Theo báo cáo của Asia Partner, Việt Nam có số lượng lớn nhân sự liên quan đến ngành công nghệ thông tin, cao hơn Malaysia hay Indonesia, và tương đương với Singapore. Kết quả đánh giá trên đến từ số lượng hồ sơ trên mạng xã hội LinkedIn liên quan đến những lĩnh vực như lập trình viên, phát triển phần mềm, phát triển website, kĩ sư phần mềm, lập trình Java.
Chia sẻ với Tạp chí Nhà Quản Lý, Tiến sĩ Vũ Duy Thức, CEO Kambria, tại Việt Nam cho biết: “Tôi rất kì vọng vào nguồn nhân lực của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, đặc biệt trong ngành AI (trí tuệ nhân tạo), nếu so với các nước trong khu vực”. Ông Thức chia sẻ thêm, chúng ta có rất nhiều tài năng “thô”, cần có sự đầu tư thêm. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đón nhận nguồn nhân lực đào tạo từ nước ngoài quay trở về nước.
Tiến sĩ Nguyễn An Nguyên, Nhà sáng lập kiêm CEO Trusting Social cho rằng, Việt Nam có nguồn nhân lực tiềm năng trong ngành công nghệ nếu so với các nước khác trong khu vực Asean. Singapore có nền giáo dục rất tốt nhưng không có nhiều nhân lực và thị trường đủ lớn, chỉ khoảng 5,6 triệu người (năm 2018). Trong khi Indonesia có dân số đông, hơn 260 triệu người, gần gấp ba lần Việt Nam, nhưng lại nền giáo dục không mở như Việt Nam. Ông Nguyên cũng nhận định, khả năng tự học của người Việt Nam tốt hơn so với các nước trong khu vực, chắp cánh từ của sự phát triển internet.
Tuy nhiên, so với các nước khác như Indonesia, hay Malaysia, Việt Nam chưa có nhiều các công ty startup thuộc nhóm kì lân. Trong khi đó, Indonesia hiện có tới bốn kỳ lân công nghệ (doanh nghiệp có vốn hoá trên một tỉ USD) gồm có: GoJek, Tokopedia, Traveloka và Bukalapak. Từ năm 2017, quốc gia này đã có nhiều công ty công nghệ bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo tiến sĩ An Nguyên, thách thức của Việt Nam nằm ở việc chậm trong việc cải cách pháp lý. Ông dẫn chứng, các cơ quan nhà nước của Singapore luôn tạo điều kiện khuyến khích hỗ trợ chi phí nên có nhiều startup chọn Singapore để thành lập công ty, mở các trung tâm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI). Một số quốc gia đã có cơ chế sandbox và Việt Nam đang nghiên cứu để áp dụng cơ chế này. Sandbox là một cơ chế giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo có môi trường để thử nghiệm.
minhtam
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/viet-nam-co-loi-the-ve-nhan-su-cong-nghe-thong-tin-a686.html