Ngân hàng NCB thời Chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương: Lợi nhuận tăng tới 23 lần trong mùa dịch, thu nhập nhân viên tăng 3,4 triệu đồng/tháng

Lợi nhuận hợp nhất sau thuế quý III của NCB đạt gần 64 tỷ, gấp 23 lần cùng kỳ 2020. Thu nhập nhân viên tăng 3,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tới 61,3% nợ xấu của ngân hàng, tăng 5,4% so với đầu năm.

ngan-hang-quoc-dan-ncb-1597138719002726114074-0-88-714-1159-crop-15971387343131992995236-1634224114.jpgẢnh minh họa.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 80 tỷ đồng, gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 64 tỷ, gấp 23 lần. 

Nguyên nhân chính giúp lợi nhuận quý III NCB tăng đột biến là do không phải trích lập các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc (cùng kỳ năm trước phải trích 170 tỷ đồng). 

NCB (tiền thân là NaviBank) từng là một trong 9 tổ chức tín dụng yếu kém phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011. NCB cùng TPBank là 2 đơn vị được chấp thuận đề án tái cấu trúc bằng nguồn lực bản thân. 

Tháng 4/2013, ngân hàng này công bố tập trung tái cấu trúc cơ cấu cổ đông, đa dạng hóa sở hữu, thay đổi chiến lược hoạt động, mô hình tổ chức, quản trị, kinh doanh, quản trị rủi ro. Đồng thời, nhà băng cũng sẽ tiến hành tái cơ cấu nguồn vốn, tài sản và cơ cấu doanh thu chi phí.

Kể từ đó, NCB liên tục phải trích một phần lợi nhuận cho các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc khiến kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng rõ rệt. Đến năm 2020, ngân hàng này thông báo đã tái cấu trúc thành công. Tuy nhiên phải đến quý II năm nay ngân hàng mới dừng trích lợi nhuận cho khoản chi phí này.

Mặt khác, các mảng kinh doanh chính của NCB đều ghi nhận sự khởi sắc trong quý III, đi cùng với việc tiết giảm phí hoạt động giúp lợi nhuận thuần tăng 19,6% lên gần 212 tỷ đồng.

Những ‘’lực đẩy’’ này giúp lợi nhuận quý III tăng trưởng phi mã bất chấp việc phải tăng chí phí dự phòng lên gấp 66 lần cùng kỳ 2020.

Đi sâu vào các mảng kinh doanh, thu nhập lãi thuần của NCB tăng hơn 25% trong quý III nhờ thu nhập từ lãi tăng 4% trong khi chi trả lãi giảm 2,5%. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng gấp 3,3 lần với gần 55 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng hơn 34% lên 12,3 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản thu khác tăng mạnh.

Lũy kế 9 tháng, NCB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 1.216 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 1.088 tỷ đồng, tăng gần 31%; lãi thuần từ dịch vụ đạt 101 tỷ đồng, tăng 254%; lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng 1,2% lên gần 88 tỷ đồng. Riêng hoạt động khác lỗ tới 64,3 tỷ đồng, gấp 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ chi phí hoạt động 685 tỷ, ngân hàng lãi thuần 531 tỷ đồng, tăng gần 45%. Cũng giống như quý III, lợi nhuận 9 tháng NCB tăng mạnh nhờ giảm giảm được 40% các khoản chi phí xử lý theo đề án tái cấu trúc.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế và sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 206 tỷ và 164 tỷ, gấp lần lượt 7,2 lần và 7,8 lần cùng kỳ năm trước.

Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 81.100 tỷ đồng, giảm gần 8.500 tỷ đồng so với cuối năm trước, chủ yếu do giảm mạnh tiền gửi tại NHNN và tại tổ chức tín dụng khác. 

Trong khi đó, cho vay khách hàng của NCB vẫn ghi nhận tăng trưởng 2,5% đạt 41.341 tỷ đồng. Số dư nợ xấu nội bảng tăng 31,5% lên 800 tỷ đồng, phần lớn do nợ nhóm 5 tăng gần 9 lần so với đầu năm lên 434,8 tỷ đồng, chiếm tới 61,3% nợ xấu của ngân hàng, tăng 5,4% so với đầu năm. Qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% cuối năm trước lên 1,94%.

9 tháng đầu năm, lương thưởng cán bộ nhân viên ngân hàng tăng tương đối mạnh. Cụ thể, thu nhập bình quân nhân viên  tăng 22,8% lên 18,3 triệu đồng/tháng từ mức 14,9 triệu đồng/tháng vào cuối năm 2020.

Kết quả kinh doanh của NCB tăng trưởng mạnh trong bối cảnh cấu trúc thượng tầng của nhà băng này vừa có những thay đổi đáng chú ý.

Cụ thể, trong cuộc họp cổ đông bất thường vào chiều ngày 29/7, NCB đã bầu mới 2 thành viên HĐQT là bà Bùi Thị Thanh Hương và bà Trương Lệ Hiền. Cuộc họp HĐQT ngay sau đó đã bầu bà Thanh Hương -Tổng giám đốc Sungroup - làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng. Ông Dũng được luân chuyển xuống đảm nhận vai trò Phó chủ tịch; đồng thời, HĐQT cũng phê duyệt đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT của bà Trần Hải Anh – vợ ông Dũng.

Trước đó, trong tháng 7/2021, cổ phiếu NVB ghi nhận khối lượng lớn được sang tay theo phương thức thỏa thuận với hơn 117 triệu cổ phần đã được trao tay. Số cổ phiếu này có giá trị hơn 2.300 tỷ đồng và tương đương với gần 30% lượng cổ phần lưu hành ngân hàng.

Quang Diệu

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ngan-hang-ncb-thoi-chu-tich-bui-thi-thanh-huong-loi-nhuan-tang-toi-23-lan-trong-mua-dich-thu-nhap-nhan-vien-tang-34-trieu-dongthang-a6053.html