Những vấp ngã của tuổi trẻ
Nguyễn Việt Cường sinh ngày 23 tháng 08 năm 1976. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý đất đai tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội vào năm 1999. Năm 2016, ông Cường bảo vệ thành công luận án tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân và được công nhận là tiến sĩ kinh tế. Hiện nay, ông hiện đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Kosy - tập đoàn kinh doanh đa ngành với quy mô hơn 20 công ty thành viên trong đó lấy lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo làm mũi nhọn.
Theo bản cáo bạch năm 2020 của tập đoàn Kosy, từ năm 1999 đến năm 2005, ông Nguyễn Việt Cường kinh doanh tự do. Giai đoạn năm 2005 - 2008, ông là Giám đốc của Công ty Cổ phần Sao Việt Lào Cai. Đến năm 2008, ông Cường thành lập Công ty Cổ phần Kosy và giữ chức Chủ tịch HĐQT đến nay.
Nhưng ít ai biết rằng, trước khi trở thành “đầu tàu” của Kosy, ông Nguyễn Việt Cường đã trải qua một vấp ngã 'khó quên' vào thời tuổi trẻ khi từng tham gia vào đường dây thi thuê đại học năm 2004 và chịu bản án 46 tháng tù.
Chia sẻ về vấp ngã của tuổi trẻ, ông Cường nhớ lại: “Sau khi tốt nghiệp đại học tôi không về quê mà ở lại Hà Nội lập nghiệp. Thời đó doanh nghiệp chưa phát triển nên để tìm được một việc làm phù hợp là rất khó và tôi cũng chỉ kiếm được những công việc tạm bợ, thu nhập thấp và không có tương lai. Giai đoạn đó tôi ở cùng với mấy cậu sinh viên bị cám dỗ, cộng thêm sự hiểu biết hạn chế nên có tham gia vào việc thi hộ, thi thuê”.
Ông Cường cũng cho biết, đó cũng là khoảng thời gian làm thay đổi con người ông, từ một cậu thanh niên không có khát vọng, hoài bão lớn và chỉ mong muốn có cuộc sống ổn định, thành một người đầy nghị lực, bản lĩnh, luôn khát vọng được làm việc và cống hiến. Hơn nữa giai đoạn đấy cũng giúp ông hình thành một lối sống tích cực với tâm niệm không để phút giây nào trôi qua vô ích.
Những vấp ngã làm thay đổi cuộc đời, trở thành bài học lớn và là động lực để ông Nguyễn Việt Cường gầy dựng nên tập đoàn Kosy như ngày nay. Ông chia sẻ: “Giai đoạn này lượng kiến thức tôi thu nhận được gấp rất nhiều lần so với 4 năm học đại học trước đó. Hai năm đặc biệt đó đã rèn luyện tôi trở thành một người đầy bản lĩnh, có ý chí, có hoài bão, có khát vọng lớn và sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách. Đặc biệt làm cho cái tôi của tôi hạ thấp xuống và luôn ý thức được các rủi ro trong cuộc sống và trong công việc”.
Một thông tin được đồn đoán về Nguyễn Việt Cường chính là vào năm 2007, trong lúc đang chấp hành bản án hình sự nêu trên, ông đã tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Quốc tế tại Griggs University (một chương trình liên kết giữa Đại học Griggs và Đại học Quốc gia Hà Nội).
Theo quy định của pháp luật, người đang chấp hành án phạt tù không có quyền tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, trừ trường hợp ra tù trước thời hạn. Thêm vào đó, theo cổng thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội, muốn tham gia chương trình thạc sỹ cần hoàn thành bài thi đầu vào gồm 1 bài thi viết và 1 bài phỏng vấn và điều kiện để đăng ký nhập học phải có từ 03 năm kinh nghiệm công tác.
Tuy nhiên, thông tin từ tập đoàn Kosy cho biết ông Nguyễn Việt Cường tốt nghiệp Thạc sỹ QTKDQT tại Griggs University vào năm 2010 chứ không phải năm 2007. Do đó, việc cấp bằng là hoàn toàn đúng khi thỏa mãn điều kiện học và nhận bằng.
Vực dậy sau vấp ngã và rồi trở thành lãnh đạo của tập đoàn nghìn tỷ
Năm 2008, ông Nguyễn Việt Cường thành lập Công ty Cổ phần Kosy, vốn điều lệ 120 tỷ, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Đến năm 2011, Kosy chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản và coi đây là lĩnh vực mũi nhọn với dự án đầu tay quy mô 38ha Mountain View tại TP. Lào cai. Đây là dự án dính nhiều “lùm xùm” khiến cho UBND tỉnh Lào Cai phải vào kiểm tra làm rõ.
Có thể nói giai đoạn 2011-2013, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thêm vào đó thị trường bất động sản trải qua nhiều biến cố nghiêm trọng, Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản phải điêu đứng, thậm chí là phá sản. Khi đó, Kosy lại là một doanh nghiệp rất non trẻ, Nhưng nhờ vào sự dẫn dắt của ông Nguyễn Việt Cường, Kosy đã không những vượt qua được giai đoạn khó khăn đó mà còn phát triển lớn mạnh hơn.
Trong giai đoạn đầu tham gia vào thị trường bất động sản, “người thuyền trưởng” của Kosy hiểu rõ về khả năng tài chính của mình. Để phòng ngừa rủi ro, ông Cường chỉ dám lựa chọn những dự án có quy mô nhỏ và vừa. Để có những bước đi chậm nhưng chắc, ông Cường đã lựa chọn phát triển bất động sản ở các tỉnh lẻ và đã đạt được một số thành quả nhất định.
Bước sang giai đoạn năm 2014-2017, Kosy tăng vốn điều lệ lên 415 tỷ đồng và tiếp tục phát triển các dự án bất động sản tỉnh lẻ, đặc biệt là các dự án nhà ở tại Lào Cai, Bắc Giang và Thái Nguyên. Cuối năm 2017, Kosy đăng ký trở thành công ty đại chúng và giao dịch trên sàn UPCoM. Đến tháng 9/2019, cổ phiếu của Kosy được niêm yết trên HoSE.
Hệ sinh thái của Kosy cũng phát triển theo mô hình tập đoàn với nhiều thành viên trong đó lấy lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo làm mũi nhọn. Ông Nguyễn Việt Cường cho rằng: "Khi các dự án bất động sản và năng lượng tái tạo mới đi vào triển khai, chúng tôi tự tin khoảng 5 năm nữa, doanh thu của Kosy sẽ đạt trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm và 5 năm tiếp theo con số này sẽ tăng gấp 2-3 lần"
Chủ tịch HĐQT Kosy cho rằng, con người là tài sản quý giá nhất đối với công ty. Kosy cần có những con người phù hợp, nhiệt huyết, tài năng. Đối với ông Cường, con người có thể giải quyết tất cả khó khăn hay thách thức của doanh nghiệp. Ông chia sẻ: “Sức mạnh của Tập đoàn Kosy chính là yếu tố con người. Ban lãnh đạo tập đoàn hội tụ những cá nhân năng động, được đào tạo bài bản với trình độ tiến sĩ, thạc sỹ, có kiến thức nền tảng tốt và tầm nhìn chiến lược cộng với tư duy sáng tạo, khả năng ra quyết định đúng đắn và sự quyết đoán trong kinh doanh”.
Tuy đã được niêm yết trên sàn, nhưng bản chất Kosy vẫn là một doanh nghiệp gia đình. Trước khi trở thành công ty đại chúng, ông Nguyễn Việt Cường cùng người thân nắm giữ đến 93% cổ phần Kosy. Sau khi lên sàn UPCoM, tỷ lệ này đã giảm chỉ còn hơn 68%, nhưng đây cũng là một tỷ lệ rất cao so với các doanh nghiệp niêm yết khác. Điều này cũng khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi lo ngại về hoạt động quản trị và tính minh bạch của doanh nghiệp này.
Có thể thấy các thành viên trong gia đình Chủ tịch Nguyễn Việt Cường chia nhau nắm giữ cổ phần và giữ những chức vụ chủ chốt trong công ty. Bà Nguyễn Thị Hằng - vợ ông Cường đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - em gái ông là Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc, Ông Nguyễn Ngọc Sáu - bố vợ ông là Ủy viên HĐQT.
Hệ sinh thái Kosy có 20 công ty thành viên nhưng ông Cường chỉ trực tiếp đứng tên Công ty Cổ Phần Kosy và CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thủy điện. Tính đến ngày 06/10/2021, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Cường đang nắm giữ hơn 44 triệu cổ phiếu Kosy tương đương 26,91% cổ phần. Thêm vào đó, em gái và em trai của ông Cường cũng đang nắm giữ mỗi người hơn 7 triệu cổ phần Kosy.
Trải qua hơn 13 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Kosy đã để lại được nhiều dấu ấn trên thị trường bất động sản. Có thể kể đến các dự án nổi tiếng như: khu đô thị Kosy Mountain view quy mô 38ha với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, khu đô thị Kosy Eden Bắc Giang diện tích 23,3 ha với vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng, khu đô thị Kosy Sông Công quy mô 38,78 ha với tổng vốn đầu tư 480 tỷ đồng, khu đô thị Kosy Gia Sàng diện tích 14ha với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng,...
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020 của Kosy cho thấy, doanh thu thuần là hơn 1.308 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 21,9 tỷ đồng, tổng tài sản là 2.198 tỷ đồng. Đến quý III/2021, tổng tài sản quý III đạt mức 2.661 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm 2021. Hiện tại, Kosy đang nợ hơn 926 tỷ đồng trong đó hơn 644 tỷ nợ ngắn hạn và 282 tỷ nợ dài hạn.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Việt Cường, với lĩnh vực bất động sản,trong tương lai Kosy sẽ khởi công các dự án trọng điểm: dự án Kosy Ninh Bình quy mô 40,7ha với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, dự án Kosy Riverside (Lào Cai) với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, dự án Kosy Beat Thai Nguyen quy mô 19,9 ha với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng,...
Về lĩnh vực năng lượng, Kosy đang triển khai dự án Thủy điện Nậm Pạc với tổng vốn đầu tư 1.1000 công suất 34MW tại Lai Châu. Mục tiêu vào cuối năm 2021, tập đoàn sẽ khởi công thêm 2 dự án thủy điện mới tại Điện Biên và Lai Châu với tổng mức đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng.
Khi được hỏi về những dự định của ông cũng như Kosy trong tương lai, ông Cường chia sẻ: “Chúng tôi có một khát vọng, lòng mong muốn là đưa Kosy trở thành một tập đoàn lớn mạnh, tạo được nhiều việc làm có thu nhập cao, ổn định, góp phần phát triển quê hương, đất nước.”
Nền tảng kiến thức từ trường lớp cùng với kinh nghiệm thực tế phong phú là cơ sở để ông Nguyễn Việt Cường có thể dẫn dắt tập đoàn Kosy đi qua 13 năm hoạt động. Ông Cường luôn quan niệm: “Muốn thuyết phục được nhân viên, đối tác, phải có kinh nghiệm; muốn lãnh đạo doanh nghiệp phải có kiến thức; kiến thức có được nhanh nhất, bền vững nhất chính là đi học”.
Nguyên Thảo