Nga là thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất trên toàn cầu (tăng 37%), nhỉnh hơn Hy Lạp (tăng 34,5%), theo số liệu tính đến ngày 11.11 của Bloomberg. Trong khi các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản của Hy Lạp và đồng Euro ngày càng yếu đi, thì các chỉ số tốt về tỉ lệ nợ trên GDP thấp đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu, những người coi Nga là thị trường đầu tư chứng khoán thu về nhiều lợi nhuận nhất.
Tỉ lệ nợ trên GDP của Nga chỉ khoảng 20%. Con số này ở Brazil là gần 80%. Còn ở Trung Quốc, tổng nợ doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ đã tăng lên tới 303% GDP, theo Viện Tài chính Quốc tế.
Thị trường ngoại hối toàn cầu cũng đã bắt đầu chú ý đến các yếu tố kinh tế vĩ mô đang được cải thiện tại Nga khi RUB hiện là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất thế giới so với đồng USD với lợi nhuận 16,4% trong năm nay.
Kể từ năm 2014, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng một số lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt nhất trong lịch sử hiện đại đối với các công ty Nga.
Đối với một số nhà đầu tư quốc tế, RUB ngày càng được coi là loại tiền tệ phụ thuộc vào vàng vì Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm dự trữ USD và thay vào đó là mua vào vàng miếng.
Cả Nga và Trung Quốc đều hối hả tích lũy vàng trong năm nay. Trung Quốc đã bổ sung 106 tấn vàng vào kho dự trữ chính thức vào năm 2019, trong khi Nga mua thêm 145 tấn, đưa Nga trở thành nước nắm giữ vàng lớn thứ năm thế giới với 2219 tấn theo Hội đồng vàng Thế giới.
Đồng thời, cũng xuất hiện một số biểu hiện của việc "quốc tế hóa" đồng RUB. Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch bán trái phiếu chính phủ bằng đồng RUB, theo lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexey Moiseev, trong bối cảnh hai cường quốc Biển Đen thắt chặt quan hệ tài chính. Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét các ngân hàng, bao gồm các công ty cho vay quốc tế cũng như một công ty của Nga, để bán ra “một số lượng đáng kể” trái phiếu chính phủ. Nga đã tìm cách mở rộng thị trường trái phiếu địa phương của mình cho các nhà phát hành quốc tế, nhưng hiện tại mới chỉ có nước láng giềng Belarus có nợ bằng đồng RUB.
Trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Nga gần chạm mức thấp nhất trong lịch sử, thì ngược lại tỉ lệ cổ tức của Nga vẫn gần với cao nhất lịch sử.
Ngoài việc trả cổ tức cao hơn, chứng khoán Nga cũng được hưởng lợi từ việc tạm dừng thực thi lệnh trừng phạt mới của Mỹ hoặc EU. Ngoài ra, rủi ro đến từ các lệnh trừng phạt chống lại các công ty Nga đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Trong khi chu kỳ lãi suất toàn cầu có thể đã lên đến đỉnh điểm và lãi suất châu Âu đang âm, cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay, đồng RUB mang lại lãi suất cao hấp dẫn trong bối cảnh toàn cầu.
Các cổ phiếu trong rổ chỉ số RTS của Nga là những khoản đầu tư có giá trị với tỉ lệ cổ tức là 6,38% và P/E là 6,48 lần cho thấy khoản đầu tư giá trị. Chứng khoán Mỹ trong tháng này đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay và chỉ số S&P 500 hiện giao dịch ở mức P/E là 20,33 lần với tỉ lệ cổ tức là 1,87%.
Tổng giá trị vốn hoá của thị trường chứng khoán Nga hiện chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh của năm 2008 với hơn 1,5 nghìn tỉ USD. Hiện con số này chỉ đạt 663 tỉ USD, tương đương 3,8% vốn hoá của Chỉ số thị trường mới nổi MSCI.
Trong tổng giá trị vốn hoá của tất cả các thị trường mới nổi, Nga chiếm 0,7% so với 0,9% của Brazil và 2% của Ấn Độ và 11,6% của Trung Quốc. Nhiều nhà đầu tư Mỹ có kinh nghiệm giao dịch chứng khoán Trung Quốc giờ đã nhận ra rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể khiến nhiều danh mục đầu tư rời khỏi Trung Quốc và chuyển sang các thị trường mới nổi khác.
Vốn hóa thị trường của Nga chiếm 34,8% GDP quốc gia này vào tháng 12.2018 theo Ngân hàng Thế giới, thấp hơn nhiều so với mức 146,3% GDP của thị trường chứng khoán Mỹ.
Mặc dù các phương tiện truyền thông nói nhiều về các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là các nhà đầu tư đến từ Mỹ và Vương quốc Anh vẫn là các nhà đầu tư tổ chức lớn nhất tại Nga.
Lợi nhuận từ cổ tức vẫn ổn định. Nga vẫn chưa đạt đỉnh trong chu kỳ lợi nhuận doanh nghiệp, cho nên mức chi trả cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước tăng nhẹ. Các doanh nghiệp hạn chế sử dụng đòn bẩy (một phần do các lệnh trừng phạt của phương Tây). Nguồn cung cổ phiếu đang bị thu hẹp do các công ty mua lại cổ phiếu và việc phát hành cổ phiếu mới trở nên khan hiếm.
Khoảng cách giữa chứng khoán của Nga và các thị trường mới nổi hiện đang ở gần mức cao lịch sử. Tỉ lệ chi trả cổ tức của Nga đạt 6,7%, gấp đôi mức trung dưới 3% ở các thị trường mới nổi.
Các công ty Nga cũng đã tăng chi trả cổ tức trong năm nay - đặc biệt là các công ty có chính phủ Nga là cổ đông lớn, như Sberbank và Gazprom.
Sberbank đã trả 361,4 tỉ RUB (5,62 tỉ USD) tiền cổ tức năm 2018, tương đương 16 RUB cho mỗi cổ phiếu, chi 43,5% lợi nhuận ròng theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) cho các khoản thanh toán cho các cổ đông. Đây là mức cổ tức cao nhất từng được trả bởi một công ty Nga. Trước đó, Gazprom đã tuyên bố tỉ lệ chi trả cổ tức của họ sẽ tăng lên mức 50% lợi nhuận ròng theo chuẩn IFRS trong vòng hai đến ba năm tới.
Dựa trên các số liệu định giá thông thường, Nga nổi lên như một thị trường chứng khoán hấp dẫn vượt trội trong các quốc gia mới nổi. Không thị trường nào khác trên thế giới mang lại lợi suất cao như vậy kèm theo khả năng tiếp tục tăng trưởng.
Rainer Michael Preiss
tamvu
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/chung-khoan-nga-tang-manh-nhat-toan-cau-bat-chap-trung-phat-kinh-te-a693.html