Đại dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, dẫn đến các tranh chấp về hợp đồng kinh tế.
Sau khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp đang gấp rút tái sản xuất kinh doanh để theo kịp tiến độ và kế hoạch của năm cũng như đảm bảo các cam kết trước đó với khách hàng.
Tuy nhiên, thông tin từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy hiện đang diễn ra khá phổ biến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng, hủy bỏ hợp đồng hoặc chậm, không thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng; không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc trả nợ vay... nên phát sinh nhiều tranh chấp pháp lý trong giai đoạn dịch COVID-19.
Tính đến tháng 10/2021, cả nước đã có 215 vụ tranh chấp liên quan tới mua bán hàng hóa, dịch vụ kinh doanh, xây đựng, cho thuê, bảo hiểm, tài chính ngân hàng, logistics...
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, đại diện Công ty Luật YKVN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên nhân là do các chuỗi cung ứng đứt gãy, tình trạng giãn cách kéo dài, thiếu nguyên vật liệu… dẫn đến doanh nghiệp không thể thực hiện sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, còn do tình trạng kinh doanh không ổn định, doanh nghiệp không có doanh thu, không thể kịp thời thanh toán cho các đơn hàng hoặc phải đơn phương hủy hợp đồng khi nhận thấy việc tiếp tục kéo dài thời hạn hợp đồng sẽ gây thiệt hại về nhân lực, về tài chính, mất các đối tác khác…
Cũng có một số doanh nghiệp viện dẫn điều khoản về sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn cảnh thay đổi cơ bản để miễn trách nhiệm, không tiếp tục thực hiện hợp đồng dẫn tới mâu thuẫn phát sinh khó có thể hòa giải...
Từ thực tiễn địa phương, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dongtam Group kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An cho biết đa số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại nhưng vẫn trong tình trạng khan hiếm lao động.
Hiện có khoảng 10-20% doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động và doanh nghiệp phục hồi năng suất chỉ đạt từ 70-80% so với trước dịch.
Nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, đáp ứng không kịp thời, khan hiếm, giá thành cao. Chi phí hoạt động tăng cao, do các phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ông Nghĩa cho hay sẽ có một số doanh nghiệp tranh thủ sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong và ngoài nước gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác, mua lại các doanh nghiệp bị khó khăn, thua lỗ hay các dự án bất động sản…, tranh thủ cơ hội để triển khai các ngành kinh doanh có thể sử dụng công nghệ thông minh, trực tuyến, hoặc có khả năng phòng chống COVID-19, đồng thời, tận dụng hoàn cảnh để đàm phán, sửa đổi hợp đồng, cơ cấu lại thương vụ, dự án, ngành hàng...
Song song đó, bối cảnh này cũng đặt ra những thách thức khác, đó là không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả khách hàng hoặc đối tác của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về vốn, thiếu vốn để duy trì kinh doanh, thua lỗ. Thị trường bị giảm sút do dịch bệnh và những áp lực phải thực thi các biện pháp phòng chống dịch.
Khi phát sinh tranh chấp, các bên có nhiều phương án giải quyết như đàm phán, thương lượng, hòa giải, sử dụng trọng tài hay tòa án. Căn cứ trên tinh thần thiện chí, các bên sẽ lựa chọn phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp.
Nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện đúng hợp đồng do ảnh hưởng của đại dịch.
Phương thức tố tụng bằng trọng tài, nhất là trong quan hệ quốc tế rất phù hợp và phổ biến. Việc áp dụng phương thức trọng tài đem lại những thuận tiện nhất định về mặt thời gian, địa điểm, phương thức giải quyết, nhất là trong bối cảnh COVID-19 hiện tại.
Một sự lựa chọn khác để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh và xử lý tranh chấp bằng phương thức hòa giải tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam, ông Nghĩa khuyến nghị.
Các bên cần hướng tới việc hòa giải thương mại vì đó là phương thức hiệu quả, là phương án “căn cơ” cho các tranh chấp phát sinh trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Hòa giải giúp các bên bên vừa giải quyết được tranh chấp phát sinh, vừa có thể san sẻ, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Các hòa giải viên sẽ giúp các bên tìm được tiếng nói chung và giải pháp thỏa đáng mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, trước đó, khi ký hợp đồng, doanh nghiệp cần có chuyên gia dự liệu các tình huống có thể phát sinh.
Hợp đồng cũng cần quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra phù hợp với pháp luật Việt Nam hoặc của một nước thứ ba nào đó nếu các bên thỏa thuận chọn luật áp dụng.
Ngọc Quỳnh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/xu-ly-cac-tranh-chap-phap-ly-ve-hop-dong-phat-sinh-trong-dai-dich-a6657.html