"Từ tháng 9 đến nay, Trung Quốc tăng cường kiểm soát các loại bệnh của tôm. Nếu phát hiện, hàng sẽ bị trả về, không cho nhập vào Trung Quốc, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của tất cả các nước. Minh Phú cũng chịu chung tình trạng này", ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Minh Phú - một trong những công ty xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam chia sẻ với
Tạp chí Nhà Quản Lý. Doanh nghiệp hiện chưa xác định được nguyên nhân đích thực của tình trạng kiểm soát nhập khẩu này.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tờ Undercurrentnews nêu, nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong tháng 9 giảm 16% về sản lượng và 12% về giá trị so với tháng 8. Dấu hiệu giảm nhập khẩu xuất hiện sau 6 tháng tăng liên tiếp.
Vào tháng 8 và tháng 9, các công ty cung cấp động vật giáp xác trị giá hàng trăm triệu USD cho Trung Quốc mỗi năm đã bị các cơ quan nước này chặn xuất khẩu. Chính quyền Trung Quốc cho biết các lô hàng đã được xét nghiệm dương tính với bệnh đầu vàng (YHV), hội chứng đốm trắng (WSSV) hoặc virus hoại tử dưới da…
Tập đoàn nuôi trồng thủy sản lớn nhất của Arabia Saudi - NAQUA, ba nhà xuất khẩu lớn nhất của Ecuador và một nhóm các công ty Việt Nam bị đình chỉ.
Theo chia sẻ của một chuyên gia với
Undercurrentnews, Trung Quốc đang vi phạm quy định của WTO. Nước này chỉ có thể cấm nhập khẩu khi cũng tiến hành kiểm tra các sản phẩm của chính họ để tìm những virus tương tự và ngăn chặn việc giao dịch các sản phẩm đó trên thị trường. Tuy nhiên, các mầm bệnh này đều đang có mặt tại thị trường Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc đã dỡ bỏ đình chỉ nhập khẩu với một số công ty của Arabia Saudi và Ecuador nhưng các công ty của Việt Nam tiếp tục chịu lệnh này. Một số công ty nhỏ hơn của Ecuador phải đối mặt với việc kiểm tra chặt chẽ hơn khi nhập cảnh tại các cảng Trung Quốc.
Trung Quốc không phải ngoại lệ trong việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu. Ấn Độ từng có lệnh cấm nhập khẩu tôm bố mẹ từ Thái Lan với lý do hội chứng hoại tử cấp tính gan (còn được gọi là hội chứng tử vong sớm (EMS) có mặt ở nước này. Tuy nhiên, Ấn Độ cấm đối với tôm bố mẹ - nơi mối đe dọa mầm bệnh lớn hơn. Trong khi đó, các sản phẩm đông lạnh cho tiêu dùng mà Trung Quốc đang đình chỉ kể trên không có nguy hiểm đáng kể đối với nguồn tôm bản địa. Trong hầu hết các trường hợp, động cơ đằng sau các lệnh cấm là muốn bảo vệ các nhà sản xuất trong nước chống lại các sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn hoặc vượt trội, nguồn tin của
Undercurrentnews cho hay.
Khi chưa biết đích xác nguyên nhân của tình trạng hạn chế nhập khẩu, ông Lê Văn Quang cho biết, Minh Phú hạn chế xuất khẩu tôm sang Trung Quốc năm 2019 này để đề phòng rủi ro.
Năm 2012, Trung Quốc từng cấm nhập khẩu đối với các doanh nghiệp cung cấp tôm tươi sống của Việt Nam vì cho rằng mặt hàng này có mang virus bệnh hại.
Thái Hoàng