Đừng lãng phí nhân tài và cơ hội

Mỗi ngày đọc báo xem tivi chắc nhiều người chúng ta đều nhận ra nhiều thứ lãng phí ở đất nước này. Lãng phí tiền bạc, tài nguyên, thời gian, nhân lực nhân tài chất xám, v.v.. Có thứ lãng phí rất trời ơi và vô lý tức tưởi! Nhưng có một thứ lãng phí mà tôi cho là quái lạ khó hiểu nhất là lãng phí nhân tài chất xám, thể hiện trong việc cấm cản, bỏ xó các sáng chế của người Việt.

Lãng phí là đánh mất cơ hỗi tự cường

Nước ta hay xảy ra thiên tai, hỏa hoạn. Chuyện cháy rừng, cháy chung cư, cháy nhà cao tầng, cháy nhà xưởng, cháy khu dân cư... ở ta thỉnh thoảng lại xảy ra.

Thế nhưng, qua nhiều vụ cháy lớn, cho thấy công nghệ chữa cháy vẫn chưa được chú trọng cải thiện, đầu tư đúng mức.

Đáng buồn hơn là, có những công nghệ, phương pháp kỹ thuật chống cháy hiệu nghiệm do người Việt trong nước nghiên cứu, sáng chế ra, nhưng chưa được Nhà nước quan tâm đưa vào ứng dụng.

anh-1-nha-sang-che-nguyen-van-thanh-1637196827.jpg
Nhà sáng chế Nguyễn Văn Thanh.

Như câu chuyện về ông "Vua chống cháy" Nguyễn Văn Thanh với các sáng chế bột chống cháy rừng, dung dịch chống cháy, bột chống cháy... cùng nhiều sáng chế giá trị, hữu ích khác do ông tại ra mà trong quá trình làm báo tôi đã gặp và viết nhiều bài giới thiệu.

Tiếc là các sáng chế đó không có cơ hội được Nhà nước cho sử dụng rộng rãi...

Nếu sáng chế chống cháy, như bột chống cháy rừng của ông được dùng rộng rãi, có lẽ bao đám cháy như ở rừng đã được dập tắt.

Thành ra, thay vì dập tắt hỏa hoạn, tai họa... thì chúng ta lại vin đủ lý do để dập tắt cơ hội cống hiến, giúp đời của các tài năng Việt. Và không chỉ có một trường hợp như ông Thanh chống cháy bị dập tắt, lãng phí tài năng.

Không chỉ ông Thanh mà Việt Nam còn nhiều nhà sáng chế tài năng khác có nhiều sáng chế hữu ích. Nào là máy bay trực thăng của ông Bùi Hiển ở Bình Dương, tàu ngầm ở Thái Bình..vv..

Nhưng rồi những sáng chế đó đành ngậm ngùi xếp kho sau vài lần thử nghiệm rồi không được phép lưu hành sử dụng rộng rãi, với nhiều lý do nhạy cảm từ phía cơ quan chức năng đưa ra...!?

Tại sao chúng ta lại cấm các sáng chế đó được lưu hành? Tại sao không tìm cách ứng dụng rộng rãi chúng, thậm thương mại hóa chúng?

Trong khi đó, báo đăng người Nhật tìm đến Thái Bình để mua lại công nghệ đốt rác của một nhà sáng chế ở đó.

Thật lãng phí và tự đánh mất cơ hội của đất nước!

Nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison với 1 phát minh ông phải mất hàng ngàn lần thử nghiệm mới thành công.

Samsung lúc mới ra đời điện thoại rất thô sơ, chính phủ Hàn quốc ra lệnh toàn dân phải dùng điện thoại Samsung để doanh nghiệp này có tiền tái sản xuất. Phải mất hàng chục lần cải tiến mới có điện thoại Samsung như hiện nay.

Đây là thời điểm thống trị bằng công nghệ. Các nhà đầu tư có thể làm nhà máy lắp đặt ở Việt Nam và tuyển lao động Việt Nam vào làm công nhân nhưng bí quyết công nghệ thì họ nắm giữ.

Không dễ gì mà chuyển giao công nghệ mà họ đã tốn bao công sức nghiên cứu…cho Việt Nam đâu.

Khi lãng phí các nhân tài, sáng chế, chúng ta đã tự đánh mất đi cơ hội phát triển và làm giàu của đất nước.

Cần mạnh dạn sử dụng công nghệ Việt 

Do vậy, Nhà nước chúng ta nên ủng hộ các nhà sáng chế Việt Nam để có cơ hội làm chủ công nghệ của riêng mình.

Cách đây ít lâu, dư luận xôn xao về việc xử lý nước ô nhiễm ở sông Tô Lịch, Hà Nội.

Cùng lúc và gần đây, ở Hà nội, tình trạng ô nhiễm do ùn ứ rác thải sinh hoạt vì bãi rác Nam Sơn bị ngưng nhận rác do người dân phản đối cho bãi rác ở đây hoạt động khi họ chưa nhận đủ tiền bồi thường.

Điều đáng nói là, việc xử lý rác ở bãi rác này và hầu hết các bãi rác khác ở ta đều bằng thủ công là chôn lấp rác thải. Cách làm đó không xử lý triệt để ô nhiễm và nguồn rác.

Ngoài ra còn là sự lãng phí, khi nhiều quốc gia coi rác là tài nguyên, là tiền, có thể tái sử dụng dưới nhiều phương cách để phục vụ cho cuộc sống. Ví như: làm phân bón vi sinh, chất đốt để làm điện, tái chế làm các nguyên liệu..vv..

Vấn đề là các nước đó họ có công nghệ, quy trình cao cấp hiện đại để phân loại và chế biến rác, không như ta.

Đến khi nào Việt Nam mới có công nghệ xử lý rác tiên tiến?

anh-3-bang-doc-quyen-sang-che-cua-che-pham-xu-ly-chat-thai-cua-ong-bui-van-cu-do-bo-khcn-cap-1637196906.jpg
Bằng độc quyền sáng chế của chế phẩm xử lý chất thải của ông Bùi Văn Cư do Bộ KHCN cấp.

Tôi được biết, một nhà khoa học ở ta, ông Bùi Văn Cứ, đã nhiều năm nghiên cứu sản xuất ra chế phẩm sinh học khử mùi hôi và xử lý rác thải rất tốt, hiệu quả và an toàn.

Sản phẩm này đã từng thử nghiệm cho kết quả tốt ở tỉnh Bến Tre, ở bãi rác Đa Phước... Báo chí cũng đã đưa tin nhiều về các cuộc thử nghiệm thành công đó.

Ông Bùi Văn Cứ bày tỏ rằng ông rất muốn sản phẩm của mình được Nhà nước ủng hộ, cho phép sử dụng rộng rãi, vì nó đã được Bộ KHCN công nhận về mặt tính năng khoa học an toàn, hiệu quả.

Nhưng đến nay, vì nhiều lý do mà sản phẩm này vẫn chưa thể ứng dụng rộng rãi được.

Chúng ta đã cho các chuyên gia người Nhật thử nghiệm xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Nên chăng cũng nên tạo nhiều cơ hội cho chuyên gia nội như kỹ sư hóa học Bùi Văn Cứ và những chuyên gia khác được có cơ hội thực nghiệm, chứng tỏ cho thế giới biết sản phẩm công nghệ của Việt Nam.

Chính phủ chúng ta hô hào xây dựng nền kinh tế tri thức, kinh tế hội nhập, bắt nhịp thời đại 4.0... nhưng nếu không có công nghệ riêng, không sở hữu và làm chủ, chủ động về công nghệ...thì mãi mãi tụt hậu. Và các lời nói kia chỉ là khẩu hiệu suông, vô nghĩa.

Những sản phẩm như của ông Cứ, hay ông Thanh vua chống cháy... là công nghệ Việt, do người Việt tạo ra. Cần mạnh dạn trao cơ hội cho họ, sử dụng, ứng dụng sản phẩm của họ, để tạo nền tảng, tạo đà cho đất nước hiện đại hóa, công nghệ - công nghiệp hóa, để phát triển, hội nhập vững mạnh.            

 

Nguyễn Văn Thịnh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dung-lang-phi-nhan-tai-va-co-hoi-a6399.html