Để ngăn chặn sự biến tướng của đa cấp, mới đây Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét thông qua Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Không thể phủ nhận, kinh doanh đa cấp luôn là một lĩnh vực gây tranh cãi ở Việt Nam. Bởi bên cạnh hoạt động kinh doanh đa cấp hợp pháp mang lại thu nhập tốt và cơ hội thành công cho nhiều người thì những biến tướng của đa cấp cũng xuất hiện tràn lan, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi người tiêu dùng.
Vì sao lại đề xuất quy định "siết chặt" hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp?
Thứ nhất, để sàng lọc những doanh nghiệp bất chính, lợi dụng những khe hở của pháp luật, nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Tại Việt Nam, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động chính thống, còn có rất nhiều công ty lợi dụng hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp. Phần lớn, các công ty này thường đánh vào tâm lý khát khao làm giàu nhanh của người dân.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người dân, một số tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp đã mời gọi với các phương thức quảng cáo như: bỏ vốn một thu về lãi mười, không làm việc vẫn có thu nhập thụ động hàng tháng… nhưng thực chất chỉ là hình thức người vào trước ăn “hoa hồng” của người vào sau, lừa đảo theo dây chuyền.
Do đó, nếu thiếu am hiểu pháp luật, người dân nhất là đối tượng học sinh, sinh viên sẽ rất dễ rơi vào “bẫy” mà các công ty bán hàng đa cấp bất chính đưa ra.
Thứ hai, để tránh thổi phồng công dụng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhóm thực phẩm chức năng chiếm đến hơn 80% sản phẩm của bán hàng đa cấp, tuy nhiên phần lớn người bán lại cung cấp không đúng sự thật về công dụng của sản phẩm.
Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua, hoạt động bán hàng đa cấp theo kiểu này lại diễn ra một cách sôi nổi hơn. Thông qua các phương tiện Internet như mạng xã hội, ứng dụng di động, ứng dụng cuộc họp trực tuyến… các doanh nghiệp, cá nhân bán hàng đa cấp đã thành lập các nhóm kín trực tuyến để tư vấn, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Mạo danh dưới các tên gọi như: nhóm tư vấn sức khỏe, chăm sóc sức khỏe chủ động, nhân chứng dùng sản phẩm… các đối tượng bán hàng đa cấp đã “tẩy não” người tiêu dùng. Làm cho họ hiểu nhầm các thực phẩm chức năng này có công dụng rất thần kỳ: nào là phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, giảm nhẹ bệnh và điều trị bệnh.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), thông tin lan truyền trên môi trường mạng diễn ra rất nhanh, vì vậy nếu cung cấp không đúng sự thật về công dụng của sản phẩm sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Minh chứng là mới đây, Cục CT&BVNTD đã đưa ra thông tin cảnh báo các sản phẩm “viên ngậm tế bào gốc” mang tên APLGO. Đây là sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp, không có giấy chứng nhận hợp pháp và có dấu hiệu đưa thông tin thổi phồng công dụng sản phẩm.
Cuối cùng, nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp đa cấp hợp pháp hoạt động. Thực tế, bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, so với phương pháp bán hàng truyền thống thì hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt. Cụ thể, người tiêu dùng vừa là người bán hàng, vừa là người cung ứng, quảng cáo sản phẩm.
Tính đến nay, trên thị trường Việt Nam có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP (danh sách các doanh nghiệp luôn được cập nhật tại địa chỉ: bhdc.vcca.gov.vn (mục Doanh nghiệp BHĐC).
Trong 2 năm gần đây, mặc dù nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19, nhưng riêng ngành bán hàng đa cấp lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Từ năm 2018 tới nay, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp tăng trung bình khoảng 25%/năm. Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2020 của các doanh nghiệp đạt khoảng 15.538 tỷ đồng, tăng hơn 2.863 tỷ đồng (tăng 22.8%) so với năm 2019.
Tóm lại thời gian qua, từ thực tiễn quản lý các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp vẫn bộc lộ một số khe hở trong khuôn khổ pháp luật để các đối tượng lợi dụng hoạt động bất chính, hoạt động không phép... Vì vậy, cần thiết xây dựng và hoàn thiện các khung khổ pháp lý có liên quan tới lĩnh vực này nhằm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp đa cấp hợp pháp hoạt động.
Dự thảo mới có những điểm gì nổi bật
Bộ Công Thương cho biết đã trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trong đó, có 2 đề xuất đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến (trong đó bao gồm việc giới thiệu thông tin về sản phẩm) thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thông báo đến Sở Công Thương địa phương (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại một địa phương đó) hoặc Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại nhiều địa phương).
Thứ hai, bổ sung quy định cấm đối với doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp trong việc cung cấp các thông tin về hàng hóa, đặc biệt đối với sản phẩm là thực phẩm theo hình thức:
- Cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;
- Cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Hà Hà
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vi-sao-bo-cong-thuong-lai-de-xuat-du-thao-quy-dinh-moi-ve-ban-hang-da-cap-vao-thoi-diem-nay-a6542.html