Hiện nay, tổng số tài sản của thế giới tính theo giá trị tài chính (financial assets) lên đến 900 ngàn tỷ đô la. Tất cả những con số trên không bao gồm những phi vụ rửa tiền, trốn thuế hay qua chợ đen v.v…Có những thời kỳ dòng tiền chảy sai vào chỗ trũng tạo nên bong bóng. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn một điều: dòng tiền chảy đến đâu thì tăng trưởng kinh tế và ngành nghề sẽ đơm hoa nở nhụy. Ít nhất trong một thời gian khá dài (5 đến 10 năm).
Một nghiên cứu tôi đọc đã lâu nêu ra một điều trớ trêu về Liên Xô là trong thời gian từ 1946 (sau Thế chiến thứ 2) đến năm 1975 (14 năm trước khi sụp đổ), nếu chính phủ Liên Xô chỉ bán khoáng sản, tài nguyên… rồi cả nước ngồi không ăn chơi, thì thu nhập quốc gia và cá nhân cũng không thay đổi chút gì trong 30 năm đó.
Thay vì ngồi yên, họ lập ra kế hoạch 5 năm, 10 năm, 100 năm… với những bộ não thuộc loại đỉnh cao để vận hành kinh tế. Kết quả? Người dân Nga phải làm việc theo mệnh lệnh hành chính, phải đi làm kinh tế mới và làm chuyện linh tinh theo chính sách mù mờ, phải đến các vùng băng giá Siberia (gọi là gulag)… và phải xếp hàng vài tiếng mỗi ngày để mua một miếng thịt hay cái quần lót…
Các nước Cộng hòa như Liên Xô, bây giờ và quá khứ, là những minh chứng hùng hồn cho thấy sự phát triển kinh tế toàn cầu không chỉ tùy thuộc vào “labor”, sức lao động của công nông dân như các triết gia biện luận. Liên Xô không thua Âu Mỹ về bất cứ thành tố gì từ tài nguyên thiên nhiên, trí tuệ khoa học, cho đến số lượng lao động, khả năng quản trị… Ngoại trừ một thứ: tư bản.
Một người dân bình thường cũng hiểu rõ quy luật này hơn cả những chuyên gia đại học hàng đầu: No money, no honey.
Trung Quốc thường được ca ngợi là hiện tượng thành công lịch sử trong việc điều hành kinh tế. Nhưng yếu tố quan trọng nhất mà các nhà phân tích hay bỏ qua là sự đóng góp của dòng tiền từ nước ngoài vào sự thịnh vượng này.
Nếu không có những tư bản lúc đầu từ Hoa Kiều và sau đó, từ các quốc gia Âu, Mỹ, Nhật thì máy bay kinh tế tài chính Trung Quốc sẽ không có đủ nguyên liệu để cất cánh.
Dĩ nhiên, nền móng căn bản của lực chuyển kinh tế phải dựa trên quyền tư hữu cá nhân. Và thể hiện rõ nhất trong mọi tài sản là “tiền”. Tôi không biết có bao nhiêu cuốn sách đã xuất bản về các triết thuyết kinh tế và bàn luận về những yếu tố chính trị, xã hội, văn hóa, lao động, trí thức, quản trị… để đem tới thành công sau cùng. Theo quan sát của riêng tôi, “tiền” vẫn là một thành tố quan trọng nhất.
Trong thời đại Internet, mọi người (kể cả tôi) đều vinh danh “trí tuệ”, “sáng tạo” và “mô hình phản động lực” (disruptors) như những động cơ khởi nghiệp sắc bén. Những ví dụ thành công thì đầy rẫy tại Silicon Valley, tại Wall Street, tại Hollywood… Tuy nhiên, nếu không có dòng tiền từ chứng khoán, từ IPO (Phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), từ M&A, từ venture capitalist (nhà đầu tư mạo hiểm, từ đủ loại quỹ đóng mở, từ các nhà đầu tư nước ngoài, từ ngân sách các chính phủ… thì hiện tượng trăm hoa đua nở tại các điểm đến của tương lai này cũng chỉ èo uột như mùa gặt trong thời hạn hán.
Dĩ nhiên, có những thời kỳ dòng tiền chảy sai vào chỗ trũng tạo nên bong bóng mà mọi người liên quan phải trả giá đắt, như dotcom của 1997, như bất động sản Mỹ của 2006, như đại suy thoái của 1929…
Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn một điều: dòng tiền chảy đến đâu thì tăng trưởng kinh tế và ngành nghề sẽ đơm hoa nở nhụy. Ít nhất trong một thời gian khá dài (5 đến 10 năm). Sau đó nếu có sai trật, thị trường sẽ điều chỉnh, nhanh hay chậm tùy môi trường và cơ chế.
Do đó, chúng ta có thể bắt đoán thời cơ và soạn ra chiến lược kinh doanh dựa trên dòng chảy của tư bản. Như các thám tử, muốn tìm thủ phạm của các vụ án, thì cherchez la femme (“hãy đi theo người phụ nữ của họ”).
Trước khi tiếp tục, tôi xin tạm quay về những nguyên tắc và thành phần căn bản của dòng tiền thế giới để những bạn chưa nắm vững về vận hành tài chính hiểu thêm phần sau của bài viết.
Theo McKinsey, năm 2012, lưu lượng dòng tiền chảy quanh thế giới vào khoảng 26 ngàn tỷ đô la mỗi năm, hay khoảng 36% GDP của toàn thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2025, lưu lượng sẽ tăng lên 85 ngàn tỷ đô la. Hiện nay, tổng số tài sản của thế giới tính theo giá trị tài chính (financial assets) lên đến 900 ngàn tỷ đô la. Tất cả những con số trên không bao gồm những phi vụ rửa tiền, trốn thuế hay qua chợ đen v.v…
Có quá nhiều kênh cho dòng chảy và phần lớn không liên quan đến xu hướng đầu tư. Hai kênh lớn nhất là tiền thanh toán cho các dịch vụ và thương mại (xuất nhập khẩu, du lịch…) và tiền quay trục quanh các ngoại hối để kiếm lời bằng arbitrage (chênh lệch giá trên các thị trường).
Còn lại là tiền đổ vào chứng khoán (stock), trái phiếu (bond), giấy nợ (tiền tiết kiệm hay phí bảo hiểm là loại giấy nợ của ngân hàng hay công ty insurance), chứng chỉ phái sinh (derrivatives), v.v… Hai dòng tiền chúng ta phải lưu ý đến nhiều nhất là tiền mặt của các công ty hay của cá nhân (để đầu tư trực tiếp hay gián tiếp) và tiền của các quỹ đầu tư, từ quỹ mutual có cả trăm tỷ đô la tài sản đến những quỹ hedge fund (phòng hộ) nhỏ, từ quỹ đóng đến quỹ mở, từ quỹ đã niêm yết đến quỹ tư nhân. Một số tiền khá lớn cũng đã được những doanh nhân thành đạt đổ vào các quỹ từ thiện, cũng như số tiền tài trợ từ các tổ chức chính phủ và phi chính phủ… nhưng chúng nằm ngoài tầm phân tích của bài viết này.
Mục tiêu lý tưởng của dòng tiền đầu tư là tìm lợi nhuận cao nhất với rủi ro ít nhất trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, khó ai có thể đạt tất cả ước muốn này trong một thị trường tài chính tự do. Do đó, các nhà quản lý quỹ thường hoạch định một chiến lược riêng của quỹ và bán dịch vụ của mình cho các nhà đầu tư thích hợp với chiến lược này.
Chẳng hạn có những nhà đầu tư giữ tiền lương hưu cho vài trăm ngàn thành viên. Họ rất bảo thủ và chấp nhận lời ít nhưng tỷ lệ an toàn phải tuyệt đối cao. Trong khi đó một tỷ phú trẻ vừa kiếm tiền khủng qua M&A của công ty khởi nghiệp sẽ sẵn sàng nhận rủi ro cao để roll the dices (đánh bạc) với các venture capitalists (nhà đầu tư mạo hiểm). Nhiều quỹ thích những thị trường mà họ thông hiểu (Âu, Mỹ, Nhật) cùng những công ty lớn, đa quốc… có tài chính vững vàng. Nhiều quỹ mạo hiểm vào các thị trường mới nổi (BRICS) hay cả thị trường ngoại biên (frontier market) như Việt Nam, Pakistan, Nigeria...
Trong bức tranh phức tạp đó, chúng ta vẫn có thể tìm ra một xu hướng chung của các dòng tiền đầu tư. Dòng tiền này lại phân ra thành hai loại: FDI (đầu tư trực tiếp như mở cơ xưởng, mua bất động sản hay M&A) và IDI hay portfolio investment (đầu tư gián tiếp vào chứng khoán, trái phiếu, giấy nợ…).
Thời hạn đầu tư của FDI thường kéo dài từ vài năm đến vài chục năm, theo tầm nhìn chiến lược của nhà đầu tư. Trong khi, IDI thì muốn “mì ăn liền” đôi khi chỉ mất vài giờ (nhưng vẫn có nhiều ngoại lệ).
Hiện nay, trong khuynh hướng “chuyển trục” của toàn cầu, phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng dòng tiền đầu tư dưới mọi dạng đang quay lại với những nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, vì các nguyên nhân sau đây:
- Thất vọng với sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi trong khi những yếu tố rủi ro lại gia tăng. Trong nhiều năm trở lại đây, các nhà đầu tư đã thất vọng nhiều với mức tăng trưởng của nhiều quốc gia mới nổi mà chỉ 10 năm trước, họ cho là sẽ khống chế kinh tế toàn cầu vì sức năng động và nhu cầu lớn của giới trung lưu tại những xứ này. Thất vọng lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Cả hai siêu cường kinh tế tiềm năng này đều có những dấu hiệu mệt mỏi, bất ổn và ẩn chứa nhiều scandal kinh tế đang chờ phát hiện. Chính các nhà đầu tư người Trung Quốc và Ấn khởi động một capital flight (tháo chạy vốn) khỏi quốc gia họ và ảnh hưởng nhiều đến niềm tin của những nhà đầu tư ngoại khác. Ở một tỷ lệ nhỏ hơn, Brazil, Nga và Thái Lan, Indonesia, đang bị suy trầm về kinh tế vì nhiều yếu tố khác nhau, nhưng dòng tiền đầu tư bắt đầu chấp cánh bay về chân trời mới. Những kỳ vọng lớn lao về sự đột phá của nhiều quốc gia mới nổi đã tan biến theo những bong bóng tài sản, tệ nạn tham nhũng và sự thiếu minh bạch của những công ty địa phương.
- Kinh tế Âu Mỹ đang hồi phục và căn bản pháp trị, dân chủ, tự do… bảo đảm một mức độ an toàn hơn cho dòng tiền đầu tư. Trong khi đó, sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 ở Mỹ và sau tình trạng bờ vực của đồng Euro vào 2009, nền kinh tế Âu Mỹ đã hồi phục. Năm nay, tăng trưởng GDP của Mỹ dự đoán ở mức 3,8%, tỷ lệ thất nghiệp xuống 6,1% (thấp nhất từ 2007), một kết quả khá tốt cho người khổng lồ.
Trên hết, không quốc gia nào trên thế giới có thể sánh với Âu, Mỹ, Nhật về hệ thống kinh tế tự do trên một căn bản pháp trị nghiêm khắc và minh bạch. Một thí dụ: bạn có thể tư hữu bất cứ bất động sản hay chứng khoán nào của Mỹ mà không cần phải minh chứng quốc tịch, màu da, hộ khẩu, lý lịch cách mạng v.v… Quyền tư hữu cá nhân được bảo vệ đến mức linh thiêng: ngay cả cảnh sát cũng không thể bước vào nhà bạn nếu không được phép của bạn hay của tòa án. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của những quốc gia Tây phương về sự thu hút dòng tiền đầu tư.
- Lợi nhuận của những công ty Âu Mỹ đang gặt hái những kết quả tốt nhất từ mấy thập kỷ qua. Thị trường chứng khoán liên tiếp lập đỉnh mới cho chỉ số Dow Jones và Nasdaq trong suốt 5 năm vừa qua. Chỉ số Dow Jones từ 8.500 vào 2008 đã đạt 17.000 hiện nay. Nhiều người cho rằng đây là hiện tượng bong bóng đang hình thành. Tuy nhiên, phần lớn các nhà phân tích đều nghĩ rằng “lợi nhuận” của những công ty niêm yết càng tăng thì theo tỷ lệ P/E (Price per Earnings – Giá trên thu nhập trên vốn cổ phần), giá chứng khoán phải tăng theo như quy luật vận hành.
Số lợi nhuận khủng của các công ty Âu Mỹ đang tăng trưởng cao nhờ cắt giảm chi phí tối đa khi họ đối diện với khủng hoảng kinh tế tài chính vĩ mô vài năm trước. Các lý do khác là nhờ sự thịnh vượng chung của người tiêu dùng và hiệu năng của công nghệ hiện đại (xem phần dưới).
- Hoạt động M&A đang gia tăng mạnh nhờ khối tiền mặt dự trữ lớn của các blue chips. Một phần của đáp số về bài toán tăng trưởng cho giá chứng khoán Âu Mỹ cũng nằm trong cơ hội M&A, nơi những con cá mập đa quốc với số tiền mặt (cash) dồi dào (nhờ lợi nhuận, lãi suất ngân hàng thấp và giá cổ phiếu tăng) đang cố gắng thu tóm các địch thủ nhỏ hơn để bành trướng. Những phi vụ M&A chục tỷ đô la của các công ty dược phẩm như Pfizer mua lại hãng dược Allergan đến 150 tỷ đô la trở thành thương vụ M&A “khủng” nhất thế giới năm 2015, viễn thông như Verizon… hay IT như Facebook mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ đô la, Google mua YouTube với giá 1,65 tỷ đô la, Microsoft mua mảng kinh doanh di động của Nokia trị giá 9 tỷ đô la… đã tạo nên những cơ hội kiếm lời khủng cho số đông nhà đầu tư. Dòng tiền đang đổ mạnh vào lĩnh vực này để lướt sóng và đoán bắt cơ hội.
Một thí dụ của sức mạnh tiền mặt đem tới trong M&A là tiền mặt dự trữ của công ty Apple hiện nay lên đến 137 tỷ đô la - có những lúc cao hơn tổng tiền mặt chính phủ Mỹ cầm. Để so sánh, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam cuối 2013 là 33 tỷ đô la (theo thông tin từ chính phủ).
- Công nghệ mới đem một sinh khí sáng tạo và hào hứng cho môi trường kinh doanh. Trong khi đó, môi trường kinh doanh tại Mỹ có thể được mô tả như là sống động với những thiên tài trẻ, sáng tạo, đam mê và mức độ chấp nhận rủi ro rất cao. Một cuộc viếng thăm Silicon Valley sẽ làm bạn kinh ngạc với thế giới mới của một thế hệ mới không bị ràng buộc bởi bất cứ quy luật nào.
Chỉ cần một ý tưởng “phản động học” (disruptive) cộng với sự hợp tác của vài bạn bè và một chuyên gia tài chính, bạn có thể kiếm cả tỷ đô la trong vài năm (trong khi ở “các nước khác” có thể đi tù vài năm).
Những thí dụ diển hình là sự thành công của Uber (hệ thống taxi dùng xe tư nhân), Dropbox (chứa dữ liệu trong đám mây), What's App (Facebook vừa mua lại với giá 19 tỷ đô la)… Ngoài IT, các lĩnh vực y tế, sinh hóa học (biotech), dịch vụ tài chính ngay cả công nghệ cũ… cũng đã đem nhiều tỷ đô la cho những doanh nhân của thế hệ U40 như Kickstarter (crowdfunding – hình thức gây quỹ cộng đồng), Tesla (xe hơi chạy bằng điện)….
15 năm trước, khi một công ty niêm yết đạt thị giá 1 tỷ đô la, các mạng truyền thông ào ạt ra tin tức và xin phỏng vấn. Ngày nay, nếu công ty bạn được “cá mập” chào mua với giá 1 tỷ đô la, có lẽ phi vụ chỉ được ghi vào một tin nhỏ ở trang phụ không quá 10 dòng.
Tiền sinh ra tiền. Khi những dòng tiền tụ về một nơi, chúng sinh con đẻ cái không biết cơ man nào mà kể.
- Với hiệu năng đột phá nhờ công nghệ IT cùng robot, chi phí cao cho nhân viên không còn là một rào cản lớn trong toàn bộ phí sản xuất. Sự sáng tạo của Silicon Valley đã đóng góp rất nhiều vào mọi hoạt động kinh tế khác trên toàn cầu, ngay cả trong những lĩnh vực không liên quan, như nông nghiệp và sản xuất. Các trang trại nông thôn của Mỹ hiện nay không thiếu những công cụ như máy bay không người lái (drones) để rải giống, bón phân, sát trùng…, hệ thống tưới và thải nước do robot điều khiển, hạt giống được biến chất DNA để có năng suất cao nhất, các phần mềm phân tích thị trường và khí hậu để “lên lịch” về thời điểm trồng và gặt, máy đo lường khí hậu, độ ẩm, báo nguy… tân tiến hơn các máy tại những phòng lab của viện đại học cách đây vài chục năm.
Các nhà sản xuất công nghiệp đã bắt đầu quay lại mẫu quốc để đầu tư, nhất là khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc sẽ ngang hàng với Mỹ kể từ 2016 (theo McKinsey report). Dù phí nhân công Mỹ vẫn cao hơn gấp mấy lần Trung Quốc nhưng thế cân bằng đã tạo được nhờ sự sử dụng robot (40% nhân công Mỹ sẽ bị robot thay thế trong 20 năm tới), hiệu năng của công nhân Mỹ, giá năng lượng rẻ, phí vận chuyển ít và sản xuất tại Mỹ sẽ tránh được nạn ăn cắp “tài sản trí tuệ”.
- Người tiêu thụ giàu hơn nên sẵn sàng trả một giá cao hơn đề có hàng hóa chất lượng, thương hiệu và phục vụ (customer service). Gần đây, Walmart, hệ thống bán lẻ cho thành phần thu nhập thấp tại Mỹ, bắt đầu quảng bá khẩu hiệu “người Mỹ dùng hàng Mỹ”. Hiện nay, hàng sản xuất tại Mỹ đắt hơn hàng Trung Quốc từ 10% đến 25% theo giá bán lẻ, tùy mặt hàng. Tuy vậy, với đa số người dân Mỹ, trả thêm ít tiền trong ngắn hạn để hưởng thú tư hữu dài hạn vẫn là một giải pháp tốt. Họ được bảo đảm về chất lượng, về thương hiệu đứng sau sự bảo đảm, về dịch vụ hậu mãi (nếu cần đổi hay sửa chữa…).
Ngay cả tại thị trường các nước mới nổi, người tiêu dùng có khả năng tài chính cũng ưa chuộng hàng Âu Mỹ hơn. Một lý do nữa là những chất độc hại quá nhiều trong các sản phẩm từ Trung Quốc bao gồm thực phẩm, đồ chơi trẻ con, ngay cả quần áo, vật dụng tiêu dùng… Hiện trạng đang lan phủ và có thể ảnh hưởng đến danh tiếng (xấu) của các quốc gia mới nổi khác sao chép mô hình kinh doanh của Trung Quốc.
Như đã trình bày, mỗi nhà đầu tư, mỗi quản lý quỹ… đều có những tầm nhìn chiến lược khác nhau. Cho nên, dòng chảy của mọi nguồn tiền rất đa dạng và khó đoán. Ông Warren Buffett gần như không đầu tư chút nào vào các công ty IT, ngay cả trong thời điểm bong bóng dotcom vào 1997 và hiện nay. Tuy nhiên, nếu doanh nhân muốn tạo một tài sản khổng lồ như Steve Jobs (Apple) vào 1975 hay Jeff Bezos (Amazon) vào 1994, họ phải biết xu hướng của dòng tiền và những cơ hội, lực chuyển ngắn cũng như dài hạn. Đi ngược với trào lưu cũng có thể mang đến những thành công bất ngờ, nhưng tỷ lệ xác suất sẽ rất thấp.
Các doanh nhân ở các nước mới nổi thường coi tài sản lớn nhất của công ty là mối quan hệ hay thế chống lưng từ vài quan chức quyền lực. Mô hình kinh doanh này bắt đầu rã đám dần dần từ Trung Quốc và khó thể xuất khẩu đến các thị trường lớn mạnh của Âu, Mỹ, Nhật. Dòng tiền đầu tư đã chuyển hướng và chỉ trong 2 thập kỷ tới, nếu Trung Quốc không thay đổi, nền kinh tế mà mọi người ca tụng hôm nay sẽ chỉ là một chú thích trong lịch sử.
Hai câu nói rất nhàm tai của Tôn Tử nhưng cho đến giờ này tôi vẫn thuộc nằm lòng, "biết người biết ta" và "kết quả của trận đấu đã được định đoạt trước giờ khai hỏa"
Nguồn: Alan Phan/ Góc Nhìn Alan
Lê Xuân Trung
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/85000-ty-do-la-chay-quanh-the-gioi-moi-nam-dong-tien-se-tu-ve-dau-a6660.html