Bên trong nhà máy sữa lớn nhất Đông Nam Á

Với công suất 800 triệu lít sữa/năm, nhà máy sữa Vinamilk nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á, thuộc tốp ba nhà máy sữa có công suất lớn nhất thế giới.

Công đoạn sản xuất tại nhà máy bắt đầu từ các xe bồn chở sữa từ điểm gom sữa tại huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh).

Xe bồn được làm lạnh và duy trì nhiệt độ từ 4 - 6 độ C, chạy thẳng về nhà máy và chuyển sữa vào các thùng có thể tích 150.000 lít mỗi thùng, bắt đầu đưa vào dây chuyền lắng cặn, tách béo, tiệt trùng, đóng gói…

Các xe bồn chở sữa được gom từ huyện Củ Chi về nhà máy ở Bình Dương.

Hệ thống dây chuyền sản xuất sữa Vinamilk được nhập từ Tetra Pak - nhà cung ứng dây chuyền sản xuất và đóng gói sản phẩm dạng lỏng trên 160 quốc gia, với doanh thu trên 11 tỉ USD năm 2018.

Nhà máy nằm trên khuôn viên 20 héc-ta với tổng số lao động khoảng 400 người, trong đó có 250 công nhân lao động trực tiếp, chia làm ba ca không nghỉ - mỗi ca từ 80 đến 90 người. Nhà máy tự động hoá gần như toàn bộ quy trình, và hoạt động không ngừng nghỉ, dù là cuối tuần hay lễ tết…

 
Các bồn chứa sữa với dung tích 150 m3 (tương đương 150.000 lít) - bắt đầu dẫn sữa vào dây chuyền sản xuất phía trong nhà máy.


Để duy trì sự hoạt động liên tục như vậy, Tetra Pak thường xuyên cử các đoàn kỹ sư đến bảo trì phòng ngừa, là chế độ bảo trì định kỳ khi máy móc chưa phát sinh bất kỳ vấn đề gì nghiêm trọng. Vinamilk lập kế hoạch bảo trì theo từng năm và cụ thể hoá từng tháng, đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh. Mỗi lần bảo trì, bộ phận máy móc đó phải được nghỉ.

Trong thời gian khoảng 45 phút tham quan, chỉ xuất hiện duy nhất một tốp kỹ thuật viên của Tetra Pak tại nhà máy. “Họ đang bảo dưỡng định kỳ” - ông Lý Tuấn Dũng - Giám đốc nhà máy cho biết.

Tetra Pak - một trong các nhãn hiệu dây chuyền sản xuất và đóng gói sản phẩm dạng lỏng hàng đầu thế giới.
Tetra Pak - một trong các nhãn hiệu dây chuyền sản xuất và đóng gói sản phẩm dạng lỏng hàng đầu thế giới.

Nhà máy sản xuất sữa chỉ có khoảng 6 kỹ thuật viên túc trực tại phòng điều khiển, kiểm soát các thông số kỹ thuật. Khi máy móc phát hiện bất kỳ bất thường nào trong quá trình sản xuất, hệ thống sẽ báo để các kỹ thuật viên kịp thời xử lý. Công việc của các kỹ thuật viên nhìn chung không quá phức tạp. “Hầu như hệ thống máy móc không gặp vấn đề gì trong suốt quá trình vận hành” - một kỹ thuật viên cho biết. Khác với căn phòng mát mẻ điều hoà nơi các họ trực máy móc, nhà máy dây chuyền sản xuất tương đối nóng, do sữa ở trong các đường ống được làm nóng, tiệt trùng trước khi đóng gói.

Các nhân viên kỹ thuật của Tetra Pak đang tiến hành bảo dưỡng định kỳ cho máy móc. Đây là nhóm người duy nhất xuất hiện trong khi nhà máy tại thời điểm tham quan.

Khi các sản phẩm hoàn thiện công đoạn đóng gói, từng pallet (một lô sản phẩm nặng từ 650 - 900 kg) được các robot tự động chuyển đến kho lưu trữ cùng các thông số được ghi nhận, theo dõi như chủng loại, ngày sản xuất, nguồn gốc nguyên vật liệu….

Một kỹ thuật viên của Vinamilk đang theo dõi nhà máy vận hành qua các thông số kỹ thuật.

Nhà kho thông minh của Vinamilk được lắp đặt máy móc và công nghệ của hãng SSI Schafer (Đức) - công ty chuyên cung cấp các giải pháp quản lý kho thông minh. SSI Schafer là công ty đứng thứ hai thế giới về doanh thu, sau Daifucu (Nhật Bản), đạt 3,2 tỉ USD năm 2018.

Nhà kho vận hành hoàn toàn tự động, không có sự tham gia của con người. Một kỹ thuật viên theo dõi các pallet theo các chỉ tiêu như tên sản phẩm, ngày sản xuất, xuất xứ nguyên vật liệu… Các pallet được vận chuyển bằng hệ thống xe tự động RGV (Rail Guide Vehicle) và chuyển cho các rô-bốt cất lên các ngăn chứa trên kệ kho.

“Sàn kho được xây dựng với tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe, điểm cao nhất và thấp nhất của sàn chênh lệch không quá 15 mm trên toàn bộ diện tích 40m*130m. Khi xây dựng, chúng tôi tính đến cả trường hợp xảy ra động đất, thì kho vẫn phải an toàn” - ông Dũng cho biết.

 
Sản phẩm được đóng gói và được các robot tự động chuyển ra ngoài. Các robot này tự tìm chỗ sạc pin khi hết năng lượng.


Với khối lượng sản phẩm khổng lồ, Vinamilk phải đảm bảo theo dõi nguồn gốc tới từng hộp sữa - giảm thiểu những sự cố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Từng chứng chỉ với sản phẩm của Vinamilk là chưa đủ, hệ thống kiểm soát nội bộ, với việc kiểm tra thành phần chất lượng từng lô hàng được Vinamilk thực hiện với những tiêu chuẩn khắt khe nhất.

Những kiện hàng xếp chồng lên nhau trong nhà kho rộng gần 6.000 m2, cao 35 m.

Hiện nay ngoài các dòng sản phẩm thương mại, nhà máy còn sản xuất các sản phẩm sữa tươi dành riêng cho chương trình Sữa học đường với logo Sữa học đường do Bộ Y tế ban hành.

Một kỹ thuật viên đang kiểm tra chất lượng sản phẩm bằng công nghệ không phá huỷ mẫu.
Dây chuyền sản phẩm hoàn thiện đang được vận chuyển ra ngoài.


Định kỳ, trên dây chuyền sản phẩm sẽ được lấy một hộp làm mẫu thử. Vinamilk có công nghệ kiểm tra không phá huỷ, dùng máy rung lắc để kiểm tra thành phần hộp sữa bên trong. Các mẫu thử đối với từng lô sản phẩm cũng được Vinamilk lưu trữ đến khi sản phẩm hết hạn sử dụng, đề phòng bất kỳ sự cố nào cũng sẽ có mẫu tương đương báo cáo với các cơ quan chức năng, tìm kiếm nguyên nhân và đề xuất giải pháp.


Bài viết: Minh Thư

Ảnh: Bảo Zoãn

vutuan

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ben-trong-nha-may-sua-lon-nhat-dong-nam-a-a626.html