Danh sách 50 Over 50: Asia 2022 gồm 50 nhà sáng lập, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị, các nhà khoa học và những người tiên phong dẫn đầu ở khu vực trong năm 2022. Việt Nam có hai nữ doanh nhân nằm trong danh sách này là bà Thái Hương và bà Trương Thị Lệ Khanh.
Theo giới thiệu của Forbes, bà Thái Hương được biết đến với vai trò là người có nhiều đóng góp mang tính cách mạng đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Bà thúc đẩy ngành công nghiệp sữa với khoản đầu tư vào dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa sử dụng công nghệ từ Israel vào năm 2008, giúp giảm tỷ lệ sản phẩm sữa bột pha lại (sữa hoàn nguyên) trên thị trường trong nước từ 92% năm 2008 xuống chỉ còn 60% (tính đến năm 2020).
Trong vài năm gần đây, bà đã có những bước đi táo bạo hơn khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm sữa ở Nga và Úc. Dự án đầu tư tại Nga, với tổng vốn khoảng 2,7 tỷ USD, gần hoàn thành giai đoạn một với nhà máy sữa dự kiến khai trương vào tháng 5/2022.
Là sản phẩm chủ lực của tập đoàn TH, TH true MILK là thương hiệu đã tạo nên cuộc cách mạng sữa tươi trên thị trường Việt Nam với việc tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, kết hợp với trí tuệ và tài nguyên thiên nhiên Việt. 9 tháng năm 2021, thị phần của TH true MILK trong ngành hàng sữa nước chiếm khoảng 45%, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với tổng nhận biết của người tiêu dùng với thương hiệu là 100%.
Từ khi bắt đầu xây dựng Dự án Chăn nuôi bò sữa công nghệ cao đầu tiên tại cao nguyên Phủ Quỳ, Nghĩa Đàn, Nghệ An tập đoàn này chỉ mất 14 tháng để những sản phẩm thương mại đầu tiên đến tay người tiêu dùng. Sau thành công tại Nghệ An, TH tiếp tục khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Phú Yên, Hà Giang, Thanh Hóa, Cao Bằng, Kon Tum, An Giang. Mục tiêu là tới năm 2025, tổng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung và liên kết với nông dân của TH đạt 400.000 con, giúp TH giữ vững vị thế doanh nghiệp đứng đầu trong phân khúc sữa tươi.
Nữ doanh nhân Việt còn lại nằm trong danh sách này là bà Trương Thị Lệ Khanh, nhà sáng lập và kiêm Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn. Bà thành lập và phát triển Vĩnh Hoàn thành một công ty đại chúng, trở thành nhà sản xuất cá da trơn lớn nhất Việt Nam từ năm 2010 và vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu từ đó cho đến hiện nay.
Công ty có bảy nhà máy với công suất sản xuất đạt 1.000 tấn cá mỗi ngày. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 275 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là công ty sản xuất thành công collagen và gelatin từ da cá, một nguyên liệu dùng để sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm dinh dưỡng.
Trước đó, bà Trương Thị Lệ Khanh cũng từng được Forbes bình chọn vào top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen) vào năm 2020.
Tiền thân của CTCP Vĩnh Hoàn là Công ty TNHH Vĩnh Hoàn được thành lập vào cuối năm 1997 tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Năm 2007, công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần với tên gọi Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn. Đây là công ty chuyên xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa.
Về tình hình kinh doanh, theo BCTC quý III/2021 cho biết doanh thu thuần đạt 2.230,5 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần công ty đạt 6.361 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 646,6 tỷ đồng, tăng 17,2%.
Trong danh sách 50 Over 50: Asia 2022, Ấn Độ là nước có nhiều phụ nữ được vinh danh nhất với 9 người. Riêng khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia dẫn đầu trong danh sách này với 5 phụ nữ được vinh danh, tiếp đó là Thái Lan (4 người), Malaysia (2 người), Singapore (2 người) và Philippines (2 người).
Mi Mi