Điểm tin vi phạm từ thị trường hàng hóa sản phẩm qua báo cáo của Tổng cục Quản lý Thị trường

Thời điểm cuối năm nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo, rượu, bia….của người tiêu dùng tăng cao. Đây cũng là thời gian cao điểm mà các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng trở lại. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh quản lý chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên toàn quốc, đặc biệt là các tuyến lưu thông chính cũng như vùng giáp biên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm.

Cận tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 rượu ngoại nhập lậu "lên ngôi"

Trong quá trình thực hiện cao điểm kiểm tra, lực lượng QLTT Bình Thuận phát hiện trên xe vận chuyển lô hàng gồm 2.610 chai rượu các loại do nước ngoài sản xuất, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không dán tem rượu nhập khẩu trên sản phẩm và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Cụ thể:

Ngày 22/12/2021, sau khi nhận tin báo từ cơ sở và tiến hành xác minh thông tin, xác định có dấu hiệu vi phạm theo đúng tin báo. Đội Quản lý thị trường số 5 đã triển khai công tác phối hợp với cơ quan công an tỉnh Bình Thuận xin lệnh dừng phương tiện và phối hợp đón lỏng phương tiện xe ô tô tải biển kiểm soát số 51D-333.02 đang lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A theo hướng vào thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi xác định vị trí của phương tiện đã di chuyển qua địa bàn Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận cách Phan Thiết khoảng 140 km. Ngay lập tức, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 đã trực tiếp chỉ đạo tổ công tác đón bắt phương tiện đang lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A. Đến 17 giờ 45 phút, phương tiện di chuyển tới địa bàn xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp tổ công tác tuần tra giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh Bình Thuận dừng phương tiện xe ô tô tải trên do ông L.V.L lái xe điều khiển và đưa về trụ sở Đội Quản lý thị trường số 5 tiến hành kiểm tra hàng hóa vận chuyển trên xe.

Kết quả kiểm tra, phát hiện trên xe đang vận chuyển lô hàng trên 2.610 sản phẩm rượu các loại do nước ngoài sản xuất như: Black label, Blue label, Chivas 18, Macallan 12…không tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không dán tem rượu nhập khẩu trên sản phẩm và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.

2-2022-d5-a-1640527833.jpg
Lô hàng trên 2.610 sản phẩm rượu các loại do nước ngoài sản xuất như: Black label, Blue label, Chivas 18, Macallan 12 đang bị KSV QLTT kiểm tra nguồn gốc
2-2022-d5-b-1640527847.jpg
Sau kiểm tra nghi là hàng hóa nhập lậu nên toàn bộ lô hàng bị tạm giữ lập hồ sơ xử lý vi phạm

Bước đầu làm việc, ông L.V.L trình bày lô hàng rượu ngoại vận chuyển trên xe là được ông nhận vận chuyển thuê cho người khác từ Đà Nẵng vào thành phố Hồ Chí Minh và khi giao nhận hàng hóa vận chuyển không có hóa đơn, chứng từ gì kèm theo hàng hóa khi đi trên đường. Đội Quản lý thị trường số 5 tiến hành tạm giữ toàn bộ lô hàng rượu ngoại nêu trên để tiếp tục làm việc, xử lý theo quy định.

Những ngày cuối năm lượng hàng hóa vi phạm hành chính lên mâm tiêu hủy ước tính hàng tỷ đồng

Ngày 24 tháng 12 năm 2021, Cục QLTT hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ngãi đã tổ chức tiêu hủy các loại hàng hóa vi phạm hành chính là hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đủ điều kiện lưu thông…. bị tịch thu trong thời gian qua. Cụ thể:

Tại Hải Dương, với gần 150.000 sản phẩm vi phạm trị giá trên 2,2 tỷ đồng bị tiêu hủy. Nhìn chung rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã, nhãn hiệu, từ các sản phẩm hóa mỹ phẩm giả, đồ may mặc, giầy dép, mũ bảo hiểm, phụ tùng ô tô xe máy… đến các loại thực phẩm, đồ uống… các loại hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn cao trong sử dụng như bình nóng lạnh, dây cáp điện…

2021-12-24-092038-1640529046.jpg
QLTT Hải Dương tập trung hàng hóa vi phạm theo danh mục đưa đi tiêu hủy
baf6aae55335996bc024-1640529047.jpg
Gần 150.000 sản phẩm vi phạm trị giá trên 2,2 tỷ đồng bị tiêu hủy.

Tại Quảng Ngãi, cùng với đại diện các lực lượng chức năng gồm: Phòng PC 03-Công an tỉnh Quảng Ngãi; Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Y tế với sự chứng kiến của các đơn vị Báo Quảng Ngãi, Đài Truyền hình Quảng Ngãi… QLTT Quảng Ngãi đã tổ chức tiêu hủy 45 đơn vị chủng loại sản phẩm các loại gồm phụ kiện điện thoại, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, phụ tùng xe máy, đèn điện các loại….Đây là những mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường được các Đội Quản lý thị trường trực thuộc kiểm tra, phát hiện, xử phạt và thu giữ từ tháng 01/2020 đến nay.

03194924122021-hinh-6-1640528765.jpg
45 đơn vị chủng loại sản phẩm các loại gồm phụ kiện điện thoại, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, phụ tùng xe máy, đèn điện các loại...bị tiêu hủy tại Quảng Ngãi

Quá trình tiêu hủy được thực hiện đúng quy định của pháp luật, lập kế hoạch chặt chẽ, khoa học từ khâu kiểm đếm, xuất kho, áp tải, vận chuyển trên đường đến địa điểm tiêu hủy và giám sát quá trình tiêu hủy. Hình thức tiêu hủy phù hợp với đặc điểm của từng loại hàng hóa như cơ lý, nhiệt… đảm bảo xử lý triệt để và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Toàn bộ các khâu của quá trình tiêu hủy đều có sự giám sát của liên ngành Công an, Tài chính và Quản lý thị trường.

Sản xuất hàng giả gây hại cho người tiêu dùng kiên quyết chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngày 20/12/2021, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã tiến hành chuyển giao toàn bộ hồ sơ và tang vật vụ việc kiểm tra Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Ngọc, địa chỉ: Lôi Cầu – Việt Hòa – Khoái Châu – Hưng Yên cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên để thụ lý, giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự.

img-8193-1640529827.jpeg
Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu thể hiện ngôn ngữ bằng chữ nước ngoài, mã vạch ghi đầu số 885…, nhãn phụ thể hiện hàng hóa được sản xuất tại Thái Lan với gần 8.000 sản phẩm bị bắt quả tang.

Trước đó, qua trao đổi thông tin của Đội 3, Phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên, ngày 14/12/2021, Đội QLTT số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Ngọc tại địa chỉ: thôn Lôi Cầu, xã Việt Hòa huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đại diện công ty làm việc với đoàn kiểm tra là ông L.V.D, sinh năm 1961, chức vụ: Giám đốc công ty.

Tại thời điểm kiểm tra, Cơ quan chức năng phát hiện công ty đang cho công nhân thực hiện việc sản xuất, đóng chai các sản phẩm nước giặt và nước rửa chén ghi nhãn D-nee, Tauau, Fineline. Trên nhãn thể hiện ngôn ngữ bằng chữ nước ngoài, mã vạch ghi đầu số 885…, nhãn phụ thể hiện hàng hóa được sản xuất tại Thái Lan…Kiểm tra trực tiếp tại khu vực đóng chai của công ty, lực lượng chức năng ghi nhận 1.279 can nước giặt ghi nhãn D-nee thành phẩm; 619 can nước giặt ghi nhãn Fineline thành phẩm;  6.384 can nước rửa chén ghi nhãn Tauau thành phẩm; cùng một số máy móc, nguyên vật liệu dùng để sản xuất, đóng chai, tem nhãn, bao bì hàng hóa.

58c1622874fbbea5e7ea-1640529838.jpg
QLTT Hưng Yên tiến hành tạm giữ và lập chuyển hồ sơ qua cơ quan đều tra tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật qui định.

Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Ngọc có dấu hiệu của việc sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, máy móc, nguyên vật liệu, tem nhãn, bao bì hàng hóa nêu trên để tiến hành xác minh làm rõ.

Căn cứ các tài liệu xác minh, làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan, ngày 20/12/2021, Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành bàn giao toàn bộ hồ sơ và tang vật vụ việc kiểm tra Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Ngọc sang cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên xác minh làm rõ.

Các chuyên gia đầu ngành nói gì khi tình hình hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm 2021 đang "nóng"

Phóng viên Tạp chí Nhà quản lý đã ghi nhận một số ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các ban ngành liên quan về vấn đề cấp bách trong thời gian hiện nay và sắp tới. Cụ thể:

Để chủ động phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để trấn áp loại tội phạm này. Đồn Biên phòng Tân Thanh đã lập 20 lán, trại dã chiến, bố trí cán bộ, chiến sĩ thường trực để thực hiện nhiệm vụ chốt chặn tại các đường mòn, lối mở 24/24 giờ. Đồng thời lập các tổ cơ động sẵn sàng tiếp sức cho các lán trên biên giới để phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn người, hàng hóa xuất, nhập cảnh trái phép và xuất lậu qua biên giới.

“Chúng tôi đã triển khai lực lượng theo hướng, theo tuyến, tăng cường trên các địa bàn trọng điểm, phối hợp với các lực lượng tập trung đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu, nên tình hình buôn lậu qua biên giới cũng giảm so với những năm trước. Khi chúng ta kiểm soát chặt từ tuyến biên giới thì công cuộc phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ đạt kết quả tích cực”, Thiếu tá Trương Tuấn Giang cho biết thêm.

Theo đại diện của Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho Phóng viên Tạp chí Nhà quản lý biết, hiện tổng cục đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nhâm Dần-2022.

Theo đó, lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm soát thị trường các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết cùng các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh; nhất quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Hiện lực lượng QLTT đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả, cho biết: “Chúng ta phải xây dựng phương án tổ chức, đồng thời tăng cường lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa. Trong đó, cần tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán"

270d116136b2fceca5a3-1640532062.jpg
Ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả trong những ngày đầu thành lập Quỹ

Ban chỉ đạo 389 các địa phương cần chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng bảo đảm cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng đạt chất lượng cho nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền. Phải tuyên truyền chính sách, pháp luật, kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, vận động nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.

Trước khi chia tay sau buổi nói chuyện Ông Lợi vẫn đau đáu nhắc riêng với phóng viên Nhà quản lý về công tác tuyên truyền và mong muốn các ban ngành liên quan cần đồng lòng, nhất quán, phối hợp, chung tay nhau trên mặt trận khá nhạy cảm và đầy cam go này

 

Vũ Hoàng

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/diem-tin-vi-pham-tu-thi-truong-hang-hoa-san-pham-qua-bao-cao-cua-tong-cuc-quan-ly-thi-truong-a6790.html