Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) – chủ sở hữu dự án Cát Bà Amatina vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) có thể nắm giữ trên 51% vốn mà không phải chào mua công khai.
Ngày 7/12 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền lấy ý kiến. Vinaconex-ITC sẽ thực hiện lấy ý kiến trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 năm nay
Trước đây, Vinaconex ITC (mã VCR) là công ty con của Vinaconex. Tuy nhiên, vào cuối năm 2020, khi Vinaconex ITC tăng vốn gấp 5 lần lên 1.800 tỷ đồng để bổ sung vốn cho dự án Cát Bà Amatina, Vinaconex đã không tham gia góp vốn.
Cụ thể: đã có khoảng 70 nhà đầu tư mua 144 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ từ Vinaconex ITC với giá chỉ 10.000/cổ phần để sở hữu 80% cổ phần của công ty. Điều này đồng nghĩa với việc, tỷ lệ sở hữu của Vinaconex bị ‘pha loãng’ xuống còn 10,7% tại Vinaconex ITC.
Đến tháng 8/2021, Vinaconex ITC đã thực hiện chuyển đổi 300 tỷ đồng trái phiếu Vinaconex thành 30 triệu cổ phiếu, tương đương mức giá chuyển đổi là 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau giao dịch này, vốn điều lệ của Vinaconex ITC tăng từ 1.800 tỷ đồng lên 2.100 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Vinaconex tại Vinaconex ITC cũng tăng từ 10,7% lên 23,47%.
Thực tế, dù giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinaconex ITC, song Vinaconex vẫn nắm quyền chủ động tại dự án Cát Bà Amatina. Dù không giữ vai trò chủ đầu tư gián tiếp thông qua công ty con, song Vinaconex đã trở thành đối tác phát triển từng dự án thành phần tại Cát Bà Amatina. Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT của Vinaconex cũng được bầu là Chủ tịch HĐQT của Vinaconex ITC.
Ngoài ra, Vinaconex cũng rất tích cực bơm tiền vào Vinaconex ITC để phát triển dự án. Hồi cuối tháng 6, Vinaconex đã huy động 2.200 tỷ đồng để hợp tác đầu tư với Vinaconex ITC, phát triển phân khu cao tầng CT02 và các hạng mục hạ tầng của dự án Cát Bà Amatina.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao, chỉ sau 1 năm, Vinaconex đã đổi ý là muốn quay trở lại nắm quyền kiểm soát Vinaconex ITC cũng như dự án Cát Bà Amatina.
Để mua thêm 28% cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu trên 51% cổ phần Vinaconex ITC, ước tính Vinaconex sẽ phải chi ra hơn 2.380 tỷ đồng theo giá thị trường hiện tại. Trong khi, vào đợt phát hành thêm cuối 2020, các nhà đầu tư cá nhân chỉ cần bỏ ra 1.440 tỷ đồng để sở hữu 80% cổ phần công ty. Sau 1 năm, giá thị trường của cổ phiếu VCR đã tăng lên hơn 4 lần, từ 10.000 đồng lên 40.500 đồng.
Được thành năm lập 2008, Vinaconex-ITC có chức năng chính là quản lý Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà với tên thương mại là Cát Bà Amatina. Dự án này lúc đầu có quy mô 17 ha, tổng mức đầu tư 600 triệu USD.
Vì nhiều lý do khác nhau, nên dự án Cát Bà Amatina bị đình trệ cả thập kỷ và phải đến tháng 11/2020, Vinaconex-ITC mới tiếp nhận và tổ chức Lễ khởi công dự án. Việc phát hành 144 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhắc đến ở trên, cũng nhằm mục đích huy động vốn bổ sung vào dự án Cát Bà Amatina.
Về tình hình kinh doanh: quý 3 vừa qua là quý thứ 11 liên tiếp Vinaconex–ICT thua lỗ. Giải trình từ phía doanh nghiệp: họ đã không ghi nhận doanh thu do đang trong giai đoạn đầu đầu tư dự án, nên chưa có sản phẩm. Kết quả: lợi nhuận 9 tháng đầu năm của Vinaconex–ICT âm gần 11 tỷ đồng, cao hơn tương đối so với khoản lỗ hơn 7 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2020.
Còn tính tại thời điểm 30/9/2021, Vinaconex-ITC lỗ lũy kế đến 240 tỷ đồng.
Sa Mộc