Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa phá chuyên án về đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại CTCP Công nghệ Việt Á và các địa phương có liên quan.
Theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CTCP Công Nghệ Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng gồm 5 người của Công ty Việt Á là ông Phan Quốc Việt (1980), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; Vũ Đình Hiệp (1986), Phó Tổng Giám đốc; Hồ Thị Thanh Thảo (1984), thủ quỹ, cửa hàng trưởng cửa hàng Âu Lạc; Phan Tôn Noel Thảo (1990), Trợ lý Tài chính; Trần Thị Hồng (1995), nhân viên kinh doanh cùng ông Phạm Duy Tuyến (1965), Giám đốc CDC Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường (1985), nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.
Kết quả điều tra ban đầu xác định Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, người đại diện pháp luật.
Đầu năm 2020, Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time PT-PCR và RT PCR phát hiện vi rút Corona chủng mới nCoV" do Học viện Quân y chủ trì thực hiện.
Tháng 3-2020, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia thông qua kết quả nghiên cứu chế tạo và kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit Real-time RT-PCR one step (test COVID).
Một tháng sau, Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm test COVID-19 của Công ty Việt Á.
Đến nay Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Điều đáng nói, Phan Quốc Việt lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 "bắt tay" với giám đốc CDC một số địa phương nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 để hưởng lợi bất chính số tiền lớn.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Chỉ tại Hải Dương, Từ tháng 2 đến tháng 11-2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh quyết toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế tổng số tiền gần 152 tỉ. Phan Quốc Việt chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương, gần 30 tỉ đồng.
Vậy ông Phan Quốc Việt là ai?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì ông Phan Quốc Việt cùng Việt Á là một gương mặt có số má trong kênh B2B của ngành dược phẩm. Cả hai đặc biệt nổi danh sau khi trở doanh nghiệp Việt đầu tiên thành công sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 ở đầu năm 2020.
Tuy nhiên, Việt Á không phải là doanh nghiệp duy nhất dưới trướng của ông Phan Quốc Việt. Ít nhất, theo thông tin mà chúng tôi có, doanh nhân 8x này còn đồng thời tự đứng ra hoặc hợp tác với người khác, mở thêm 7 công ty nữa.
Tổng Giám đốc của doanh nghiệp đầu ngành y tế trong mảng cung cấp nguyên vật liệu – trang thiết bị
Trên website của Việt Á cho thấy, CTCP Công nghệ Việt Á (Việt Á) thành lập từ năm 2007, tên cũ là CTCP Thương mại - Sản xuất và Dịch vụ Việt Á, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP. HCM. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của Việt Á là ông Phan Quốc Việt (SN 1980).
Theo giới thiệu của Việt Á, họ là 1 công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, với đội ngũ cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực này. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật realtime PCR và lai phân tử. Toàn bộ hoạt động của công ty đều đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và ISO 13485:2016.
Ngoài ra, Việt Á cũng là đơn vị đi tiên phong trong việc phổ biến các xét nghiệm kỹ thuật cao đến với đông đảo mọi người tại nhiều nơi trên cả nước bằng nhiều hoạt động, trong đó 2 hoạt động đáng chú ý.
Thứ nhất, đầu tư các hệ thống real-time PCR tại nhiều nơi trên cả nước, nhờ đó cơ sở y tế được đầu tư có điều kiện triển khai được các xét nghiệm kỹ thuật cao phục vụ người dân. Thứ hai, thiết lập hệ thống thu gom mẫu tại những nơi chưa đủ điều kiện trang bị hệ thống real-time PCR đưa về Việt Á hoặc các đơn vị Việt Á đầu tư máy real-time PCR để thực hiện xét nghiệm.
Việt Á còn được trang bị đầy đủ các máy móc cần thiết cho các nghiên cứu và ứng dụng sinh học phân tử như: máy PCR, real-time PCR, ly tâm… Cụ thể, hiện tại, công ty đã trang bị trên 15 máy real-time PCR thế hệ mới nhất, 1 số máy công ty đang hỗ trợ cho khách hàng là các bệnh viện lớn: BV Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ, BV Trung Ương Huế...
Hiện Việt Á có 3.000 khách hàng, thực hiện 1.500 dự án và 1.000 nhân viên, vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng, được nâng lên vào năm 2017. Danh mục khách hàng của Việt Á là các bệnh viện lớn trải dài khắp cả nước.
Ngoài trang thiết bị chuyên dụng cho ngành y tế, họ còn có mảng kinh doanh đồ gia dụng gần gũi với người tiêu dùng hơn cùng thương hiệu Healthy Life. Healthy Life sản xuất và phân phối khẩu trang, nước rửa tay khô, máy xông tinh dầu, tinh dầu tự nhiên.
Chỉ vấn đề không tốt, là hiệu quả kinh doanh của họ không không tỷ lệ thuận với vị thế. Theo dữ liệu của VietTimes, kết quả kinh doanh của Việt Á có chiều hướng đi xuống trong giai đoạn 2016 – 2019 cả về doanh thu và lợi nhuận. Riêng năm 2019, công ty này báo lỗ 3,9 tỷ đồng.
Chính thức bước ra ánh sáng nhờ Covid-19
Vì làm trong mảng B2B, nên dù là “ông trùm” trong ngành cung cấp vật liệu – trang thiết bị cho ngành y tế Việt Nam, song chẳng ai biết đến tên ông Phan Quốc Việt hay Việt Á, cho đến khi Covid-19 xuất hiện.
Vào ngày 5/3/2020, tại Hà Nội, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện vi rút Corona (SARS-CoV-2) do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á kết hợp cùng Học viện Quân y nghiên cứu và sản xuất lần đầu tiên được công bố.
Đây là bộ kit chuẩn đoán SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam, được Bộ Y tế cấp số đăng ký; Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS); WHO cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm cho phép lưu hành toàn cầu. Năng lực sản xuất của Việt Á khoảng 30.000 kit xét nghiệm/ngày.
Nhận định về thành công này, ông Phan Quốc Việt cho biết: “Quy trình sản xuất bộ kít là nhận chuyển giao từ nghiên cứu của Học Viện Quân Y và dựa trên những kỹ thuật của thế giới, Việt Á sẽ tối ưu các kỹ thuật đó để phát triển bộ kit phát hiện Covid-19 tại Việt Nam.
Hơn nữa, cũng do biết giữa Việt Á và Học Viện Quân Y đã có sự kết hợp từ trước và từng hợp tác cùng nhau trong nhiều dự án, đây được xem là bước đệm giúp cho Việt Á rút ngắn thời gian sản xuất bộ kit. Viện dịch tễ Trung ương cũng có vai trò quan trọng khi cung cấp mẫu virus và thử nghiệm giúp dự án. Còn Bộ Y tế cũng phải tạo ra cơ chế đặc thù, rút ngắn thời gian cấp phép, vì xin visa trong ngành này rất khó.
Dự án thành công là nhờ sự cố gắng của 3 bên: cơ quản lý - Bộ Khoa học công nghệ, phụ trách công nghệ - Viện Quân Y và đơn vị sản xuất - Việt Á. Vài chục con người của cả ba bên nhiều lúc phải tương tác với nhau từ 6 giờ sáng đến 3 giờ sáng hôm sau. Việt Á quả thật đã phải tổng động viên toàn nhân viên thực hiện dự án, bởi chống dịch như chống giặc.
Thậm chí, nhân viên công ty còn chấp nhận hoãn nhận lương vì tài chính đổ vào dự án rất nhiều. 20 nhân sự Việt Á làm đến 2 – 3 giờ sáng nhưng không ý kiến gì, vì họ biết mình có trách nhiệm với cộng đồng”.
Đứng ra thành lập nhiều công ty trong các lĩnh vực khác nhau
Được biết, ngày 9/1/2020, Việt Á đã ký kết hợp đồng với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đầu tư nâng cấp một số cơ sở y tế theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án có tổng mức đầu tư 28,336 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT, thời gian thực hiện kéo dài 47 năm.
Mục tiêu nhằm mở rộng hệ thống phòng khám Việt Á đến các tỉnh thành trên cả nước.
Tháng 11/2013, công ty Việt Á, ông Phan Quốc Việt và ông Đồng Sỹ Huy (SN 1981) cùng góp vốn thành lập CTCP Y tế Việt Á (Viet A Medical). Công ty này đăng ký ngành nghề chính là hoạt động các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa.
Việt Á Medical có địa chỉ trụ sở chính tại số 134/3D Đào Duy Anh, Phường 9, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM. Đáng chú ý, đây cũng là địa chỉ thường trú của ông Phan Quốc Việt, ông Đồng Sỹ Huy và là địa chỉ trụ sở của nhiều doanh nghiệp khác mang thương hiệu “Việt Á”.
Vào năm 11/2019, bộ đôi Phan Quốc Việt - Đồng Sỹ Huy, cùng 1 doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Kinh doanh Việt Á, cũng đã đứng ra thành lập CTCP Ẩm thực Việt Á (Việt Á Cuisine). Doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề chính là sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn.
Vào tháng 1/2018, ông Phan Quốc Việt, ông Đồng Sỹ Huy cùng ông Võ Anh Triết tham gia góp vốn thành lập Công ty TNHH Du Lịch Lạc Việt. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đăng ký hoạt động chính là điều hành tour du lịch.
Bên cạnh đó, ông Phan Quốc Việt còn là người đại diện của loạt doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Thế giới Đất Việt, CTCP Kỹ thuật Việt Á, CTCP Đầu tư Đức Ân, CTCP Tư vấn đầu tư Dịch vụ Tâm An.
Trước thông tin CTCP Tập đoàn Vingroup đã thành lập CTCP Công nghệ sinh học Vinbiocare (Vinbiocare) với vốn điều lệ 200 tỉ đồng, trong đó ông Phan Quốc Việt nắm giữ 30%, được biết, ngay từ ngày 31-7-2021, hội đồng quản trị VinBioCare đã bổ nhiệm bà Lê Ngọc Chi làm tổng giám đốc mới, thay ông Phan Quốc Việt... Ông Việt cũng đã rút và thôi là thành viên góp vốn tại VinBioCare và không còn bất cứ liên quan nào đến công ty này.
Sa Mộc