Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO- dấu mốc xanh mới trong dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Nhà máy trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn LEGO tại Bình Dương là nhà máy trung hòa carbon, theo đúng định hướng mà Việt Nam đã cam kết tại COP26. Thủ tướng nhận định đây chính là dấu mốc xanh mới trong dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Tập đoàn LEGO được thành lập tại Billund, Đan Mạch vào năm 1932 bởi Ole Kirk Kristiansen. Hệ thống trò chơi của LEGO, với nền tảng là những viên gạch LEGO, cho phép trẻ em và người hâm mộ thiết kế và xây dựng bất kỳ những gì mà họ có thể tưởng tượng. Sản phẩm của LEGO hiện được bán tại hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới.

Ngày 8/12, Tập đoàn LEGO  đã có buổi ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ ngành.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Hojlund Christensen cho hay: “Đây là dự án với số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam, cho thấy niềm tin và sự lạc quan của chúng tôi vào tương lai của mối quan hệ hợp tác quan trọng này”.

Theo kế hoạch, đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO và sẽ bao gồm cả phần đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời. Dự án của tập đoàn có quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD vào khu đất rộng 44 ha tại tỉnh Bình Dương, mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Việc khởi công được dự kiến triển khai vào nửa cuối năm 2022 và nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024.

Đây là một minh chứng rõ ràng cho sự ủng hộ của nhà đầu tư đối với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

lego-kinh-te-xanh-1639209143.jpg
Tập đoàn LEGO được thành lập tại Billund, Đan Mạch vào năm 1932 bởi Ole Kirk Kristiansen.

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho biết, trước khi biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa Tập đoàn LEGO và VSIP, trong năm qua, Tập đoàn LEGO và tỉnh Bình Dương đã gặp gỡ, trao đổi, làm việc với nhau nhiều lần. 

"Tập đoàn LEGO là một trong những tập đoàn sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới. Do vậy, chúng tôi rất mừng khi LEGO quyết định đầu tư vào Bình Dương. Đặc biệt, đây là nhà máy trung hòa carbon, theo đúng định hướng mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 là mục tiêu của cả nền kinh tế. Không chỉ doanh nghiệp FDI mà doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tham gia. Bình Dương sẽ cố gắng mời gọi những dự án xanh như thế này đến với địa phương và sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư của các dự án dạng này", ông Nguyễn Thanh Toàn nói.

Nhận định ở tầm vĩ mô, các chuyên gia khẳng định, chuyển dịch kinh tế theo kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp là xu thế tất yếu của thời đại. Cam kết của Việt Nam tại COP26 sẽ thúc đẩy xu hướng chuyển dịch toàn nền kinh tế sang kinh tế xanh.

Xuân Bắc

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nha-may-trung-hoa-carbon-dau-tien-cua-lego-dau-moc-xanh-moi-trong-dong-dau-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-a6645.html