Doanh nhân Lê Viết Hải chia sẻ triết lý kinh doanh của Tập đoàn Hòa Bình

Trong những lần gặp gỡ, trò chuyện với chúng tôi, doanh nhân Lê Viết Hải- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình, đã chia sẻ về những bí quyết xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng như triết lý kinh doanh của Hòa Bình.

le-viet-hai-1637678571.jpg
Doanh nhân Lê Viết Hải

Ông Lê Viết Hải chia sẻ rằng, bí quyết xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình, gồm bốn yếu tố là: Hoài bão, sứ mệnh, triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi.

Hoài bão là cái mà doanh nghiệp muốn trở thành, sứ mệnh là cái doanh nghiệp muốn làm và sẽ làm được, triết lý kinh doanh là quan niệm, tư tưởng, cách thức của doanh nghiệp trong kinh doanh,  giá trị cốt lõi là cái mà doanh nghiệp tôn trọng và hướng đến.

Ông Hải nhấn mạnh: “Phải có hoài bão cho tất cả thành viên, đó là sự suy tư làm cái gì, trở thành cái gì. Hoài bão phải là những thứ, mục đích cao cả để động viên, khích lệ con người thực hiện và phải hướng đến việc phục vụ, phụng sự cộng đồng, vì cái chung, cho cái chung. Nó là sự hướng đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ”.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp để thành công

Ông Hải đi sâu vào phân tích, chia sẻ chi tiết từng yếu tố dựa trên mô hình của Tập đoàn Hòa Bình. Theo đó, hoài bão của tập đoàn này là đưa doanh nghiệp thành một tập đoàn hùng mạnh, uy tín, có chất lượng và đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao niềm tự hào về giá trị thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu.

Sứ mệnh, mang ý nghĩa thiêng liêng, đem lại sự an tâm, lợi ích cộng hưởng cho khách hàng, kiến tạo một xã hội văn minh, phát triển bền vững bằng những sản phẩm dịch vụ có ưu điểm vượt trội, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện môi trường. Hoài bão và sứ mệnh có tính dẫn dắt, là mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp.

Nói về triết lý kinh doanh, ông Hải cho rằng: Một doanh nghiệp thành công và phát triển chỉ khi mọi thành viên đều sẵn sàng phục vụ cho khách hàng bằng niềm đam mê, lòng yêu nghề, thành tâm cống hiến với tất cả tài năng cùng lòng nhiệt huyết của mình. Đó cũng là triết lý kinh doanh của tập đoàn Hòa Bình.

Ông Hải đưa ra 7 chữ T của nội dung của giá trị cốt lõi, gồm: Ứng xử văn minh, hành xử chính trực, thực thi cam kết, tích hợp tinh hoa, tích cực sáng tạo và chủ động hợp tác. Tiếp đó, ông phân tích sâu vào các nội dung trên.

Ứng xử văn minh là xác định những ứng xử cơ bản trong các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, gồm có: Tận trung, trung thành đối với công ty; tận tình, chu đáo đối với khách hàng; tự trọng, cầu tiến đối với bản thân; thấu hiểu, gương mẫu đối với cấp dưới; tương trợ, cộng tác đối với đồng nghiệp; tôn kính, phục tùng đối với cấp trên, trung thực, khiêm tốn đối với mọi người.

Về nội dung hành xử chính trực, ông Hải nêu 6 chữ công, đó là: công tâm trong phân xử, công chính trong thu nhập, công bằng trong đối đãi, công minh trong thưởng phạt, công lý trong tư duy, công khai trong tài chính.

Ngoài ra, ông Hải cũng chia sẻ những bí quyết khác, như thực thi cam kết gồm: đúng chất lượng, đúng thời gian, đúng khối lượng…

Về tuân thủ cam kết, ông Hải đưa ra 6 không, là không vi phạm pháp luật, không vi phạm điều lệ công ty, không vi phạm thỏa ước…

anh-1-ong-le-viet-hai-dang-trinh-bay-bai-giang-ve-xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep-trong-mot-cuoc-toa-dam-1637678646.jpg
Doanh nhân Lê Viết Hải trong một lần trình bày bài giảng về xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Tích hợp tinh hoa thế giới, phát huy văn hóa truyền thống

Đồng thời, ông Hải nhấn mạnh, cần tích hợp tinh hoa của thế giới để hoàn thiện việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong đó gồm: Sáng tạo về khởi nghiệp, hiệu quả về quản trị, tinh xảo về công nghệ, thuần thục về kỹ năng, toàn diện về chất lượng, vượt trội về tốc độ, cộng với ý chí kiên cường của người Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Hải, trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần phải tích cực sáng tạo về các mặt: kỹ thuật, công nghệ, quản trị, kinh doanh, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác. Sự chủ động hợp tác phải bao gồm các yếu tố sau: Khiêm nhường, kiên nhẫn, cởi mở, chân thành, hài hòa, thiện chí, thủy chung.

Ông Hải lưu ý, các doanh nghiệp muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì phải soạn thảo ra mô hình văn hóa doanh nghiệp của mình cho rõ ràng, cụ thể về các tiêu chí, nội dung. Sologan, logo của công ty, nhận dạng thương hiệu cũng phải đầu tư, tính toán để phù hợp và truyền tải được tuyên ngôn giá trị cốt lõi của mô hình văn hóa doanh nghiệp đó.

“Đưa ra tuyên ngôn giá trị là quan trọng, nhưng thực thi được nó còn quan trọng hơn. Nó đòi hỏi sự nỗ lực của cả tập thể doanh nghiệp đó. Văn hóa truyền thống của ta có nhiều ưu điểm, nhiều cái đẹp và phù hợp cho xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhưng hiện đang bị mai một, bị phá hỏng đi, phải tìm cách khu phục, phát huy. Mỗi doanh nghiệp phải tự mình tham gia đóng góp xây dựng văn hóa doanh nghiệp của mình, không thể ngồi chờ đợi ai làm thay”- ông Hải chia sẻ.

Chia sẻ thêm, ông Hải cho biết: Phải có chương trình đào tạo cho nhân viên cũ và mới về văn hóa doanh nghiệp giúp họ hiểu về lịch sử và văn hóa, chính sách… Thông qua những hoạt động đó, văn hóa doanh nghiệp được giải thích tường tận.

“Các hoạt động của công ty được xem xét phải phù hợp với tuyên ngôn giá trị. Hàng tuần, Tập đoàn Hòa Bình đều có thông điệp từ Ban lãnh đạo thông qua Lễ chào cờ, nhắc nhở hoài bão, sứ mệnh; những hoạt động văn hóa nghệ thuật của chúng tôi đều hướng đến tuyên ngôn giá trị”- ông Hải nói.

Để duy trì tuyên ngôn giá trị cốt lõi, thúc đẩy nhân viên, ông Hải gợi ý: Doanh nghiệp phải giúp nhân viên cảm nhận được giá trị doanh nghiệp, yêu giá trị đó, thì họ sẽ nỗ lực đem lại giá trị cao nhất cho công ty. Cần phải tôn trọng tuyên ngôn này, xem nó như Hiến pháp, đưa nó thấm vào trong máu thịt của mỗi nhân viên.

Ông Hải cho biết thêm, hiện nay, chúng ta chưa quan tâm xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp, mô hình văn hóa doanh nghiệp. Phải có thời gian, phải kiên trì, phải có tình yêu để sáng tạo, động não thêm để xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

“Văn hóa doanh nghiệp cần được xây dựng ngay từ khi mới thành lập. Đùng nghĩ là mình mới, mình nhỏ thì không cần xây dựng. Từ việc đặt tên, nhận diện thương hiệu… phải gắn với văn hóa doanh nghiệp. ”- ông Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Hải, mô hình văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình chỉ mang tính tham khảo, các doanh nghiệp cần vận dụng, sáng tạo, nỗ lực thêm khi xây dựng mô hình văn hóa doanh nghiệp cho mình.

Ông Hải nhấn mạnh: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, dũng cảm và nhân ái, vị tha. Chúng ta đã làm mất đi tính nhân ái, vị tha, cái chân thành tốt đẹp của dân tộc. Lòng hy sinh trong các cuộc kháng chiến của chúng ta rất tuyệt vời, nhưng nay thì truyền thống đó đang đi xuống, con người có biểu hiện sống ích kỷ hơn.

Dân tộc ta có tinh thần, ý chí quật cường, tinh thần dân tộc cao. Người Việt có thói quen suy nghĩ tích cực, lạc quan. Tinh thần sáng tạo đã giúp chúng ta bước qua những bước ngoặt lịch sử khó khăn. Cần phát huy, phục hồi lại những tinh thần đó. Cần phục hồi ý thức sống vì cộng đồng xã hội, đóng góp cho xã hội.

                                                                                                      

Các Tập đoàn lớn đều quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Theo ông Hải, các Tập đoàn đều quan tâm đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp với mục tiêu hướng đến cộng đồng, đến xã hội, toàn cầu. Văn hóa doanh nghiệp tích hợp những giá trị tốt đẹp nhất thì sẽ mang lại thành công. Hướng hoạt động của doanh nghiệp đến lợi ích cộng đồng. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ hòa nhập thành công nếu hỏi hỏi thêm những tập quán, ngôn ngữ của các nước khác.                                                          

Văn Thịnh -  Đức Thiện

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/doanh-nhan-le-viet-hai-chia-se-triet-ly-kinh-doanh-cua-tap-doan-hoa-binh-a6450.html