Nhiệm vụ thoái vốn Nhà nước của SCIC trong Covid-19: Khó càng thêm khó!

Theo kế hoạch, trong năm 2021, SCIC có nhiệm vụ bán vốn Nhà nước tại 88 doanh nghiệp, nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 16.700 tỷ đồng; nhưng ở thời điểm hiện tại họ mới chỉ thu về 366 tỷ đồng. Để khởi động lại sau thời gian dài đứng im vì Covid-19, Bộ tài chính đang yêu cầu SCIC nhanh chóng tiếp tục thoái vốn tại Bảo Việt, Bảo Minh, Nhựa Tiền Phong…

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán vốn tại các doanh nghiệp để nộp tiền về quỹ hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị SCIC triển khai thoái vốn năm 2021 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung thoái vốn tại Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI) và Công ty cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong (HNX:NTP).

Số tiền thu từ thoái vốn tại 3 doanh nghiệp trên nộp về Quỹ hỡ trợ sắp xết và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12 để nộp ngân sách Nhà nước.

SCIC đang nắm giữ 22,15 triệu cổ phiếu BVH, tương đương 3,26% vốn; 55,44 triệu cổ phiếu Bảo Minh, tương đương 50,7% vốn và 43,7 triệu cổ phiếu NTP, tương đương 37% vốn. Xét theo giá thị trường, SCIC có thể thu về gần 6.500 tỷ đồng từ thoái toàn bộ vốn 3 doanh nghiệp trên.

Trong đó, BVH và BMI tăng giá đều đặn trong 3 tháng qua thì NTP mới bật tăng gần đây. Tính đến nay, cổ phiếu BVH tăng 26%, BMI tăng 29,3%, NTP tăng nhẹ gần 10% so với vùng giá tháng 8.

Theo danh sách doanh nghiệp SCIC dự kiến triển khai bán vốn năm nay, Tập đoàn Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong cũng là 3 trong số 88 doanh nghiệp thuộc nhóm 1 - nhóm triển khai bán vốn ngay năm nay.

Ngoài 3 doanh nghiệp kể trên, danh sách nói trên của SCIC còn một loạt cái tên đáng chú ý như Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn – SABECO (SAB) với tỷ lệ sở hữu của SCIC là 36%, tương đương vốn Nhà nước sở hữu 2.309 tỷ đồng.

screen-shot-2021-10-25-at-75616-pm-1635167009.png 

Tương tự, SCIC cũng đang sở hữu 99,79% vốn Tổng công ty Sông Đà (SJG) với giá trị 4.486 tỷ đồng; 53,49% vốn tại Tập đoàn dệt may Việt Nam - Vinatex (VGT), tương đương 2.674 tỷ; 63,38% tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Seaprodex (SEA), giá trị 792 tỷ; 40,08% vốn tại Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 - FICO (FIC), giá trị 509 tỷ; và 5,93% vốn tại Công ty CP FPT (FPT), tương đương 460 tỷ đồng…

Ước tính, tổng vốn Nhà nước nắm giữ tại 88 doanh nghiệp thuộc diện triển khai bán vốn ngay năm 2021 vào khoảng 16.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mọi chuyện đang không hề dễ dàng với SCIC. Theo báo cáo mới nhất từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đến hết tháng 8 năm nay, số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp mới đạt 366 tỷ đồng.

Cổ phần doanh nghiệp ít tiếng tăm thì không ai mua, mà với doanh nghiệp nổi tiếng ‘đắt khách’, thì nhiều doanh nghiệp/thương nhân Việt không đủ tiền mua tất cả và nếu bán cho khối ngoại, thì cũng phải cân đo việc phải bán với tỷ lệ nào mới hợp lý.

SCIC cũng vừa thông báo kết quả hủy cuộc đấu giá cổ phần của Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Á Châu. Tổ chức này tính bán bán đấu giá 1.346.400 cổ phần, tuy nhiên đã không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Với mức giá khởi điểm 20.800 đồng/cổ phần, cả lô cổ phần có giá thấp nhất là 28 tỷ đồng.

Hay mới đây, SCIC đăng ký bán 44.211.900 cổ phần của Tổng công ty tại Vocarimex, theo phương thức bán đấu giá công khai cả lô với giá khởi điểm là 1.255.617.960.000 đồng/lô cổ phần, tương ứng 28.400 đồng/cp. Đây đã là lần thứ tư SCIC mang số cổ phần của mình tại Vocarimex ra rao bán, bởi 2 lần đầu có ai hỏi mua; còn lần gần nhất dù đã có người mua, song do gặp trục trặc về việc thực hiện theo một vài quy định mới, tổ chức này không thể bán thành công.

Bản thân công việc thoái vốn vốn đã khó, chính Covid-19 với những ngày tháng dài bế quan tỏa cảng cùng hầu hết cá nhân/doanh nghiệp có tiềm lực, muốn ‘phòng thủ hơn là tấn công’, khiến người mua ngày càng ít đi.

Trước tình hình này, SCIC này cũng đưa ra 2 kịch bản cho hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 dựa trên diễn biến của dịch bệnh.

Theo đó, đến hết quý III, nếu dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam, sẽ tập trung triển khai thoái vốn đối với các doanh nghiệp đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC. Với một số doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì thực hiện theo hình thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2021, việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn sẽ không thể thực hiện được do các quy định về giãn cách và phong tỏa.

Sa Mộc

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhiem-vu-thoai-von-nha-nuoc-cua-scic-trong-covid-19-kho-cang-them-kho-a6163.html