Mới đây, tại buổi lễ khai trương trụ sở Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam (viết tắt là Công ty Sâm Việt Nam), đại diện doanh nghiệp này cho rằng “đang sở hữu vườn sâm với hơn 10 ha” ở tỉnh Kon Tum, khiến dư luận đặt nghi vấn về tính xác thực của thông tin.
Lý giải về phát ngôn này, ông Nguyễn Tuấn Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Sâm Việt Nam cho biết, tháng 7/2019, Công ty Cổ phần Dược liệu Núi Ngọk (tiền thân của Công ty Sâm Việt Nam, cũng do ông Vũ làm Giám đốc), đã ký hợp đồng hợp tác thuê đất với Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông - Kon Tum, để đầu tư trồng cây dược liệu trên diện tích 3ha, tại làng Moza, xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), với thời hạn 20 năm. Hiện hợp đồng này vẫn đang còn hiệu lực, việc hợp tác đầu tư diễn ra bình thường.
Bên cạnh đó, Công ty Sâm Việt Nam còn ký hợp đồng liên kết đầu tư, phát triển vườn sâm với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (người Xê Đăng). Cụ thể, năm 2019, ký kết hợp tác, liên kết với hộ ông A.K (xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông), cùng đầu tư và phát triển 5 ha sâm; năm 2020, ký hợp đồng liên kết đầu tư, phát triển vườn sâm với hộ ông A.L (xã Ngọc Lây); năm 2021, ký kết với hộ ông A.P (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông), đầu tư trồng vườn sâm tại 2 khu đất tại xã Tê Xăng…
Việc liên kết, hợp tác đầu tư và phát triển vườn sâm Ngọc Linh với các hộ dân được Công ty Sâm Việt Nam thực hiện theo đúng quy định của luật pháp. Doanh nghiệp cam kết bỏ vốn, chi phí mua giống, chi phí chăm sóc, bảo vệ vườn cây. Các hộ dân thì bỏ công chăm sóc, theo dõi vườn cây phát triển… Toàn bộ thành phẩm thu hoạch được, doanh nghiệp bao tiêu cho các hộ dân.
Ông Vũ cũng tiết lộ rằng, do đặc thù canh tác cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, Quảng Nam, trên độ cao bình quân 1.400m, nên không thể tiết lộ chi tiết; trái lại, phải giữ bí mật thông tin liên kết, kinh doanh, vì vùng trồng sâm thường hay xảy ra nạn trộm cắp sâm, hành vi phá hoại hoặc cạnh tranh không lành mạnh…
Việc bảo mật thông tin trong liên kết, làm ăn giữa các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân là không vi phạm luật pháp. Công ty Sâm Việt Nam luôn tuần thủ đầy đủ các quy định của luật pháp về đầu tư, kinh doanh, đất đai… trên nguyên tắc các hợp đồng được ký kết và chứng thực của chính quyền địa phương.
CEO Công ty Sâm Việt Nam cũng cho biết thêm, ngoài đầu tư cho cây sâm, doanh nghiệp còn có vùng nguyên dược liệu hàng chục ha, là nơi chăm sóc và phát triển các loại dược liệu quý, như: Giảo cổ lam, Tử diệp thảo, Đương quy, Hồng đẳng sâm, Trà dây, Sa nhân, Ba kích tím...
Công ty còn có đội ngũ nghiên cứu và phát triển nguồn giống từ phương pháp cấy mô trong phòng thí nghiệm, với tổng diện tích khu nghiên cứu là 1.700m2, tọa lạc tại Khu nông nghiệp công nghệ cao, thuộc thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong (Kon Tum). Bên cạnh đó cũng đang nghiên cứu chuẩn bị cho bước chế biến sâu để có các thành phẩm từ sâm và các cây dược liệu khác trong thời gian tới, khi đến kỳ thu hoạch, khai thác.
Ông Nguyễn Tuấn Vũ cho rằng, đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý. Doanh nghiệp không sở hữu đất đai, mà phải thuê đất từ nhà nước và sở hữu các vườn sâm do mình bỏ chi phí đầu tư, phát triển, chăm sóc… cùng với các tổ chức, hộ dân, thông qua các hợp đồng ký kết hợp tác, liên kết.
“Do đó, nói Công ty đang đầu tư, phát triển 10ha sâm Ngọc Linh và dược liệu là đúng với thực tế. Chúng tôi có thể minh chứng cụ thể bằng các hợp đồng ký kết hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp và các hộ dân”, Tổng Giám đốc Công ty Sâm Việt Nam, khẳng định.
Tâm An
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ceo-cong-ty-sam-viet-nam-ly-giai-ve-phat-ngon-so-huu-10ha-sam-ngoc-linh-tai-kon-tum-a6816.html