Phóng viên: Vụ việc kit test Công ty Việt Á với những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đang tiếp tục được mở rộng điều tra. Ông đánh giá thế nào về vụ việc này?
Ông Phạm Ngọc Hùng: Theo tôi, có 6 vấn đề cần làm rõ trong vụ việc này. Thứ nhất là việc đưa và nhận hối lộ của Việt Á với các đơn vị, đối tượng liên quan. Thứ hai là vấn đề về việc sản xuất kit test Việt Á. Vấn đề thứ ba cần làm rõ là vai trò của Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Y tế và Học viện Quân y trong vụ việc này.
Một vấn đề nữa mà tôi cho rằng cần phải có câu trả lời chính xác cho dư luận là chất lượng thực sự của sản phẩm do Việt Á sản xuất. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan xác nhận là có việc nhập lậu kit test từ Trung Quốc. Vậy việc này có liên quan đến vụ việc kit test của Việt Á hay không? Câu hỏi khác được đặt ra là ai đã cung cấp thông tin giả cho truyền thông để quảng bá cho sản phẩm của công ty Việt Á?
Phóng viên: Xin ông phân tích rõ hơn về những vấn đề trên ?
Ông Phạm Ngọc Hùng: Về vấn đề đưa và nhận hối lộ, cơ quan điều tra đã bắt giám đốc công ty Việt Á và lãnh đạo CDC một số địa phương cùng một số vụ của Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Y tế để điều tra. Nhưng theo tôi vấn đề ở chỗ tại sao Công ty Việt Á có thể bán được kit test với mức giá rất cao và lót tay với mức cao đến 20% cho CDC các địa phương như vậy?
Theo kết quả điều tra đến hiện nay, giá này dựa trên công văn của Bộ Y tế để CDC các địa phương căn cứ vào đó mua sản phẩm của Việt Á. Vậy có sự bắt tay nào giữa Công ty Việt Á và Bộ Y tế hay không? Tôi hy vọng cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ vấn đề này.
Theo thông tin báo chí, xưởng sản xuất của Việt Á có diện tích chỉ 10 mét vuông, 9-10 công nhân với máy móc nghèo nàn. Như vậy liệu có đủ năng lực sản xuất 10.000 sản phẩm/ngày hay không? Hay công ty này còn cơ sở sản xuất nào khác?
Liên quan đến vấn đề này không thể không nhắc đến trách nhiệm của các đơn vị đã xác nhận đạt tiêu chuẩn ISO 13485:2016 cho cơ sở của Việt Á. Cơ sở sản xuất của Việt Á có được kiểm tra trước khi Việt Á được công nhận ISO không? Ai là người đã kiểm tra và cấp ISO cho Việt Á? Có sự mập mở bắt tay nào ở đây không? Theo tôi, đó là những nội dung rất cần được làm rõ.
Quanh đề tài nghiên cứu trị giá 19 tỷ được giao cho công ty Việt Á và Học viện Quân y thực hiện cũng có rất nhiều câu hỏi cần được đặt ra. Theo tôi biết thì vào thời điểm tháng 2/2020 khi Bộ KH&CN giao Công ty Việt Á và Học viện Quân y thực hiện đề tài nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và Realtime -PCR phát hiện chủng virus corona 2019 thì đã có các đề tài nghiên cứu của thế giới được công bố và cho sử dụng miễn phí. Vậy đây có phải là một sự lãng phí hay không?
Dù thời điểm này số lượng mẫu để nghiên cứu còn rất hạn chế nhưng ngày 3/3/2020 khi đề tài này chưa nghiệm thu, Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia đã thông qua và kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất. Ngay ngày 4/3/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BTY về việc ban hành danh mục hai sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus Corona (SARS-CoV-2).
Theo tôi, không thể có tốc độ nghiên cứu thần tốc với số mẫu như vậy? Ngoài ra, tôi cũng thắc mắc đề tài này được nghiên cứu ở đâu? Sau đó, Bộ KHCN đã lừa dối người dân khi thông tin bộ kit test này được WHO chấp nhận và được 20 nước đặt mua sản phẩm này. Vậy ai là người cung cấp những thông tin giả này để đánh lừa người tiêu dùng?
Sau khi công bố kết quả đề tài, ngay ngày hôm sau Bộ Y tế đã chấp nhận và giao Công ty Việt Á sản xuất. Thời gian ngắn như vậy thì Bộ Y tế có kiểm tra kết quả đề tài và năng lực sản xuất của Việt Á không? Ai là người kiểm tra tính khả thi của đề tài? Theo tôi biết, quy trình này phải được đánh giá rất thận trọng và kỹ lưỡng vì có liên quan đến tính mạng con người, không thể làm qua loa trong thời gian ngắn như vậy. Ai đã cố tình buông lỏng quản lý vấn đề này?
Vai trò của Học viện quân y trong đề tài này cũng là một câu hỏi lớn. Tại sao năng lực của Học viện Quân y hơn hẳn Việt Á nhưng lại giao cho Việt Á sản xuất? Một câu hỏi nữa là sản phẩm này kết quả của đề tài nghiên cứu nhà nước nên phải có sự phân bổ lợi nhuận giữa Công ty Việt Á với Bộ Khoa học & Công nghệ. Nếu không, đây là sự lãng phí rất lớn ngân sách của nhà nước cũng như là việc làm rất kỳ lạ của Bộ Khoa học & Công nghệ.
Theo công bố, độ chính xác của sản phẩm kit test do Việt Á sản xuất có độ chính xác 100%. Tôi nghi ngờ thông tin này có phải giả hay như thông tin của Bộ KH&CN công bố hay không. Theo tôi, phải kiểm tra ngay vấn đề này vì điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ của người dân. Khi không phát hiện người dương tính gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Trong khi người bị dương tính giá phải đối mắt nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng. Vấn đề này còn có vai trò của Viện vệ sinh dịch tễ thuộc Bộ Y tế.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã xác nhận có kit test nhập lậu từ Trung Quốc và đề nghị phía Trung Quốc cung cấp thêm thông tin. Vậy những bộ kit test nhập lậu này đã đi vào đâu? Câu hỏi lớn hơn là các công ty sản xuất những sản phẩm này có đủ năng lực không? Liệu nguồn sản phẩm nhập lậu này có được Việt Á thực hiện sang mác để cung cấp ra thị trường hay không? Nếu đúng vậy thì vấn đề này rất nghiêm trọng vì đưa sản phẩm kit test không rõ nguồn gốc, chất lượng vào phục vụ sức khoẻ, tính mạng con người là điều không thể chấp nhận được.
Các vấn đề quanh việc Bộ Khoa học & Công nghệ công bố các tin giả, thể hiện sự trí trá, vô trách nhiệm của bộ này. Không chỉ công bố các thông tin giả để quảng bá cho sản phẩm của Việt Á mà khi sự việc bị phát hiện, Bộ Khoa học & Công nghệ đổ lỗi cho báo chí đăng tin sai, Bộ Khoa học & Công nghệ chỉ lấy lại thông tin từ báo chí. Đây là sự dối trá không thể chấp nhận được bởi chính Bộ Khoa học & Công nghệ là cơ quan cung cấp thông tin sản phẩm của Việt Á được WHO chấp nhận cho các cơ quan truyền thông. Ngoài ra, việc đề xuất và xác minh lại thông tin trước tặng thưởng huân chương Lao động cho công ty Việt Á cũng rất có vấn đề. Theo tôi, việc này có khả năng trong chủ đích của các nhóm lợi ích.
Ngoài ra, tôi còn băn khoăn khác: Theo công bố của cơ quan điều tra, Phan Quốc Việt và 2 cổ đông khác chỉ giữ 20% cổ phần Việt Á. Vậy ai là người chiếm 80% cổ phần còn lại, có trách nhiệm gì trong những sai phạm của Việt Á? Tôi rất mong Bộ Công an sớm đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này bởi đây có khả năng là sự bắt tay quy mô rất lớn từ trung ương đến địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết tâm chống dịch của Đảng và Nhà nước cũng như toàn dân.
Tôi rất mừng là Đảng và Nhà nước đã xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và đưa vụ án này vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kì tổ chức, cá nhân nào.
Tôi cũng như những công dân khác rất mong chờ cơ quan điều tra sớm công bố kết quả điều tra chính xác theo đúng chỉ đạo của Tổng bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội cũng như khẳng định “điều tra triệt để mọi góc cạnh liên quan đến vụ án, làm rõ đến đâu thông tin đến đó” của Bộ Công an để có câu trả lời thoả đáng với Đảng, Nhà nước và quan trọng hơn là với gần 100 triệu người dân Việt Nam và hơn 33 nghìn người đã qua đời trong đại dịch COVID-19.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Sơn
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhung-cau-hoi-can-lam-ro-trong-vu-viec-vi-pham-cua-cong-ty-viet-a-a6872.html