Những sai phạm trong việc thực hiện các dự án về đất đai, thu hồi cưỡng chế đất để giao cho các doanh nghiệp (DN) thực hiện dự án nhà ở, các công trình khác nổi bật như vụ Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng, dự án Thành phố mới Bình Dương...vv... nguyên nhân lớn là do thiếu các quy định chặt chẽ về điều kiện thu hồi đất của dân để giao cho DN.
Hiện nay, quy định để thu hồi đất trong Luật Đất đai còn rất mơ hồ, chung chung, thiếu các điều kiện để thu hồi, thiếu các chế tài xử phạt nếu thu hồi sai. Luật Đất đai chỉ quy định khi cần thu hồi đất để thực hiện các dự án hoặc phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh quốc gia...thì Nhà nước thu hồi đất hoặc trưng dụng đất, bất kể nguồn gốc đất đó ra sao, đã được cấp Sổ đỏ hay chưa. Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức nào không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế.
Khi lấy đất dân giao cho DN làm các dự án, luật buộc DN phải mua, thỏa thuận với dân theo giá thị trường, nhưng thực tế ít khi xảy ra vậy mà thường là dân bị trả giá đất rẻ mạt. Ai không chịu giao thì DN sẽ nhờ chính quyền cưỡng chế...
Chính những quy định chung trong thu hồi đất như thế đã dẫn đến hành vi thao túng, tự tung tự tác, lạm quyền của một số cán bộ, dẫn đến việc trục lợi của DN khiến người dân thiệt hại nhiều mặt, ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt đến đời sống và sự phát triển của xã hội và đất nước.
Để tránh vấn nạn này, theo tôi, cần sớm đưa các điều kiện chi tiết và cụ thể khi thu hồi đất dân để bổ sung vào đợt sửa Luật Đất đai lần này.
Chẳng hạn như, ra điều kiện, DN muốn thu hồi đất làm dự án thì phải định giá, đấu giá khu đất, đóng tiền ký quỹ tương đương giá trị khu đất và tiến hành thương lượng với dân. Nếu chưa được dân đồng thuận chuyển nhượng, thì DN không được lấy đất.
Nên quy hoạch chi tiết về đất đai, quy định những nơi nào thì được thu hồi làm các dự án gì theo đúng quy hoạch, không nên tùy tiện thu hồi đất đã có sổ đỏ gây xáo trộn dân sinh.
Bổ sung các điều khoản chế tài xử phạt nếu thu hồi đất sai. Dù hiện nay, trong Luật Đất đai có quy định nếu làm sai trong quản lý đất đai..vv thì sẽ bị xử lý hình sự theo tội cố ý làm trái các quy định pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng thực tế, rất nhiều vụ việc về đất đai có dấu hiệu trên nhưng hiếm khi bị xử lý hình sự nên ít hiệu quả, không răn đe, ngăn chặn được sai phạm.
Tất nhiên, còn nhiều điều kiện khác nữa mà Quốc hội và các nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung.
Luật gia Nguyễn Văn Thịnh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/can-bo-sung-them-cac-dieu-khoan-ve-dieu-kien-thu-hoi-dat-a6494.html