Đóng cửa ngày giao dịch 20/10, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim tăng 4,7% lên 55.700 đồng - mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết.
Tính chung từ đầu năm, thị giá cổ phiếu này đã tăng tổng cộng 350% và là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn HOSE. Riêng trong vòng 3 tháng gần đây, cổ phiếu NKG đã tăng gấp đôi từ vùng giá hơn 26.000 đồng (đã điều chỉnh theo cổ tức) lên xấp xỉ 56.000 đồng, bỏ xa các ông lớn trong ngành như HPG (+20%) và HSG (+39%).
Cổ phiếu NKG nổi sóng trong bối cảnh Thép Nam Kim ghi nhận kết quả kinh doanh tăng đột biến với doanh thu, lợi nhuận đạt mức cao nhất lịch sử đi cùng với triển vọng kinh doanh tươi sáng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.342 tỷ đồng, cao gấp 23 lần so với cùng kỳ năm 2020. Riêng quý II/2021, lợi nhuận trước thuế tăng tới 90 lần so với cùng kỳ.
Năm 2020, Thép Nam Kim chỉ đạt gần 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2021, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng và sau 6 tháng đầu năm đã vượt 94% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong đó, tổng sản lượng tiêu thụ trong kỳ đạt 564.000 tấn, tăng 91%; đặc biệt sản lượng xuất khẩu đột biến 176% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 292.000 tấn.
Với mức tăng trưởng trên, Thép Nam Kim là một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao nhất trong ngành thép. Còn so với các đối thủ chính trong ngành như Hòa Phát và Hoa Sen, tốc độ tăng trưởng của Nam Kim gấp hàng chục lần.
Có được kết quả này là nhờ Nam Kim đã tích được lượng lớn nguyên liệu đầu vào HRC ở mức giá thấp, và được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ từ cả thị trường trong và ngoài nước.
Không những vậy, Nam Kim còn được đánh giá là hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu khi là doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu ở mức cao so với các đối thủ trong ngành.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng lợi nhuận của NKG ở Châu Âu và Bắc Mỹ có thể tăng trong quý IV nhờ biến động giá thép và năng lượng có lợi. Chi phí sản xuất thép ở châu Âu đang tăng lên do giá năng lượng cao vì thiếu khí đốt. Điều này khiến các nhà sản xuất thép châu Âu như ArcelorMittal và British Steel áp mức phụ phí năng lượng tạm thời lần lượt là 58 USD và 34 USD cho mỗi tấn thép.
Cuộc khủng hoảng năng lượng có thể sẽ tiếp tục ở khu vực này do nhu cầu thường tăng vào mùa đông. Trong khi đó, giá HRC tại Bắc Mỹ vẫn giữ xu hướng tăng so với tháng trước, trong khi giá giảm nhẹ tại Việt Nam. Điều này khiến chênh lệch giá HRC giữa khu vực này và Việt Nam tăng từ 1.020 USD vào đầu tháng 7 lên 1.285 USD/tấn vào đầu tháng 10.
‘’Với chi phí sản xuất cạnh tranh, NKG có thể đạt biên lợi nhuận gộp cao tại các thị trường này trong 2-3 quý tới’’, VDSC nhận định.
Tại Trung Quốc, việc thiếu điện tại Trung Quốc đã dẫn tới hệ luỵ các ngành thâm dụng điện như ngành thép phải thu hẹp sản xuất. Vì vậy, những nhà xuất khẩu VLXD Việt Nam như Nam Kim đang được hưởng lợi khi quốc gia tỷ dân thiếu hụt vật liệu xây dựng tạm thời.
‘’Trong mảng tôn mạ gồm Hoa Sen và Nam Kim,Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu chủ yếu của hai đơn vị này trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, sản lượng thép tại Trung Quốc thấp hơn có thể gián tiếp giảm áp lực cạnh tranh đối với sản phẩm xuất khẩu của Hoa Sen và Nam Kim. Do đó, hai doanh nghiệp tôn mạ hàng đầu Việt Nam sẽ được hưởng lợi’’, VnDirect nhận định.
Ngoài các yếu tố quốc tế, nhu cầu tôn mạ và ống thép trong nước có thể phục hồi trong quý IV khi hoạt động xây dựng được phép tiếp tục trong tháng 10 tại miền Nam. Sự phục hồi của doanh thu nội địa, vốn đã bắt đầu từ tháng 9 và có thể bật tăng mạnh trong thời gian tới nhờ làn sóng đầu tư công sau đại dịch.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, VDSC ước tính Nam Kim có thể ghi nhận lãi sau thuế kỷ lục 2.900 tỷ đồng trong năm 2021, cao gấp gần 10 lần năm ngoái. Lý do chính là khả năng sinh lời ở thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ có thể cải thiện trong quý IV nhờ diễn biến giá thép và năng lượng thuận lợi.
Chứng khoán VCBS thì ước tính Nam Kim có thể lãi sau thuế 3.092 tỷ đồng trong năm 2021. Sang năm 2022, lợi nhuận có khả năng điều chỉnh giảm còn 2.524 tỷ đồng.
Bên cạnh các yếu tố cơ bản, sự bùng nổ của cổ phiếu NKG trong thời gian cũng một phần đến từ số lượng cổ phiếu được phép tự do chuyển nhượng trên thị trường thấp hơn nhiều so với các mã cùng ngành như HSG và HPG.
Theo dữ liệu của SSI, số cổ phiếu được phép tự do chuyển nhượng của NKG chỉ ở mức 142 triệu đơn vị trong khi HPG lên tới 2,46 tỷ và HSG là 395 triệu đơn vị. Số cổ phiếu ‘’Free Float’’ thấp hơn đồng nghĩa áp lực cung của NKG thấp hơn và ''nhẹ gánh'' tăng giá hơn so với HPG và HSG.
Thực tế, mức thanh khoản khớp lệnh bình quân kể từ đầu năm của NKG chỉ ở mức 5,8 triệu cổ phiếu/phiên ít hơn nhiều so với 11,4 triệu đơn vị/phiên của HSG và 25,8 triệu đơn vị/phiên của HPG.
Quang Diệu
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/yeu-to-nao-giup-co-phieu-nkg-tang-gap-doi-chi-trong-vong-3-thang-a6099.html