Ông Trương Đình Anh còn nắm bao nhiêu cổ phần ở MoMo?
MoMo là một nền tảng ví điện tử do CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) phát triển cho phép người dùng thực hiện các thanh toán, giao dịch trên các thiết bị di động.
Cơ cấu đổ đông được tiết lộ gần nhất là vào thời điểm tháng 11/2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại M_Service đã tăng từ mức 47,27% lên 63,8%. Các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào M_Service là các quỹ đầu tư. Tại thời điểm đó, vốn điều lệ của M_Service là 112,2 tỷ đồng, trong đó, E-Mobile VN Investments SIBV nắm 25,51% vốn và là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhiều cổ phần nhất tại công ty này, Standard Chartered Private Equity sở hữu 17,9%.
Theo những bài viết về MoMo, M_Service được sáng lập bởi 4 thành viên, đều là những người được đào tạo bài bản và từng du học nước ngoài.
Người đầu tiên là Nguyễn Thị Minh Hiền, một nữ doanh nhân đã từng là nhà phân phối điện thoại di động trong nhiều năm; người thứ hai là ông Nguyễn Bá Diệp, từng làm việc ở VNPT; người thứ ba là ông Phạm Thành Ðức, từng là lãnh đạo cao cấp của tập đoàn FPT và cuối cùng là ông Nguyễn Mạnh Tường, có bằng Thạc sĩ Khoa học Máy tính tại Đại học Buffalo (New York), sau đó tốt nghiệp MBA Trường kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago.
Trở thành Siêu ứng dụng số 1 Việt Nam, MoMo cũng vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E). Công ty đã nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Vòng gọi vốn lần này được dẫn dắt bởi Mizuho – Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản. Liên quan đến định giá sau gọi vốn, đại diện MoMo không cung cấp số liệu cụ thể, nhưng khẳng định giá trị ví điện tử này đã vượt 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh và ai là chủ nhân của MoMo vẫn là một ẩn số chưa được bật mí trên thương trường. Hầu hết những người xuất hiện trên truyền thông đều là Phó chủ tịch hoặc CEO trong khi chưa bao giờ mọi người biết chủ nhân của MoMo là ai? Mới nhất, vào tháng 12/2020, MoMo ra mắt tân chủ tịch HĐQT là ông Anthony Thomas, đây cũng là lần đầu tiên công ty này công bố Chủ tịch HĐQT chính thức. Vậy một câu hỏi được đặt ra là nếu ông Anthony Thomas là tân chủ tịch HĐQT thì trước đây ai sẽ là cựu chủ tịch của MoMo?
Công ty này cũng có cơ cấu lãnh đạo rất đặc biệt khi có đến hai CEO đó là ông Phạm Thành Đức và ông Nguyễn Mạnh Tường. Ngoài vị trí CEO, ông Nguyễn Mạnh Tường là người đồng sáng lập kiêm luôn Phó Chủ Tịch HĐQT MoMo. Cùng với ông Nguyễn Mạnh Tường, ông Nguyễn Bá Diệp cũng là đồng sáng lập MoMo và hiện đang giữ chức Phó Chủ Tịch HĐQT.
Mặc dù là những người sáng lập, nhưng trên truyền thông chưa bao giờ có thông tin về số cổ phần mà những nhà lãnh đạo này nắm giữ ở Momo.
Trước sự thành công của MoMo, nhiều người lại nghĩ về một cái tên được coi là “idol” của dân công nghệ, từng được gọi là “quái nhân” FPT: Trương Đình Anh.
Cuối năm 2012, ông Trương Đình Anh từ chức Tổng giám đốc FPT bởi những mâu thuẫn trong định hướng phát triển công ty với HĐQT. Sau đó, trong một số hồ sơ cá nhân đăng tải, ông Trương Đình Anh có ghi thông tin đang đầu tư vào MoMo và quỹ đầu tư ATAMS, trong đó hiện ông đang làm giám đốc ATAMS và là thành viên HĐQT MoMo.
Cụ thể, ông Đình Anh đã tham gia vào MoMo từ tháng 4/2013 và tham gia vào ATAMS từ tháng 10/2012.
Đến tháng 7/2016, thông tin Trương Đình Anh cùng gia đình sang Mỹ định cư đã được thông báo, để lại tuyên bố đình đám một thời: “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”.
Cũng trong năm này, trao đổi với ICTnews, một nguồn tin cho biết, sau khi qua Mỹ, ông Trương Đình Anh vẫn tham gia vào hoạt động kinh doanh của MoMo. Cụ thể, ông vẫn là thành viên HĐQT của công ty và đưa ra những chỉ đạo về định hướng, chiến lược phát triển của công ty từ xa. Khi cần thiết, ông vẫn trở lại Việt Nam để tham gia vào các cuộc họp quan trọng liên quan đến việc kinh doanh của công ty.
Trước đó, ông Phạm Thành Đức – người được gọi là “đệ tử” của ông Trương Đình Anh từ khi còn làm ở FPT Telecom hiện đang giữ chức CEO kiêm người đại diện pháp luật của MoMo.
Ngoài MoMo, sau khi rời khỏi FPT có nhiều tin đồn cho rằng ông Trương Đình Anh đã trở thành Thành viên HĐQT CTCP Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) từ tháng 4/2013. Dù vậy, ông vẫn chưa một lần lên tiếng chính thức với truyền thông về những lời đồn đoán này.
Đến tháng 5/2019, ông Trương Đình Anh lại được nhắc tới trong vai trò Thành viên HĐQT tại một doanh nghiệp cùng thuộc hệ thống Galaxy – đó là CTCP Truyền thông và giải trí Galaxy (Galaxy Media and Entertainment – viết tắt: Galaxy ME).
Cũng cần biết rằng, Chứng khoán Thiên Việt và Galaxy là 2 tổ chức có mối liên hệ khá mật thiết với nhau khi có cùng 2 nhà lãnh đạo trong HĐQT là bà Đinh Thị Hoa và ông Nguyễn Trung Hà. Đối với nhà đầu tư trong nước, tổ chức nổi bật nắm nhiều cổ phần MoMo chính là CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS) với khoản lợi nhuận khủng.
Cho đến nay, mặc dù MoMo đã thành "kỳ lân" với định giá trên 2 tỷ USD, một lần nữa các nhà đầu tư vào MoMo thời kỳ đầu lại được nhắc đến khi ai là chủ nhân của MoMo vẫn là một ẩn số chưa được bật mí trên thương trường. Số cổ phần mà những nhà lãnh đạo này nắm giữ ở MoMo vãn luôn là điều bí ẩn.
Và một lần nữa người ta lại nhắc đến 'quái nhân FPT' Trương Đình Anh. Hiện tỷ lệ sở hữu của ông Trương Đình Anh tại MoMo là bao nhiêu và ông ấy có còn nắm giữ?
Khoản đầu tư siêu lời của Chứng khoán Thiên Việt vào MoMo
Tính đến 30/6/2021, Chứng khoán Thiên Việt sở hữu 918.414 cổ phần M-Service, tương ứng gần 6% vốn cổ phần chủ sở hữu Ví điện tử MoMo, theo dữ liệu từ Cafef.
Trong trường hợp toàn bộ cổ phần Mizuho mua là phát hành mới thì tỷ lệ sở hữu của Thiên Việt sẽ giảm xuống còn 5,55%. Còn trong trường hợp Mizuho mua lại từ cổ đông hiện hữu thì tỷ lệ sở hữu các nhà đầu tư cũ có thể bị pha loãng.
Trên báo cáo tài chính ngày 30/9/2021, Thiên Việt cho biết giá gốc của khoản đầu tư vào M_Service - công ty sở hữu Ví điện tử MoMo chỉ 27,85 tỷ đồng. Sau 10 năm, dựa trên mức định giá tạm tính từ giao dịch của Mizuho, giá trị cổ phần Chứng khoán Thiên Việt nắm giữ có thể lên đến hơn 120 triệu USD, tương đương khoảng 2.800 tỷ đồng.
Về CTCP Chứng khoán Thiên Việt, công ty được thành lập vào năm 2006 với tổng số vốn điều lệ là 43 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn tài chính, đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán. Theo báo cáo thường niên vào năm 2020, tổng tài sản TVS đạt 3.911 tỷ đồng, doanh thu đạt 635 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 288 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, nửa đầu năm 2021, doanh thu hoạt động của TVS đạt 556 tỷ đồng, tăng 131,6% so với nửa đầu năm 2020. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động tiết giảm được 7,9% dẫn tới lợi nhuận sau thuế đạt gần 299 tỷ đồng, tăng 851,5%.
Một nhà đầu tư tổ chức khác từng đầu tư vào MoMo rất tiếc vì chốt lời quá sớm là HIPT Group (Upcom: HIG).
Vào năm 2015, HiPT đã bán đi toàn bộ khoản đầu tư vào Momo có giá vốn là 8,3 tỷ đồng. Nhiều khả năng giá vốn đầu tư của HIPT là bằng mệnh giá, tương ứng 831.000 cổ phiếu – gần bằng số cổ phiếu TVS đang nắm giữ. Số tiền thu về chỉ vỏn vẹn hơn 47 tỷ đồng, tương ứng giá bán khoảng 57.000 đồng/cp.
Nếu vẫn nắm giữ đến hiện tại thì số cổ phiếu trên hiện giờ cũng phải có trị giá trên 2.000 tỷ đồng – gấp 9 lần vốn hóa hiện tại của công ty.
Mi Mi
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ong-truong-dinh-anh-quai-nhan-fpt-con-nam-bao-nhieu-co-phan-o-momo-ky-lan-2-ty-usd-a6751.html