Xung quanh vụ Trần Doãn Group kiện Gamuda Land: Bài học nào cho doanh nghiệp Việt khi làm ăn với đối tác nước ngoài?

Mới đây, giới làm ăn và cộng đồng xôn xao vì vụ Công ty Cổ phần Trần Doãn (Trần Doãn Group) kiện Công ty Cổ phần Gamuda Land ra Tòa án quận Tân Phú, TP HCM đòi bồi thường thiệt hại do bị chấm dứt hợp đồng. Xung quanh câu chuyện này có thể rút ra những bài học gì cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với đối tác nước ngoài?

anh-1-ong-tran-ngoc-doanh-1642651071.jpg
Ông Trần Ngọc Doanh, CEO Trần Doãn Group.

Nguy cơ mất trắng tiền đầu tư

Theo hồ sơ vụ án, cuối tháng 1/2019, Công ty Cổ phần Gamuda Land có trụ sở tại 68 đường N1, Phường Sơn Kỳ, Quận Tân Phú, TPHCM (dưới đây gọi tắt là DN Gamuda Land) do ông Yap Vooi Soon người Malaysia làm Tổng giám đốc ký hợp đồng cho Công ty Cổ phần Trần Doãn (trụ sở tại 539 Lê Trọng Tấn, Phường Sơn Kỳ, Quận Tân Phú, dưới đây gọi là Trần Doãn Group) do ông Trần Ngọc Doanh làm Tổng giám đốc, thuê thuê khu đất có diện tích 3.600 m2 thuộc Khu liên hiệp TDTT và Dân cư Tân Thắng của Gamuda Land ở quận Tân Phú.

Thời hạn thuê là 15 năm, giá thuê là hơn 332 triệu đồng/ tháng để Trần Doãn đầu tư kinh doanh dịch vụ nhà hàng tiệc cưới, hội nghị.

Một thời gian sau, dịch Covid-19 bùng phát, chỉ đạo của UBND TP HCM giãn cách xã hội, tạm ngừng nhiều hoạt động kinh doanh, khiến việc kinh doanh của Trần Doãn Group ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải tạm ngừng hoạt động một thời gian dài, không có doanh thu.

Nhận thấy điều đó, và cho rằng dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng, phía Trần Doãn nhiều lần yêu cầu Gamuda giảm tiền thuê, nhưng phía Gamuda chỉ báo là Trần Doãn trả tiền thuê xong rồi tính, mà không giảm giá.

Giữa tháng 6/2021, Trần Doãn Group gửi văn bản đề nghị Gamuda Land hỗ trợ giảm 50% phí thuê mặt bằng trong thời gian giãn cách xã hội tại TP HCM. 50% còn lại phía Trần Doãn sẽ đề xuất phương án thanh toán sau khi hết dịch.

Gamuda Land không chấp thuận và thông báo làm lại hợp đồng giảm thời hạn thuê xuống dưới 15 năm. Phía Trần Doãn không đồng ý và đề nghị chỉ làm Phụ lục hợp đồng, nhưng Gamuda từ chối.

Gamuda Land viện dẫn áp mục 12.4 điều 12 của Hợp đồng giữa các bên, quy định nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá 3 tháng thì hợp đồng có thể chấp dứt bởi một trong các bên, và thông báo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Trần Doãn Group.

Sau đó, Trần Doãn Group đã nộp đơn kiện Gamuda Land.

Tuy nhiên, trong đơn khởi kiện, ông Trần Ngọc Doanh – Chủ tịch kiêm CEO Trần Doãn Group, cho rằng mục 12.4 điều 12 của Hợp đồng là điều khoản trái pháp luật và khởi kiện Gamuda Land. Ông Doanh yêu cầu tòa buộc Gamuda Land phải trả lại hơn 108 tỷ đồng, gồm: 84 tỷ đồng là tiền đầu tư, sau khi đã khấu hao 20% khi khu vận hành hoạt động được 3 năm; khoảng 24 tỉ đồng là các khoản tiền ký quỹ, phạt khoản tiền bằng 6 lần tiền ký quỹ, hoàn trả tiền thuê hàng tháng (tổng 31 tháng).

Theo ông Doanh, sau khi ký hợp đồng, Trần Doãn Group đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng và hình thành lên trung tâm hội nghị tiệc cưới và nhà hàng sang trọng TDG Center, mới chỉ mới đưa vào vận hành được 2,5 năm. Việc Gamuda Land chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, thu hồi mặt bằng gây thiệt hại lớn cho ông, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh và cả uy tín của phía Trần Doãn Group.

“Gamuda Land yêu cầu chúng tôi cung cấp các giấy tờ chứng minh giãn cách xã hội ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Họ cho rằng Trần Doãn Group vi phạm trong việc thanh toán. Nhưng chúng tôi mới chỉ đề nghị trả tiền thuê theo từng tháng và trả lãi phạt, chứ chưa vi phạm không vi phạm nghĩa vụ thanh toán, không vi phạm hợp đồng. Việc Gamuda chấm dứt hợp đồng, thu hồi mặt bằng xem như chúng tôi mắt trắng tiền đầu tư hơn 100 tỷ đồng”- CEO Trần Ngọc Doanh chia sẻ.

anh-2-mot-goc-khu-dat-cua-gamuda-land-noi-tran-doan-group-thue-1642651131.jpg
Một góc khu đất của Gamuda Land nơi Trần Doãn Group thuê

 

Cần thận trọng khi ký ký hợp tác

Cũng theo ông Doanh, do khi ký hợp đồng ông không tính toán, để ý kỹ nên bị thiệt thòi nhiều, bị Gamuda Land can thiệp, gây cản trở, làm ảnh hưởng nhiều đến việc trang trí, xây dựng và kinh doanh của Trần Doãn Group.

“Trong mặt bằng của Gamuada Land mà tôi thuê có hầm để xe do họ xây, tôi muốn thuê lại nhưng họ không chịu. Mỗi khi có khách hàng đến đây chụp ảnh check-in nơi hồ bơi hay khung cảnh đẹp tại đây là bị bảo vệ của Gamuda làm khó, không cho chụp”, ông Doanh cho biết.

Cũng theo ông Doanh, kinh doanh nhà hàng hội nghị, thì phải đặt bảng hiệu to, để khách biết tới, nhưng Gamuda Land không cho Trần Doãn group làm, chỉ cho làm bảng hiệu nhỏ xíu.

“Những việc trên chúng tôi đều thông báo lại cho Gamuda Land về đề nghị họ chấp thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thực hiện, nhưng họ không chấp nhận và cho rằng quy định của họ là như vậy. Họ không tôn trọng đối tác, không tôn trọng chúng tôi. Những điều này lẽ ra tôi phải làm cặn kẽ, chi tiết và đưa vào hợp đồng để tránh thiệt hại về mình. Đây cũng là một trong những bài học của chúng tôi”- ông Doanh bộc bạch.

Chia sẻ thêm, ông Doanh cho biết, dịch bệnh Covid-19 xảy ra kéo dài làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, lẽ ra là đối tác Gamuda Land cần có sự thông cảm, có thiện chí hỗ trợ cho phía Trần Doãn. Nhưng họ không làm thế, mà ngược lại còn gây khó khăn cho Trần Doãn.

“Khi Covid-19 xảy ra, chúng tôi không thể hoạt động, không có doanh thu nhưng vẫn trả tiền cho họ. Ngay cả Chính phủ cũng hỗ trợ nhân dân và người dân còn hỗ trợ nhau. Đó là tính nhân văn của con người, của xã hội. Nhưng Gamuda Land thì không thể hiện được điều đó. Tôi cho rằng họ thiếu đi, quên đi tính nhân văn của mình với đối tác”- ông Doanh tâm sự.

Theo ông Doanh, qua câu chuyện này, các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng, suy tính kỹ khi ký kết làm ăn với các đối tác nước ngoài, nhất là khi ký kết hợp đồng và triển khai hợp đồng cần chặt chẽ, tỉ mỉ, chi tiết, lượng định ra những trường hợp rủi ro có thể xảy ra, tránh bị doanh nghiệp ngoại chèn ép, qua mặt.

“Gamuda Land là doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, họ thuê đất của Việt Nam và cho doanh nghiệp Việt Nam thuê lại mà họ còn không tôn trọng và có thiện chí, còn gây khó khăn và “bỏ mặc” cho đối tác chịu khó khăn khi kinh doanh miễn họ có lợi, thu được tiền. Do vậy, các doanh nghiệp Việt phải cảnh giác và tỉnh táo”- ông Doanh chia sẻ.

Văn Thịnh- Đức Thiện

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/xung-quanh-vu-tran-doan-group-kien-gamuda-land-bai-hoc-nao-cho-doanh-nghiep-viet-khi-lam-an-voi-doi-tac-nuoc-ngoai-a6980.html