Vì sao "siêu công ty" vốn điều lệ 500.000 tỷ quyết định giải thể ?

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) được thành lập vào ngày 20/5/2021 bằng sự góp vốn của ba cá nhân có vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng, cao hơn cả Vingroup, Hoà Phát, Vinamilk, Thaco... đã thông báo giải thể. Vì sao như vậy?

nguyen-vu-quoc-anh-1642325957.jpeg
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) trong lần livestreams nói về những kế hoạch kinh doanh “tiền tỷ” của mình bằng “ước mơ” lớn với 2 triệu khách hàng và doanh thu 10.000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group), ngày 31/12/2021 đã ký quyết định giải thể công ty. Thông báo này được Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ghi nhận sau đó một tuần.

"Lý do giải thể là các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu", thông báo giải thể viết.

Chỉ sau một đêm xuất hiện doanh nghiệp có vốn điều lệ vượt nhiều tập đoàn lớn

Như Nhaquanly.vn đã từng phản ánh, ngày 20/5/2021, tại TPHCM, có một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn điều lệ lên đến 500.000 tỷ đồng là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group), tương đương 21,7 tỷ UDS (quy đổi 1 USD= 23.000 đồng)

16-1622513320.pngGiấy đăng ký thành lập công ty của Auto Investment Group có vốn điều lệ là 500.000 tỷ đồng.

 

Văn phòng chính của công ty này đặt tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower, số 2 đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986). Công ty hoạt động trong lĩnh vực lập trình máy tính.

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh là cổ đông lớn nhất khi đăng ký góp 99,996% vốn, tương đương 499.998 tỷ đồng. Hai cá nhân góp vốn khác là bà Nguyễn Thị Diễm Hằng và ông Lưu Hữu Thiện, mỗi người đăng ký góp 1 tỷ đồng, tương đương 0,002% vốn điều lệ.

Tính ra, với 500.000 tỷ đồng, quy mô vốn của Auto Investment Group cao nhất Việt Nam hiện nay. Theo số liệu từ sàn chứng khoán, Tập đoàn Vingroup, đang doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán, hiện có vốn điều lệ hơn 34.000 tỷ đồng, với vốn hóa trên thị trường gần 400.000 tỷ đồng.

Trong trường hợp so sánh với các công ty hoạt động trong lĩnh vực lập trình máy tính thì vốn điều lệ của Auto Investment Group còn cao gấp nhiều lần các công ty khác. Đơn cử, Tập đoàn FPT hoạt động trong lĩnh vực phần mềm có vốn điều lệ chỉ có 7.840 tỷ đồng, nghĩa là Auto Investment Group có vốn điều lệ cao hơn 63,7 lần so với FPT.

Theo số liệu công bố trên thị trường, những tập đoàn có vốn điều lệ lớn nhất là Vingroup với 34.309 tỷ đồng, Hoà Phát là 27.610 tỷ đồng, Vinamilk là 17.416 tỷ đồng, Thaco là 16.950 tỷ đồng.

Ngày 15/6/2021, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) đã có buổi chia sẻ trên mạng xã hội để nói về những kế hoạch kinh doanh “tiền tỷ” của mình bằng “ước mơ” lớn với 2 triệu khách hàng và doanh thu 10.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Tại buổi chia sẻ này, vị giám đốc 35 tuổi cho biết, mục tiêu của tập đoàn là chuyển đổi số cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan nhà nước, các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về lâu dài là trở thành một tập đoàn hàng đầu, đại diện cho Việt Nam về mặt công nghệ ra thị trường, buôn bán cạnh tranh với các tập đoàn khác.

Và để đạt được mục tiêu này, Nguyễn Vũ Quốc Anh dự kiến thành lập 17 công ty, trực thuộc tập đoàn GAB GROUP. Hiện tại, đã có 5 công ty được thành lập và trong đó có Auto Investment Group, với điều lệ đăng ký 500.000 tỉ đồng.

Dĩ nhiên, ông Quốc Anh cũng khẳng định việc đăng ký vốn điều lệ cho Auto Investment Group không phải nổ hay PR cho bản thân và cũng cho biết thêm là hiện tại bản thân không có gì ngoài chất xám, không có tiền bạc.

Ông Quốc Anh đã nói rằng từ 1/7/2021, GAB GROUP sẽ bắt đầu đi vào hoạt động chính thức và đến cuối năm sẽ đưa ra thị trường khoảng 1.000 sản phẩm, sớm đạt cột mốc 2 triệu khách hàng và doanh thu đạt 10.000 tỷ đồng.

Đi liền với đó, vị giám đốc doanh nghiệp đầy hoài bão này cho biết thêm, trong 3 năm tiếp theo, tập đoàn của ông sẽ cho ra khoảng 100.000 sản phẩm để phân phối, rồi nhấn mạnh rằng - con số này cho thấy tại sao nói tập đoàn của (chúng tôi) rất khủng. Đây đều là những sản phẩm ưu việt, nên vì sao con số vốn điều lệ tương đương 21,7 tỷ USD là có cơ sở và còn hơn nữa, chứ không tâng bốc, PR bản thân.

Bên cạnh đó, vị này cũng nói về việc mở rộng thị trường sang Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ trong tương lai. Và để trở thành tập đoàn toàn cầu hoạt động ở nhiều quốc gia GAB GROUP sẽ cần 10.000 nhân viên nhưng chi phí vận hàng chỉ có 200 triệu đồng.

Khi nói về những kế hoạch dài hạn, Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết, giai đoạn năm 2023-2025 sẽ xây dựng một trung tâm kinh doanh tài chính toàn cầu tại Việt Nam. Kế hoạch đã được xây dựng, gồm chiến lược đầu tư cho 17 tòa nhà, đại diện 17 công ty với vốn xây dựng khoảng 30 tỷ USD.

"Cái này tôi nói tôi sẽ thực hiện, tôi nói là làm", ông Quốc Anh khẳng định cho những gì mình đã nói.

Chế tài nhẹ nên doanh nghiệp mặc sức tăng vốn điều lệ trên trời

Sau khi có doanh nghiệp mới thành lập có vốn điều lệ lên đến 500.000 tỷ đồng, ngay lập tức thông tin này gây chú ý đối với giới truyền thông.

Cộng đồng mạng vào cuộc phát hiện ra trụ sở công ty này chỉ là một căn nhà cấp 4 ở thành phố Thủ Đức với khoảng 20 nhân viên làm việc và lấy đó để “tấn công cá nhân” ông Nguyễn Vũ Quốc Anh.

Song thực tế cho thấy, nhiều tập đoàn trước khi khẳng định vị thế của mình trên thị trường đều có xuất phát điểm rất thấp. Cụ thể, Apple trước khi trở thành một tập đoàn có giá trị lớn nhất trên thị trường chứng khoán cũng bắt đầu ở trong một nhà sửa ô tô, hay như đế chế tỷ đô Amazon của tỷ phú Jeff Bezos cũng khởi đầu từ một văn phòng nhỏ, chật hẹp.

Vì thế, khởi đầu bằng một văn phòng nhỏ, không có gì đáng phải "cười nhau" cả.

Tuy nhiên, những gì diễn ra sau câu chuyện Auto Investment Group của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho thấy nhiều vấn đề bất cập của pháp luật về quy định vốn điều lệ ở Việt Nam và hệ quả là "siêu công ty" vốn điều lệ 500.000 tỷ cuối cùng phải giải thể.

Theo Thạc sỹ - Luật sư Nguyễn Đăng Tư, Công ty luật TNHH Trilaw, Điểm 29 điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần".

Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu/ tối đa khi thành lập công ty. Tuy nhiên, nếu đăng ký vốn điều lệ quá thấp thì sẽ không thể hiện được tiềm lực tài chính của công ty, nhưng nếu đăng ký vốn điều lệ quá cao so với số vốn thực có sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện sổ sách kế toán, thực hiện nghĩa vụ tài chính…

Theo quy định tại khoản 3, Điều 28, Nghị Định số 50/2016/NĐ-CP thì đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000. 

Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp”.

"Như vậy, tôi cho rằng chế tài quá nhẹ nêu trên chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng đăng ký vốn “ảo” xảy ra rất nhiều như trong thời gian vừa qua", Luật sư Nguyễn Đăng Tư chia sẻ.

Lê Tuấn

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vi-sao-sieu-cong-ty-von-dieu-le-500000-ty-quyet-dinh-giai-the-a6952.html