Hôm qua ngày 20.11, Công ty Cổ phần Công nghệ Sendo vừa cho biết rằng họ đã hoàn tất vòng gọi vốn Series C với giá trị thương vụ lên đến 61 triệu USD, cao nhất trong các lần gọi vốn của công ty này. Trước đó, Sendo cũng đã huy động thành công 51 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B vào tháng 8 năm ngoái. Những nhà đầu tư đã góp mặt ở vòng gọi vốn Series B là SBI Group, BEENOS, SoftBank Ventures Asia, Daiwa PI Partners và Digital Garage tiếp tục có mặt ở vòng Series C này. Ngoài ra, trong vòng gọi vốn lần này còn có sự tham gia của những cái tên mới như EV Growth của Indonesia và Kasikornbank đến từ Thái Lan.
Ông Trần Hải Linh chia sẻ: “Mặc dù mục tiêu tổng giá trị giao dịch (GMV) hàng năm đạt 1 tỉ USD sớm hơn dự kiến,song chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến sự tăng trưởng GMV có ý nghĩa và bền vững, chúng tôi tin rằng điều này phải đến từ sự gắn bó của người dùng nhờ trải nghiệm mua sắm tuyệt vời. Chiến lược của Sendo là xây dựng hệ sinh thái tích hợp các dịch vụ như sàn thương mại điện tử, quảng cáo, hậu cần và dịch vụ tài chính để đảm bảo doanh thu đến từ nhiều luồng khác nhau, đây chính là con đường dẫn đến lợi nhuận bền vững của công ty.”
Tiềm năng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam là rất lớn, theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD, 75% người Việt Nam mua hàng online và so với các nước trong khu vực nền kinh tế Internet của Việt Nam đang tăng trưởng ở mức cao nhất, có tổng giá trị thị trường chiếm 4% GDP. Trong khi đó, Sendo lại là một trong những trang thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam, theo cập nhật mới nhất từ Bản đồ Thương mại điện tử do iPrice Group thực hiện, lượng truy cập vào website của Sendo trong quý 3/2019 đã cán mức 30,9 triệu lượt / tháng và giúp Sendo vươn lên vi trí thứ 2 trong những sàn TMĐT được truy cập nhiều nhất chỉ sau Shopee. Theo thông tin từ Sendo cung cấp thì doanh nghiệp này đang phục vụ hơn 500.000 người bán với ước tính 17 triệu SKU (đơn vị lưu kho) được liệt kê và hơn 12 triệu khách hàng trên cả nước. Hiện Senpay, ví điện tử của Sendo đang đứng vị trí thứ 3 về giá trị giao dịch tại Việt Nam.
Một đối thủ của Sendo ở mảng thương mại điện tử là Tiki cũng đã gọi vốn thành công 75 triệu USD hồi tháng 3 được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư tư nhân Northstar Group (Singapore). Ở mảng dịch vụ thanh toán, đối thủ của Senpay là Momo cũng đã gọi vốn thành công từ Warburg Pincus, quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân đến từ Mỹ. Mới đây, theo nguồn tin từ cơ quan ngôn luận của Bộ Công thương, VNLife - công ty mẹ của VNPay, một đối thủ khác của Senpay cũng đã được rót vốn bởi SoftBank Vision Fund và quỹ GIC của Chính phủ Singapore với giá trị thương vụ lên đến 300 triệu USD, chính thức đưa VNpay vào hàng ngũ các kỳ lân công nghệ tại Việt Nam. Điều này cho thấy làn sóng đầu tư vào các Startup Công nghệ Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam và sự quan tâm của cơ quan chức năng. Trước đó, Chính Phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, trong đó có nhiều điểm mới mà nổi bật nhất là các doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được cấp giấy chứng nhận từ ngày 20/3/2019 trở đi sẽ được miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh kết quả KH&CN.
Hàng Toàn
hangtoan
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/suc-hap-dan-cua-nen-kinh-te-internet-cua-viet-nam-giup-sendo-goi-von-thanh-cong-61-trieu-usd-a669.html