Ngày 22/12, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh điều tra vụ án tại Công ty Việt Á. Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan chức năng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa những người vi phạm ra xét xử khách quan, nghiêm minh.
Sau khi ông trùm bán kit xét nghiệm Covid-19 Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và một số đối tượng liên quan bị khởi tố và bắt tạm giam, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) một số tỉnh, thành đã lên tiếng giải thích.
Ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên – Huế : "Công ty Việt Á cho tôi dù một ly cà phê tôi đi tù cũng xứng đáng!"
Ông Hoàng Văn Đức cho biết từ năm 2020 Công ty Việt Á đã trúng thầu cung cấp cho CDC Thừa Thiên Huế. Có những đợt mua sắm do CDC làm chủ đầu tư mời thầu, có đợt lại do Sở Y tế. Giai đoạn dịch mới bắt đầu thì kit test của Công ty Việt Á hầu như độc quyền, tham gia đấu thầu chỉ mỗi doanh nghiệp này và trúng thầu. Thời điểm này phần lớn hóa chất phục vụ phòng chống dịch Covid-19 đều phải nhập khẩu nhưng phải đợi lâu nên không đám ứng được nhu cầu, trong nước thì Công ty Việt Á là chính.
Những thứ CDC Thừa Thiên Huế cần mua đều căn cứ giá được công bố trên Cổng công khai trang thiết bị y tế của Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch nhưng đây không phải giá quyết định trúng thầu. CDC Thừa Thiên Huế chọn giá thấp nhất và căn cứ vào giá cơ quan thẩm định giá nhà nước để xem xét. Thời điểm đấu thầu các thông tin của Công ty Việt Á như chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận lưu hành, ISO... đều đầy đủ, công khai.
Trả lời câu hỏi có bao giờ ông nhận hoa hồng hoặc thứ gì mà Công ty Việt Á "lại quả" nhằm cảm ơn vì trúng thầu hay không? Ông Hoàng Văn Đức nói: “Đời tôi biết những thứ đó nhạy cảm, xác định ngay từ khi dịch bệnh xảy ra rồi nên mình chẳng bao giờ nghĩ đến "hoa hồng". Cơ quan công an làm việc mà các ông ở Việt Á khai dù chỉ mua một ly cà phê cho tôi thì tôi đi tù cũng xứng đáng. Đối với tôi cứ theo quy trình thủ tục, nếu đúng quy định thì làm không thôi. Tôi cũng nói nhân viên của mình không được quan tâm những thứ đó, đặc biệt nghiêm cấm, nếu phát hiện ra tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Ông Nguyễn Chí Thanh: Giám đốc CDC Hà Tĩnh: “Chúng tôi đấu thầu rộng rãi qua mạng và Công ty Việt Á trúng thầu”.
Ông Nguyễn Chí Thanh cho biết CDC Hà Tĩnh có hai đợt mua kit test và sinh phẩm xét nghiệm từ Công ty Việt Á. Trong đó, ngày 25/5, CDC Hà Tĩnh ký hợp đồng với Liên danh Việt Á - Vật tư y tế Việt Nam- Thiên Phúc về gói thầu "Mua sắm test nhanh, sinh phẩm, vật tư tiêu hao phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19” trị giá gần 6 tỷ đồng. Thành viên đứng đầu liên danh là Công ty CP công nghệ Việt Á.
“Phía CDC đã mua hai lần sinh phẩm xét nghiệm và kit test Covid-19 từ Công ty Việt Á. Tuy nhiên cá nhân và đơn vị không có gì phải giấu diếm, không có chuyện nhận phần trăm hoa hồng từ Công ty Việt Á. Tôi cũng chưa gặp người nào của Công ty Việt Á”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, chiều 21/12, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với đơn vị và yêu cầu CDC báo cáo rõ việc mua bán với Công ty Việt Á.
“Chúng tôi đấu thầu rộng rãi qua mạng và Công ty Việt Á trúng thầu. Sau khi có báo cáo cụ thể, tôi sẽ trao đổi sau. Có gói thầu gần 6 tỷ đồng, nhưng không phải chỉ mỗi kit test mà có nhiều danh mục trong đó”, ông Thanh cho hay.
Ông Huỳnh Hữu Dũng, Giám đốc CDC Long An: “Mua 10.000 kit test nhanh của Công ty Việt Á theo đúng mức giá mà Bộ Y tế có thông tin”
Sở Y tế Long An cho biết, việc mua sản phẩm của Công ty Việt Á là do thời gian đầu bùng dịch cần lượng kit test lớn mà lại ít doanh nghiệp đủ điều kiện cung cấp, có thời điểm gần như độc quyền. Mức giá từ 400.000 đến hơn 500.000 đồng/bộ là giá đăng trên cổng thông tin của Bộ Y tế.
Ông Huỳnh Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh Long An cho biết: đơn vị này đã mua 10.000 kit test nhanh của Công ty Việt Á theo đúng mức giá mà Bộ Y tế có thông tin. Sau giai đoạn bùng dịch, có thêm một số đơn vị khác cung cấp, chào hàng các bộ kít test giá rẻ hơn nên các cơ quan ở Long An đã ngừng mua bộ kít test của Công ty Việt Á.
Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, quá trình rà soát có 4 đơn vị đã mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Long An, Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc. Việc mua kit xét nghiệm Covid-19 bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn trong tình huống khẩn cấp, được Sở Tài chính thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, liên quan thông tin CDC tỉnh Nam Định từng mua kit test của Công ty Việt Á với giá 509.250 đồng/bộ, ông Đỗ Đức Lưu - giám đốc CDC tỉnh Nam Định - xác nhận khoảng tháng 6-2021, do nhu cầu cấp thiết phục vụ việc xét nghiệm truy vết, đơn vị có mua hơn 13.000 bộ kit test của Công ty Việt Á với giá hơn 500.000 đồng/bộ, tổng giá trị thanh toán khoảng 6,8 tỉ đồng.
Ông Lưu khẳng định việc mua sắm đều phải qua Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt thì mới có tiền để chi trả. Theo ông Lưu, không chỉ đơn vị mà nhiều nơi khác trên cả nước thời điểm đó cũng mua kit test PCR COVID-19 của Công ty Việt Á với giá hơn 500.000 đồng/bộ.
"Giá kit test cũng giống như nhiều mặt hàng khác hiện nay, luôn biến động tùy từng thời điểm và khả năng cung - cầu của thị trường. Chúng tôi mua sắm căn cứ theo giá do Bộ Y tế công bố trên cổng thông tin, chứ nếu họ chỉ bán hơn 400.000 đồng mà tôi dặn tăng lên 500.000 đồng thì tôi xong rồi" - ông Lưu chia sẻ.
Ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc CDC Quảng Nam: CDC Quảng Nam hoàn toàn không có giao dịch, mua bán gì với Công ty Việt Á
Sáng 20/12, trả lời báo chí liên quan đến công tác mua vật tư chống dịch, kit test xét nghiệm tại địa phương, ông Trần Văn Kiệm khẳng định, toàn bộ kit test xét nghiệm mà đơn vị sử dụng hầu hết do nhà tài trợ cung cấp và Bộ Y tế cấp chứ không mua của Công ty Việt Á.
“CDC Quảng Nam sử dụng kit test do nhà tài trợ cung cấp, hoàn toàn không có giao dịch, mua bán gì với Công ty Việt Á”, ông Kiệm khẳng định.
Theo Giám đốc CDC Quảng Nam, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát khoảng tháng 7 năm 2020, Công ty Việt Á có cho mượn 3 hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động, đặt tại CDC Quảng Nam, sau đó ít tháng thì đơn vị đã trả lại hệ thống máy này cho công ty. “Bên Công ty Việt Á cho mượn máy, còn sinh phẩm thì do các nhà tài trợ khác nhưng chạy được với máy”, ông Kiệm thông tin.
Được biết, ngày 9/1/2020, Việt Á đã ký kết hợp đồng với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đầu tư nâng cấp một số cơ sở y tế theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án có tổng mức đầu tư 28,336 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT, thời gian thực hiện kéo dài 47 năm.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách CDC TPHCM: “CDC TP HCM không mua kit test của Việt Á”.
Lãnh đạo CDC TP HCM khẳng định thời gian qua đơn vị này không mua và sử dụng kit xét nghiệm nCoV của Công ty CP Công nghệ Việt Á dù được chào mua.
Thông tin được ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) nói tại buổi họp báo về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn, chiều 20/12, khi đề cập đến vụ nâng khống giá kit xét nghiệm nCoV của Công ty Việt Á.
"Trước đó, Công ty Việt Á có chào bán kit xét nghiệm nhưng giá quá cao nên HCDC từ chối. Đối với hoạt động mua sắm vật dụng y tế, đơn vị luôn tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi nhập kit xét nghiệm, chúng tôi cũng chọn kit giá thấp nhất", ông Tâm cho biết.
Tại cuộc họp báo cuối tháng 9, ông Tâm cho biết TP HCM đã nhận 14 triệu kit test nhanh từ nguồn tài trợ.
Trong đợt dịch thứ tư, TP HCM là tâm dịch nên nhu cầu xét nghiệm diện rộng rất lớn, có ngày thành phố lấy đến 500.000 mẫu. Theo Sở Y tế thành phố, từ ngày 27/4 đến 15/9, thành phố lấy tổng cộng gần 2 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR và 9,5 triệu mẫu test nhanh kháng nguyên.
Liên quan vụ việc Công ty CP Công nghệ Việt Á, UBND TP HCM vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế và Thanh tra thành phố kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR.
Sở Y tế được giao rà soát quy trình, thủ tục mua sắm, chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... đúng quy định; kiểm tra đột xuất chấp hành quy định trong lĩnh vực y tế; thực hiện các quy định về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm PCR; sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sinh phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyển, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn...
Cơ quan này cũng được giao báo cáo, đề xuất UBND TP HCM chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính. Sở cần tham mưu chính quyền thành phố chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý trường hợp dấu hiệu hình sự.
Như Nhaquanly.vn đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CTCP Công Nghệ Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng gồm 5 người của Công ty Việt Á là ông Phan Quốc Việt (1980), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; Vũ Đình Hiệp (1986), Phó Tổng Giám đốc; Hồ Thị Thanh Thảo (1984), thủ quỹ, cửa hàng trưởng cửa hàng Âu Lạc; Phan Tôn Noel Thảo (1990), Trợ lý Tài chính; Trần Thị Hồng (1995), nhân viên kinh doanh cùng ông Phạm Duy Tuyến (1965), Giám đốc CDC Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường (1985), nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.
Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Điều đáng nói, Phan Quốc Việt lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 "bắt tay" với giám đốc CDC một số địa phương nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 để hưởng lợi bất chính số tiền lớn.
Vũ Hoàng (t/h)
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/giam-doc-cdc-cac-tinh-da-len-tieng-giai-thich-nhu-the-nao-a6753.html