Hai việc cần làm ngay để chống tắc đường từ TPHCM về miền Tây và ngược lại

Tắc đường ở các cửa ngõ từ miền Tây lên TP. HCM diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và kinh tế, do vậy cần sớm có giải pháp để giải quyết vấn nạn này bằng một chiến lược quy hoạch căn cơ và khoa học, trong đó cần mở thêm nhiều loại hình, mạng lưới giao thông để giúp vùng đất này có bệ phóng phát triển.

ket-xe-1638501923.jpeg
Hình ảnh kẹt xe kinh hoàng trên tuyến đường từ TPHCM về miền Tây mỗi khi vào dịp lễ, tết.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tên thường gọi là miền Tây) là một vùng trọng yếu và giàu tiềm năng để phát triển kinh tế, giúp phát triển đất nước, nhưng nghịch lý là còn chưa được chú trọng phát triển nhiều về giao thông kết nối với TP.HCM. Nhiều năm nay, cùng với việc phát triển kinh tế, lượng xe lưu thông từ miền Tây về TP. HCM và ngược lại, tăng cao, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết, gây tắc đường nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến dân sinh và việc giao thương.

Hiện nay, Nhà nước đã có quy hoạch, kế hoạch cho một số dự án đường cao tốc ở khu vực này nối với các tỉnh của khu vực lân cận và “đầu tàu” kinh tế TP. HCM. Tuy nhiên, so với nhu cầu và sự đòi hỏi của khu vực, thì các giao lộ đó vẫn chưa đủ sức đáp ứng. Và việc tắc nghẽn giao thông, giao thương vẫn diễn ra thường xuyên. Do vậy, việc xây dựng một mạng lưới giao thông quy mô và khoa học là yêu cầu cấp bách đối với khu vực này và là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ.

Để chống tắc đường ở miền Tây, đặc biệt vào những ngày lễ Tết, cần làm hai việc. Một là làm tuyến đường sắt từ TP.HCM đi xuống tỉnh Cà Mau và tỏa ra các tỉnh khác của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hai là nghiên cứu đầu tư làm hệ thống giao thông đường thủy, từ TP.HCM đi xuống miền Tây và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu làm được hai tuyến giao thông này sẽ phá vỡ nạn thế độc đạo, giải quyết nạn kẹt xe tắc đường và giúp phát triển kinh tế xã hội của khu vực và cả nước.

Một khi chúng ta mở được hai tuyến đường đó để giảm tải áp lực giao thông đường bộ và giảm lượng xe máy cá nhân bằng các phương tiện giao thông công cộng an toàn, thân thiện môi trường.

Về phương án đường sắt, Chính phủ cũng đã và đang có kế hoạch thực thi dự án đường sắt kết nối từ TP. HCM đi xuống TP Cần Thơ. Dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng vạch ra kế hoạch trên bản đồ quy hoạch làm tuyến đường sắt từ TP. HCM đi xuống TP Cần Thơ nhưng rồi không thấy triển khai, không rõ vì lý do gì. Đã đến lúc phải tìm cách để hiện thực hóa dự án vĩ mô và cấp thiết này!

Về phương án thiết lập mạng lưới, hệ thống giao thông bằng đường thủy từ TP. HCM kết nối với miền Tây, tôi cho rằng có tính khả thi và dễ làm vì tận dụng được lợi thế địa hình lẫn thói quen truyền thống giao thông bằng xuồng ghe của bà con miền Tây. Để thực hiện phương án này, cần khảo sát lại, cải tạo lại thêm sông kênh rạch, cảng... thiết lập hệ thống điều hành, sản xuất hệ thống tàu thuyền hiện đại... Từ đó có thể vận hành tốt. Khi làm được tuyến đường thủy này, không chỉ lợi về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông... mà còn có thể khai thác làm du lịch, phát triển giao thương, kinh tế... Nếu ngân sách thiếu thì có thể kêu gọi tư nhân hoặc nước ngoài (trừ Trung Quốc) vào đầu tư, khai thác.

Ngoài ra, chúng ta có thể nghiên cứu phát triển giao thông bằng đường biển cho khu vực này và cả nước. Phương án này cũng tương tự như giao thông bằng sông Cửu Long mà tôi đã nói ở trên. Có hệ thống, mạng lưới giao thông đường biển sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích khác.

Việc xây dựng các hệ thống, mạng lưới giao thông như nêu trên không hề đơn giản và cần nhiều sự đầu tư về chất xám khoa học và vốn, ngân sách, cùng cả lòng nhiệt thành, quyết tâm, kiên trì từ Nhà nước. Chúng cần sự tham gia, cống hiến của nhiều giới: trí thức, nhà khoa học, doanh nhân… mới mong thành công. Nhưng nếu không có sự nghiên cứu khảo sát để tìm ra giải pháp căn cơ, lâu bền, thì giao thông của chúng ta sẽ bị tắc mãi, xã hội khó an sinh, khó phát triển.

Nguyễn Văn Thịnh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/hai-viec-can-lam-de-chong-tac-duong-tu-tphcm-ve-mien-tay-va-nguoc-lai-a6543.html