Ngày 3.12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan vừa hoàn thành thỏa thuận sáp nhập Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (lĩnh vực bán lẻ) của Vingroup, Công ty VinEco (nông nghiệp) vào công ty Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding. Hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức. Vingroup quyết định hợp tác với Masan để tập trung nguồn lực cho mảng công nghiệp, công nghệ, hiện có VinFast, VinSmart và VinTech.
Tập đoàn bán lẻ mới sau thương vụ sẽ do Masan Group nắm quyền kiểm soát. Vingroup là cổ đông với số cổ phần được hoán đổi từ toàn bộ cổ phần trong VinCommerce. Toàn bộ việc điều hành các Công ty VinCommerce (siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+) và VinEco sẽ được chuyển giao cho Masan.
Doanh nghiệp mới sẽ sở hữu chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam với mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh thành. Hệ thống mới cũng sở hữu 14 nông trường công nghệ cao của thương hiệu VinEco. Tập đoàn mới sẽ là một doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ khi Masan cũng sở hữu mạng lưới bán lẻ với 180.000 điểm bán lẻ sản phẩm thực phẩm và 160.000 điểm bán lẻ sản phẩm đồ uống. Masan hiện là công ty hàng sản xuất tiêu dùng không cồn, không sữa lớn nhất, sở hữu một loạt thương hiệu hàng như mỳ ăn liền Omachi, Kokomi; gia vị như nước mắm Nam Ngư, tương ớt Chinsu, nước tương Chinsu; cà phê như Vinacafe...
VinCommerce có vốn điều lệ hơn 6.400 tỉ đồng. Công ty mẹ của VinCommerce vừa được rót vốn 500 triệu USD hồi tháng 9 bởi quỹ đầu tư nước ngoài, đứng đầu là Quỹ Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC). VinEco có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng. Tính tới 31/3, Vingroup đang nắm giữ 64,3% cổ phần tại VinCommerce và 95% tại VinEco.
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast hàng chục lần thông báo phát hành trái phiếu. Lần gần nhất vào cuối tháng 11, VinFast phát hành 43 lô trái phiếu kỳ hạn 36 tháng với tổng giá trị 5.225 tỷ đồng.
Thái Hoàng