Ngày 10/11 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Đất Xanh (thường gọi tắt là Tập đoàn Đất Xanh hay Đất Xanh Group, viết tắt DXG) phát đi thông báo cho rằng Công ty Đất Xanh Long An đã và đang sử dụng trái phép nhãn hiệu “Đất Xanh” đã được Tập đoàn Đất Xanh đăng ký bảo hộ độc quyền, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu của tập đoàn, dẫn đến sự nhầm lẫn nghiêm trọng cho khách hàng.
Trước đó từ tháng 10/2019, Tập đoàn Đất Xanh đã tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện Công ty Đất Xanh Long An để bảo vệ thương hiệu “Đất Xanh” và uy tín của Tập đoàn. Tuy nhiên, theo đại diện của DXG cho biết, tại thời điểm nộp hồ sơ khởi kiện, DXG gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể là DXG chưa đủ thông tin để chứng minh các hành vi sai phạm từ Công ty Đất Xanh Long An, đồng thời để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp.
“Tại thời điểm khởi kiện, các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Đất Xanh” được bảo hộ bởi cơ quan nhà nước đã hết hiệu lực. Dù ngày 3/10/2018, chúng tôi đã nộp đơn trước thời điểm giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cũ hết hạn nhưng đến ngày 5/3/2020 mới được gia hạn thêm. Do đó đã gây ra việc các công ty khác sử dụng các dấu hiệu, tên gọi trùng với nhãn hiệu “Đất Xanh” nhưng không hề bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cảnh báo hoặc xử lý.
Từ các lý do trên, khi DXG nộp hồ sơ khởi kiện Công ty Đất Xanh Long An cho TAND tỉnh Long An vẫn chưa được TAND tỉnh Long An chấp thuận thụ lý. Phòng Pháp chế của Tập đoàn Đất Xanh đã trực tiếp xuống TAND có thẩm quyền để đốc thúc về việc thụ lý vụ án nhưng vẫn không đạt được kết quả mong muốn”, đại diện DXG cho biết.
Việc nhiều công ty cố tình đặt tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn với tên thương mại của DXG đã hoạt động lâu năm, có uy tín, dẫn đến nhầm lẫn nghiêm trọng đối với tên thương mại mà DXG đã đăng ký, sử dụng và được pháp luật bảo hộ.
Nghiêm trọng hơn, gần đây xuất hiện tình trạng một số công ty sử dụng tên thương mại có chứa thông tin nhãn hiệu “Đất Xanh” đang có hành vi cung cấp các dịch vụ kém chất lượng, gây ảnh hưởng vô cùng to lớn đến uy tín, thương hiệu của Tập đoàn Đất Xanh.
Xung quanh vụ việc này, phóng viên của Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý đã ghi nhận ý kiến của một số luật sư, chuyên gia về các quy định và vấn đề pháp lý liên quan.
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Công ty Luật TNHH TriLaw):
Theo quan điểm của tôi, việc Công ty TNHH MTV Đất Xanh Long An (gọi tắt là Công ty Đất Xanh Long An) lấy tên thương mại này có thể là hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại khoản 1, Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019.
Cụ thể là Công ty Đất Xanh - Long An đã sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh. Rất nhiều người dân khi giao dịch mua đất của Công ty Đất Xanh Long An đã nhầm lẫn Công ty Đất Xanh Long An là Công ty con của Đất Xanh Group.
Với hành vi vi phạm này, theo tôi ngoài con đường khởi kiện ra tòa án để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, Đất Xanh Group có thể làm đơn gửi đến Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An để yêu cầu cơ quan này tiến hành thanh tra, xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Công ty Đất Xanh Long An, yêu cầu Công ty này xin lỗi, cải chính công khai và thay đổi tên gọi cho phù hợp để không xâm phạm đến quyền đã được bảo hộ của Tập đoàn Đất Xanh.
Hiện nay việc làm nhái thương hiệu khả phổ biến tại Việt Nam bởi các chế tài xử phạt hành chính còn rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên nhiều người vẫn cố tình vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để trục lợi. Do đó để bảo vệ quyền lợi của mình, theo tôi các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin có người vi phạm để kịp thời xử lý pháp lý cũng như truyền thông, tránh làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của mình.
Hiện tôi biết Tập Đoàn Đất Xanh đã khởi kiện Công ty Đất Xanh Long An ra tòa án có thẩm quyền nhưng chưa được thụ lý. Trong khi chờ đợi bổ sung hồ sơ để được tòa án thụ lý, Đất Xanh Group nên làm đơn gửi đến Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An để được bảo vệ quyền lợi và sau đó công bố kết quả thanh tra trước các cơ quan truyền thông để bảo vệ thương hiệu của mình. Ngoài ra, cần xem xét làm đơn khởi kiện sửa đổi về hành vi cạnh tranh không lành mạnh là sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh của Công ty Đất Xanh Long An chứ không nên kiện về hành vi xâm phạm nhãn hiệu được bảo hộ nếu không chứng minh được hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Thạc sĩ, Luật sư Vũ Quốc Toản (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Thiên Quý):
Tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.”
Khoản 5 Điều 11 Nghị định Số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 quy định chi tiết và hướng dẫn về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu giải thích thêm:
“Trường hợp sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày so với nhãn hiệu được bảo hộ cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại thuộc phạm vi bảo hộ thì bị coi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ.”
Như vậy, Nghị định thậm chí đã mở rộng phạm vi áp dụng hơn so với Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ đối với hai khía cạnh dưới đây:
Một là: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bao gồm cả với lĩnh vực dịch vụ và nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký bảo hộ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
Hai là: Sản phẩm dịch vụ chỉ cần đáp ứng “cùng loại thuộc phạm vi bảo hộ” chứ không chỉ giới hạn là “chính mặt hàng đó”.
Từ các quy định trên, dựa trên tiêu chí về mức độ giống nhau sự tương đồng giữa nhãn hiệu bảo hộ với dấu hiệu bị nghi ngờ - yếu tố đang xem xét, có thể chia ra thành hai trường hợp bị coi là hàng hóa giả mạo như sau:
Một là: Dấu hiệu bị nghi ngờ - yếu tố đang được xem xét trùng hoàn toàn với nhãn hiệu bảo hộ về mặt nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện (màu sắc, bố cục…)
Hai là; Dấu hiệu bị nghi ngờ - yếu tố đang được xem xét khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày so với nhãn hiệu được bảo hộ.
Từ các quy định và phân tích trên đây có thể coi hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là một trường hợp, một dạng của hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, nhưng ở mức độ cao hơn, nghiêm trọng hơn. Theo đó không phải tất cả các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đều có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự, thay vào đó là các biện pháp pháp lý tương ứng như Hành chính, dân sự…
Căn cứ Điểm 53 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017, sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại…”
Quan điểm và chính sách pháp luật hình sự của nhà nước về lĩnh vực Sở hữu công nghiệp có thể và nên được hiểu là: Sẽ chỉ xử lý về hình sự đối với dạng hành vi xâm phạm nhãn hiệu ở một mức độ nghiêm trọng nhất định. Tức là chỉ có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (hoặc giả mạo chỉ dẫn địa lý) mới có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự.
Trong vụ việc này, nếu có căn cứ cho rằng Đất Xanh Long An có hành vi giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa của Đất Xanh Group thì có thể bị xem xét xử lý hình sự, hoặc có thể bị xử lý về hành chính hoăc dân sự.
Luật gia Nguyễn Văn Thịnh (Hội Luật gia Việt Nam):
Dựa trên nội dung thông tin vụ việc mà Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý đã đăng tải tôi cho rằng, phía Công ty Đất Xanh Long An có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 1 điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp.
Theo đó, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp không được đặt tên trùng với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 42 của Luật Doanh nghiệp nói trên. Dẫn chiếu quy định vừa nêu và đối chiếu với thực tế là tên doanh nghiệp Đất Xanh Group được đăng ký và có trước tên Đất Xanh Long An nên Đất Xanh Long An đã vi phạm quy định tại điểm g, khoản 2 Điều 42 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 khi đặt tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn.
Đây là hành vi bị Luật Doanh nghiệp cấm. Vì thế, theo điểm đ, khoản 1, Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì Đất Xanh Group có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa án thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã cấp cho Đất Xanh Long An, đồng thời yêu cầu Tòa án buộc công ty này phải sửa đổi tên doanh nghiêp thành tên khác.
Ngoài ra, Đất Xanh Long An có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019. Điều luật này quy định về các “hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý”.
Do đó, căn cứ Điều 211 quy định về các “hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính” của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, thì Đất Xanh Gruop có quyền yêu cầu xử phạt hành chính đối với Đất Xanh Long An theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy (Đại học Văn hóa TPHCM):
Đối với doanh nghiệp bị nhái thương hiệu sẽ mất rất nhiều quyền lợi như uy tín, lòng tin họ đã tạo dựng, gìn giữ được trong một thời gian dài nay bỗng chốc bị người khác chiếm đoạt mất. Đối với mỗi doanh nghiệp thì uy tín và thương hiệu là 2 yếu tố mãi gắn chặt với nhau, chúng là tất cả của họ. Nếu thương hiệu là “cái vỏ” thì uy tín chính là “cái ruột” của doanh nghiệp. Hai yếu tố này giúp định giá một doanh nghiệp.
Cụ thể nói đến Tập đoàn Đất Xanh thì uy tín mà doanh nghiệp này gây dựng sẽ được thể hiện dưới dạng sản phẩm, dịch vụ (nhà, đất, căn hộ…) và cách thức mà họ cung cấp phục vụ khách hàng. Tất cả hòa quyện lại để tạo ra một thứ gọi là “văn hóa doanh nghiệp” của họ, trong đó con người từ tổng giám đốc cho đến nhân viên là các nhân tố thực hành loại hình văn hóa này. Như vậy, có thể nói doanh nghiệp bị mất hay bị nhái thương hiệu giống như mất đi bộ mặt, mất đi cái diện mạo cho chính mình.
Đối với môi trường kinh doanh và văn hóa kinh doanh, việc nhái thương hiệu, hay “ăn cắp” thương hiệu tạo ra vô số hậu quả khôn lường cho người tiêu dùng, những người đang trực tiếp bỏ tiền ra để mua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và xứng đáng hưởng những thành quả ngọt ngào do chính mình tiền của mình bỏ ra. Nó tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh, thiếu liêm chính, minh bạch, nói thẳng ra là gian dối trong cạnh tranh, trong kinh doanh. Nó phá hỏng văn hóa kinh doanh, mất lòng tin của người tiêu dùng vào doanh nghiệp, vào sự quản lý của nhà nước.
Nếu hiện tượng này xảy ra nhiều và thường xuyên (không mong là thế) thì có thể nói đó là một “chỉ báo” cho sự xuống cấp của văn hóa kinh doanh. Nhà nước, cơ quan quản lý cần phải có pháp luật đủ mạnh và nghiêm để chế tài. Trong kinh doanh phải đặt chữ tâm lên trước, chữ tâm sẽ dẫn dắt chữ tầm. Tất cả cần phải liêm chính, trung thực.
Còn cộng đồng hoặc người tiêu dùng cần tìm hiểu kĩ trước khi mua sản phẩm, dịch vụ để tránh dùng hàng giả “fake” với cái giá cao và không được đảm bảo quyền lợi khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng. Cộng đồng phải là người tiêu dùng thông minh.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã được bàn đến khá lâu nay nhưng xây như thế nào vẫn chưa có một hướng đi, tầm nhìn, hay bộ tiêu chí để áp dụng. Việc này cần có nhiều giải pháp căn cơ và phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của doanh nghiệp trên nền tảng văn hóa ứng xử, đạo đức con người của một dân tộc. Các biện pháp chế tài từ luật hay từ cộng đồng chỉ là giải pháp giám sát thôi. Nếu kinh tế Việt Nam được xây dựng trên cơ sở văn hóa kinh doanh lành mạnh, bền vững với các doanh nghiệp có tâm và tầm sẽ đảm bảo sự phát triển thịnh cường của một quốc gia dân tộc.
Đức Thiện- Huy Phúc (thực hiện)
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vu-dat-xanh-group-bi-nhai-thuong-hieu-dat-xanh-long-an-co-nhieu-dau-hieu-sai-pham-phap-luat-a6466.html