Đầu tư vào Shin Cà phê, PAN Group muốn nâng cao giá trị cà phê Việt

Thương vụ đầu tư của PAN vào Shin được kỳ vọng sẽ góp phần nhân rộng và quảng bá mảng cà phê đặc sản của Việt Nam, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.

Ngày 8/11 vừa qua, PAN Group ban hành Nghị quyết thông qua phương án đầu tư vào công ty cổ phần Cà Phê Golden Beans, công ty mẹ của Shin Cà phê. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch của PAN Group bày tỏ trên trang cá nhân: “Một thương vụ đầu tư được hoàn tất trong thời gian nhanh kỷ lục với những tư duy rất khác. “Đầu tư vào Shin Cà phê vì trân trọng giá trị của thất bại”. Cách Shin làm cà phê thật ấn tượng, một câu chuyện nhân ái, sự gắn kết những nhân vật đầy trắc ẩn, sự tử tế của nhân cách, sự chuyên nghiệp của hành động đã mang đến cho người tiêu dùng những tách cà phê đặc sản đúng như tên gọi của nó”.

Hiện tại, Shin Cà phê là một trong số ít công ty định hướng kinh doanh “cà phê đặc sản – specialty coffee”, đây là phân khúc cao cấp, dung lượng thị trường còn rất nhỏ và vẫn còn mới ở  Việt Nam. Mãi đến tháng 3 năm nay, nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuộc lần thứ 7, cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” mới được tổ chức lần đầu tiên.

Lễ trao giải Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019. Nguồn: Phước An Coffee
Lễ trao giải Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019. Nguồn: Phước An Coffee

Mặc dù có thế mạnh ở khâu sản xuất và cug cấp cà phê đặc sản nhưng quy mô còn nhỏ, trong khi đó PAN lại có thế mạnh về kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, hệ thống phân phối rộng khắp trên cả nước và thị trường xuất khẩu hơn hàng chục quốc gia thông qua hai công ty con là Vinaseed và Lafooco. Vinaseed sở hữu 1500 đại lý tại hầu hết các tỉnh thành. Xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar. Còn hệ thống phân phối của Lafooco cũng có mặt tại: Mỹ, Úc, Hà Lan, Nhật, Hongkong, Anh, Đức, Canada, Trung Quốc.

Theo International Coffee Organization (ICO), các lô hàng Robusta tăng 5,6% lên 42,84 triệu bao trong mười một tháng đầu tiên của niên vụ 2018/19. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới và tổng số lô hàng tăng 3,9% lên 24,97 triệu bao. Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, mặc dù cà phê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong nhóm hàng nông sản của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch giai đoạn (2013-2017) chỉ ở mức bình quân 6,57%/năm. Nguyên nhân chủ yếu là chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới, ít sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao, xuất khẩu cà phê nhân chiếm tỷ trọng lớn.

Chính vì vậy, thương vụ đầu tư của PAN vào Shin được kỳ vọng sẽ góp phần nhân rộng và quảng bá mảng cà phê đặc sản của Việt Nam, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. “Cà phê là một nông sản chủ lực của Việt Nam nhưng xuất khẩu chủ yếu mới ở dạng nguyên liệu thô, chất lượng thấp. Người nông dân rất vất vả để làm ra hạt cà phê nhưng giá trị thu về nhỏ, đong đếm bằng những con số khô khan theo tấn, tạ... Trong khi đó, cà phê đặc sản lại là một thị trường có giá trị gia tăng cao và tăng trưởng nhanh. Năm 2017, thế giới đã chi khoảng 60 tỷ USD cho sản phẩm này. Tương tự, người Việt mỗi năm dùng khoảng 170.000 tấn cà phê nhân, song nguồn nguyên liệu cung ứng nhìn chung có chất lượng kém, sản xuất và tiêu thụ đều phân mảnh, chưa có công ty thống lĩnh thị trường. Mảng đặc sản thì càng không có. The PAN Group từ lâu luôn muốn góp phần thúc đẩy việc đưa hạt cà phê từ những vùng trồng chất lượng cao của Việt Nam ghi danh trên bản đồ thế giới, thông qua những thương hiệu được biết tới trên toàn cầu.” – Ông Nguyễn Duy Khánh - Thành viên HĐQT Tập đoàn PAN trả lời phỏng vấn VNExpress

Thuật ngữ cà phê đặc sản lần đầu tiên xuất hiện là vào năm 1974 bởi Erna Knutsen trong Tạp chí Thương mại Trà & Cà phê. Với sự tăng trưởng nhanh chóng của các cửa hàng bán lẻ và để tránh bị lạm dụng, hiện nay cà phê đặc sản được hiểu là cà phê phải đạt tiêu chuẩn do Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới công nhận (SCA) – Liên minh của Hiệp hội cà phê đặc sản Hoa Kỳ (SCAA) và châu Âu (SCAE). Trong đó, theo bộ tiêu chuẩn của SCAA thì cà phê cần đạt tối thiểu 80 điểm trên thang đo 100 điểm mới được xem là cà phê đặc sản. Còn với SCAE thì có phần thiên về định tính khi cho rằng cà phê đặc sản là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, tức là cà phê khi đến tay người tiêu dùng chứ không phải là hạt cà phê, theo đó cà phê đặc sản là một sản phẩm đồ uống thủ công có chất lượng độc đáo, một hương vị riêng biệt, cá tính khác biệt và vượt trội so với cà phê thông thường. Cà phê đó được pha chế từ các hạt cà phê được trồng trong một khu vực được xác định, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất cho cà phê dùng để rang, bảo quản và pha chế.

Hàng Toàn


hangtoan

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dau-tu-vao-shin-ca-phe-pan-group-muon-nang-cao-gia-tri-ca-phe-viet-a648.html