Con Cưng liên tục gọi vốn
Con Cưng, chuỗi bán lẻ đồ mẹ và bé, mới đây đã gọi vốn thành công 90 triệu USD từ quỹ đầu tư chuyên lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ Quadria Capital. Theo đó, quỹ này sẽ nắm 30% cổ phần của Con Cưng.
Thương vụ trên cũng đánh dấu sự rút lui của Lombard Investment (trụ sở tại Bangkok) và Daiwa-SSIAM Vietnam Growth Fund II (liên minh giữa Daiwa Securities của Nhật Bản và SSI Asset Management của Việt Nam).
Với khoản đầu tư mới này, Con Cưng dự định sẽ nâng tổng số cửa hàng lên đến 2.000 vào năm 2025 và đầu tư phát triển ứng dụng hiện tại. Ngoài ra, công ty cũng dự định mở một tháng một cửa hàng có diện tích 2.000 m2 và cửa hàng đầu tiên sẽ được khai trương vào tháng 1 này.
Con Cưng hiện đang thống lĩnh thị trường mẹ và bé nội địa với khoảng 600 cửa hàng tại 45 tỉnh và thành phố, với danh mục sản phẩm cung cấp lên đến con số 2.000. Doanh thu của thương hiệu này cũng tăng chóng mặt trong vòng 4 năm trở lại đây với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 70%.
Các đối thủ im hơi lặng tiếng
Trái với sự bành trướng của Con Cưng là sự im ắng của các đối thủ cùng ngành. Kids Plaza, Bibo Mart, Shoptretho, Tuticare,… đều không công bố doanh thu từ năm 2020 (cũng là thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát).
Cũng trong năm này, Mother Care, thương hiệu sản phẩm mẹ và bé của Anh, đã tuyên bố đóng toàn bộ cửa hàng tại nước này do thua lỗ triền miên và không gánh nổi phí thuê mặt bằng. Năm 2019, một năm trước đó, hãng cũng đóng 55 cửa hàng tại Mỹ.
Tại Việt Nam, Mothercare đang vận hành 13 cửa hàng, một số rất khiêm tốn so với đối thủ cùng ngành (Bibo Mart là 150 cửa hàng, Kids Plaza là 115, và Shoptretho là 39). Hiện tại, thương hiệu chủ yếu bán hàng trực tuyến qua kênh phân phối chính thức và hợp tác với các sàn thương mại điện tử.
Bibo Mart, hiện đang chiếm thị phần lớn thứ 2, cũng đã đóng bớt 2 cửa hàng trong năm 2020. Trả lời báo chí về vấn đề này, bà Trịnh Lan Phương, CEO của Bibo Mart, cho biết công ty thời điểm đó đang tái cấu trúc để chuẩn bị cho kế hoạch IPO với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia hàng đầu từ Amazon, Taobao, và Walmart.
“Ở thị trường 100 triệu dân, 10.000 cửa hàng bán lẻ là đủ, xây dựng một nền tảng để hỗ trợ 10.000 cửa hàng này vận hành sao cho hiệu quả hơn là mở thêm cửa hàng để triệt tiêu lẫn nhau,” bà Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Phương lại không cung cấp bất thông tin nào liên quan đến tình hình kinh doanh của công ty trong năm 2020 và năm 2021.
KidsPlaza và Shoptretho cũng có động thái tương tự. Riêng KidsPlaza trong năm 2020 cũng có thừa nhận rằng “COVID-19 đã tác động tới nhiều ngành hàng.” Dù vậy chuỗi bán lẻ này vẫn đặt mục tiêu có 200 cửa hàng trong cùng năm. Nhưng đến nay, KidsPlaza chỉ duy trì được 146 cửa hàng.
Trước khi có dịch bệnh xảy ra, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mẹ và bé đều rất khả quan.
Năm 2017 doanh thu chuỗi cửa hàng Bibo Mart đạt 1.717 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước đó. Năm 2019, chuỗi cửa hàng này đạt gần 1.524 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế ước đạt 32 tỷ đồng. Tất cả các đối thủ còn lại cũng có những số liệu bám sát.
Cụ thể với hệ thống Kids Plaza cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhanh về doanh thu, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử năm 2016 Kids Plaza đạt 390 tỷ đồng doanh thu thì cuối năm 2019 con số này đã lên 939 tỷ đồng, tức tăng 1,4 lần chỉ sau 3 năm.
Duy Nhi
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bibomart-kids-plaza-va-mother-care-lam-an-ra-sao-khi-con-cung-ngay-cang-banh-truong-thi-truong-me-va-be-a6997.html