Với nhiều người, năm 2021 hẳn là năm hạn của Tập đoàn Thế Giới Di Động (MWG), khi 2 thương hiệu lớn của họ là chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh và chuỗi công nghệ Thế Giới Di Động thường xuyên rơi vào khủng hoảng truyền thông; song với Ban lãnh đạo của Tập đoàn này, thì không hẳn như vậy.
So với nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác, MWG vẫn có màn trình diễn nổi bật – doanh thu tăng trưởng đều đặn và còn ra mắt thêm nhiều chuỗi mới – tiêu biểu như TopZone, chuyên bán hàng Apple. Trong cao trào đại dịch, mảng công nghệ - điện máy chững lại thì có mảng siêu thị ghi công; sau khi hết giãn cách, thì ngược lại. Dường như, những thông tin xấu về các thương hiệu của họ, không ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu lẫn sự trung thành của khách hàng.
Không ngoa khi nói, Thế Giới Di Động miễn nhiễm với khủng hoảng truyền thông. Điều này cũng giải thích cho việc, vì sao MWG rất hiếm khi ‘thanh minh thanh nga’ mỗi khi có tin xấu về họ xuất hiện trên truyền thông. Mở doanh nghiệp kinh doanh là để kiếm tiền, nếu thông tin xấu vẫn không ảnh hưởng đến việc tiền chảy vào túi, thì hà cớ gì phải quan tâm!
MWG kiếm được 12.000 tỷ đồng trong tháng 10/2021
MWG vừa công bố mức doanh thu kỷ lục hơn 12.000 tỷ đồng trong tháng 10 - tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 45% so với tháng trước.
Động lực tăng trưởng trong tháng vừa qua của Tập đoàn đến từ nhóm chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, khi ghi nhận doanh số hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và tăng 60% so với tháng 9.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc phụ trách 2 chuỗi trên, cho biết: kết quả đến từ việc đã chủ động chuẩn bị để mở cửa lại sớm nhất, đồng loạt và an toàn. Cùng với đó, công ty làm việc với nhà cung cấp từ sớm, đeo bám và sâu sát trong khâu điều phối – luân chuyển hàng hóa để đảm bảo có hàng đầy đủ nhất trong bối cảnh nguồn cung ch thị trường Việt Nam và toàn cầu bị thiếu hụt bởi tác động xấu của Covid-19.
Công ty cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại để khai thác hiệu quả nhu cầu mua sắm mới/thay thế sản phẩm hư hỏng sau 3-4 tháng giãn cách do dịch bệnh; đồng thời kích cầu khi mua sản phẩm thứ 2-3, cung cấp dịch vụ mua nhanh lắp đặt ngay.
Ngoài ra, tháng 10 còn ghi dấu sự ra mắt của chuỗi TopZone cũng như chào bán thành công sản phẩm iPhone 13 series. Sản lượng iPhone 13 series bán ra tại Topzone chiếm gần 10% tổng số bán ra sản phẩm này trên toàn hệ thống công ty.
Tại buổi khai trương, CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết TopZone đặt ra kỳ vọng doanh số cho mỗi cửa hàng AAR khoảng tầm 2-3 tỉ đồng, các mô hình APR là từ 8-10 tỉ đồng/cửa hàng.
Tuy nhiên, ngay ngày đầu ra mắt, tổng doanh thu TopZone đã đạt mức 17 tỉ đồng cho 4 cửa hàng AAR, trong đó, iPhone chiếm đến 80% số bán. Những ngày tiếp theo, doanh thu TopZone tiếp tục giữ vững phong độ, ổn định ở khoảng 3 tỉ đồng/ngày tại 4 cửa hàng.
Như vậy, sau 1 tuần mở bán, TopZone đạt mức doanh thu trên 5 tỉ đồng/cửa hàng, vượt kỳ vọng cả tháng. Sau 10 ngày khai trương, các cửa hàng Topzone đóng góp 40 tỷ đồng doanh thu (1 tỷ mỗi cửa hàng/ngày).
Dự kiến doanh thu của chuỗi sẽ đạt mức 50-60 tỉ đồng trong tháng đầu tiên. Trung bình, mỗi cửa hàng có thể đạt được 13-15 tỉ đồng doanh thu thực tế mỗi tháng, gấp 4-5 lần kỳ vọng ban đầu (2-3 tỉ đồng/cửa hàng/tháng).
CEO Thế Giới Di Động kỳ vọng kết quả kinh doanh trong quý IV phần nào có thể bù đắp cho những tháng đóng cửa trong quý trước. Doanh thu chuỗi TGDĐ và Điện Máy Xanh có thể tiếp tục cao trong tháng 11 và 12 nhưng khó vượt qua tháng 10 có sức bật tốt.
Doanh thu Bách Hóa Xanh chững lại, sau khi bùng nổ trong cao trào đại dịch
Với 1.928 cửa hàng vào cuối tháng 8, doanh thu tháng 8 của Bách Hoá Xanh (BHX) đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Doanh thu tính bình quân trên mỗi cửa hàng là hơn 1,5 tỷ đồng. Chuỗi BHX ghi nhận tổng doanh thu hơn 20.600 tỷ đồng lũy kế 8 tháng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 8, các chuỗi phân phối – bán lẻ hàng thiết yếu nói chung và BHX nói riêng không được phép đón khách trực tiếp tại cửa hàng kể từ 23/08 ở các tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”. Giải pháp của BHX là thiết lập gần 2.000 nhóm Zalo kết nối với hơn 1 triệu khách hàng trong bán kính 2-3 km gần mỗi cửa hàng.
Trong tháng 10 vừa qua, doanh số trong tháng của Bách Hóa Xanh đạt gần 2.000 tỷ đồng. Sau khi nới lỏng giãn cách, mức thu bình quân chỉ đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, vẫn chưa quay về mức bình quân thời điểm trước dịch.
Nguyên nhân được nêu ra là do các địa bàn trọng yếu chiếm 50% doanh thu như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang mặc dù đã mở cửa, vẫn đang là điểm nóng dịch bệnh. Do vậy, sinh hoạt của người dân chưa trở lại như trước và một bộ phận người lao động đã rời khỏi các “thủ phủ công nghiệp” về quê.
Chợ truyền thống được phép mở cửa trở lại cùng sự xuất hiện của nhiều cá nhân, cửa hàng nhỏ, lẻ bán thực phẩm tươi sống sau mùa dịch tạo ra nhiều lựa chọn về nơi mua sắm cho người dân.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc MWG và phụ trách chuỗi thực phẩm trên đánh giá để nền kinh tế trở lại vận hành bình thường trước dịch cần mất khoảng 6 tháng cho đến 1 năm, khi đó doanh thu bình quân mỗi cửa hàng mới có thể trở lại mức 1,2 - 1,3 tỷ đồng.
Trong năm nay và cả năm sau, Bách Hóa Xanh vẫn sẽ tập trung vào khu vực hiện có là TP.HCM và các tỉnh, thành miền Nam, chưa có dự định mở rộng ra miền Trung hay Bắc.
Chuỗi bách hóa có kế hoạch kiểm soát chi phí trong các tháng cuối năm như chỉ mở mới các mặt bằng đã ký kết, tối ưu hóa sắp xếp nhân sự và tiếp tục cải thiện năng suất nhân viên, gia tăng tỷ trọng đóng góp các sản phẩm "hàng công ty" và kiểm soát tỷ lệ hủy hàng để duy trì biên lợi nhuận gộp 27% cho cả năm.
Trước đó, theo báo cáo của Tập đoàn này, lợi nhuận quý III giảm mạnh, do có gần 2.000 cửa hàng điện tử phải đóng cửa, hạn chế bán hàng theo quy định phòng dịch và 40-50% chuỗi thực phẩm không thể phục vụ khách trực tiếp từ 23/8 trở đi.
Như vậy tính lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh thu của tập đoàn bán lẻ này đạt khoảng 98.800 tỷ đồng; so với kế hoạch năm 125.000 tỷ đồng, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 79% chỉ tiêu doanh thu.
Sa Mộc