơn vị được khớp lệnh giao dịch thỏa thuận với giá trị gần 122 tỷ đồng, tương ứng với giá bình quân khoảng 26.500 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, bà Hà đã thu về khoảng 98 tỷ đồng từ giao dịch trên.
Bà Dương Thị Lệ Hà chính thức đảm nhận vị trí Quyền Tổng Giám đốc NCB thay cho ông Phạm Thế Hiệp từ ngày 3/8. Trước đó, bà Hà là Phó Tổng Giám đốc thường trực, Trưởng Ban Kiểm soát NCB.
Phần lớn lượng cổ phiếu NVB thuộc sở hữu của bà Hà đã được vị lãnh đạo này mua vào từ nhiều tháng trước đó với giá thấp hơn nhiều hiện tại.
Cụ thể, bà Hà trước đó đã mua 1 triệu cổ phiếu NVB qua giao dịch thỏa thuận ngày 26/2 với giá bình quân 13.515 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, 2,87 triệu cổ phiếu NVB khác được bà mua ngày 17/7/2019 với giá bình quân chỉ là 7.600 đồng/cổ phiếu.
Với giao dịch bán giá bình quân 26.400 đồng/cổ phiếu kể trên, bà Hà đã chốt lời lô cổ phiếu này với mức lãi gần 190%.
Cùng với bà Hà, ông Phạm Thế Hiệp, thành viên HĐQT của NCB cũng đăng ký bán ra 3,3 triệu cổ phiếu, dự kiến giao dịch theo phương thức thỏa thuận từ ngày 8/11 - 30/11. Tuy nhiên, đến gần đây thì ông Hiệp đã thông báo tạm dừng giao dịch do nhu cầu cá nhân.
NCB tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), trước đó là Ngân hàng TMCP Nông thôn Sông Kiên. Navibank đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân từ 22/1/2014. Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước công bố danh sách 9 tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó có Navibank.
Navibank gắn liền với tên tuổi đại gia Đặng Thành Tâm. Sau khi ông Đặng Thành Tâm rút, nhóm cổ đông nhà ông Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gami) tham gia vào HĐQT.
Ông Vũ Hồng Nam (một cựu lãnh đạo trong Gami Group), bà Trần Hải Anh (vợ ông Dũng) cùng ông Dũng luân phiên nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng này trước khi về tay "người mới".
Hồi cuối tháng 7/2021, Ngân hàng TMCP Quốc dân đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường trình phương án tăng vốn và bầu nhân sự HĐQT. Theo đó, Tổng giám đốc Sun Group Bùi Thị Thanh Hương được bầu làm Chủ tịch của nhà băng này.
Không chỉ bổ nhiệm tân Chủ tịch là nữ tướng 8X Bùi Thị Thanh Hương, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng bổ nhiệm loạt nhân sự cấp cao, đều là những "nữ tướng" có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng tài chính.
Minh Trang