Ngân hàng dồn dập báo lãi ''khủng'', lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ hoạt động cho vay

Một loạt ngân hàng thông báo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với lợi nhuận tăng trưởng hàng chục, hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ 2020. Động lực tăng tăng trưởng lợi nhuận của nhiều nhà băng vẫn chủ yếu đến từ mảng cho vay.

hdbank-gui-tiet-kiem-online-1634441067.jpg

Doanh thu 9 tháng HDBank tăng gần 24%, vượt 12.100 tỷ đồng

Techcombank vừa công bố lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm nay đạt 17.100 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước và tương đương hơn 86% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lãi 9 tháng cao nhất kể từ khi thành lập vào năm 1993.

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 37,9% lên 26.900 tỷ đồng, với cả thu nhập từ lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng hai chữ số. Trong đó, thu nhập từ lãi (NII) đạt 19.500 tỷ đồng, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM - tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,8% trong 12 tháng kết thúc tại thời điểm 30/9/2020).

Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng tài sản Techcombank vào cuối quý III vẫn đạt 542.000 tỷ đồng tăng 34,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 23,2% tính từ đầu năm 2021.

HDBank thông tin sơ bộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021. Theo đó tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 346 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. Dư nợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và nợ tái cơ cấu được kiểm soát tốt.

Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vượt 12.100 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng trong 9 tháng đầu năm, với thu nhập thuần tăng 88,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thu thuần từ dịch vụ tại ngân hàng mẹ đạt gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước nhờ sự khởi sắc của các mảng banca và dịch vụ thanh toán. Chi phí hoạt động được tối ưu hóa với hệ số chi phí/tổng thu nhập hoạt động giảm từ 43,8% tại 30/9/2020 xuống còn 39%.

HDBank ước tính thực hiện trên 82% kế hoạch cả năm sau 9 tháng. ROE đạt 24%, tăng mạnh so với mức 21,1% cùng kỳ năm trước. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với CAR (Basel II) đạt 13%.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, HDBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu chính: Tổng tài sản đạt 399.320 tỷ đồng, tăng 25% so với 2020; huy động vốn đạt 359.851 tỷ đồng, tăng 25%; dư nợ tín dụng lên 236.768 tỷ đồng, tăng 26% so với 2020. HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 25% so với 2020, lên 7.281 tỷ đồng..

ACB cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.968 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt cải thiện từ mức 1,7% và 22,9% lên 2,1% và 25,7%.

Song, tốc độ tăng trưởng cho vay và huy động có sự sụt giám đáng kể. Cụ thể, tăng trưởng tiền gửi của ACB trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 3,6%, thấp hơn mức 4,3% của toàn ngành; tăng trưởng tín dụng khả quan hơn khi đạt 7,5%, nhỉnh hơn mức 7,2% của toàn hệ thống.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của ngân hàng mẹ là 475.505 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 330.743 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng đạt 366.206 tỷ đồng.

TPBank công bố kết quả 9 tháng cho biết lợi nhuận trước thuế đạt 4.350 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch và tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Nếu xét riêng quý III, tốc độ tăng lợi nhuận của TPBank có phần chững lại, đạt khoảng 36%, so với mức tăng 48% trong nửa đầu năm.

Động lực tăng trưởng của ngân hàng này vẫn đến từ hoạt động kinh doanh chính, với tổng thu nhập hoạt động đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý khoảng 15%.

Kienlongbank công bố báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng với lãi trước thuế gấp 6 lần cùng kỳ, đạt 879 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, Ngân hàng Kiên Long ghi nhận lợi nhuận gần chạm tới nghìn tỷ đồng.

Tính riêng trong quý 3, Kienlongbank báo lãi trước thuế tăng 83,33% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 73 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu chính của Kienlongbank đem về khoản lãi tăng 21% so với cùng kỳ (291 tỷ đồng), trong khi lãi từ dịch vụ gấp 2.5 lần (48 tỷ đồng).

Kỳ này, Ngân hàng được hoàn nhập hơn 9 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi kỳ trước trích lập 4.2 tỷ đồng. Kết quả, lũy kế 9 tháng đầu năm, cả thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ đều cho kết quả khả quan khi tăng 92% và gấp 3.3 lần cùng kỳ, đạt lần lượt 1,518 tỷ đồng và 180 tỷ đồng.

NCB ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần trong 9 tháng. Theo đó, lợi nhuận của NCB từ đầu năm đạt hơn 200 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng này báo lãi gần 80 tỷ đồng, gấp 16 lần quý III/2020. Đóng góp cho mức tăng trưởng ấn tượng của NCB chủ yếu là mức nền lợi nhuận thấp của những năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần, "nồi cơm" chính của ngân hàng, tăng hơn 30%, giúp lợi nhuận thuần từ kinh doanh đạt hơn 530 tỷ đồng, tăng gần 45%. Việc trích lập các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc của NCB giảm mạnh, riêng quý III đã không còn ghi nhận, song chi phí dự phòng rủi ro lại tăng lên tương ứng. Tổng mức trích lập trong 9 tháng đạt hơn 320 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ.

SHB báo cáo ghi nhận lợi nhuận 9 tháng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Biên độ tăng, thậm chí, còn cao hơn lũy kế lợi nhuận 6 tháng đầu năm, cho thấy mức tăng trưởng quý III vượt đỉnh.

VIB cũng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với tổng thu nhập hoạt đạt hơn 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.300 tỷ đồng, đều tăng 32% so với cùng kỳ. Với kết quả này, VIB tiếp tục duy trì tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) lên trên 29%, mức cao hàng đầu trong ngành ngân hàng.

Tại OCB, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu thuần của OCB trong quý III/2021 tiếp tục tăng khá mạnh 23,3% so với cùng kỳ, đạt 6.246 tỷ đồng, trong đó thu thuần từ lãi và thu thuần ngoài lãi đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.

Kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ hoạt động cho vay với dư nợ trên thị trường 1 đạt 99.045 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố giúp lợi nhuận của OCB duy trì mức khả quan, theo lãnh đạo ngân hàng là việc tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động (CIR) khi tỷ lệ này giảm từ 31,9% của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 29,1% vào quý III năm nay.

LienVietPostBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 2.802 tỷ đồng, tăng 60% cùng kỳ năm 2020, thực hiện được khoảng 87,5% kế hoạch của cả năm.

Nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận của ngân hàng vẫn đến từ thu nhập lãi thuần khi tăng gần 34% mang về 6.313 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự mở rộng của dư nợ cho vay khách hàng (tăng gần 11% lên 195.830 tỷ đồng). 

Kết thúc 3 quý vừa qua, SeABank báo lãi trước thuế đạt 2.530 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần tăng 84,6% lên gần 3.850 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng dịch vụ và ngoại hối cũng tăng gấp đôi, gấp ba góp phần thúc đẩy lợi nhuận SeABank.

Tương đự, lợi nhuận và doanh thu của ABBank trong 9 tháng cũng tăng gần 70% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 1.556 tỷ đồng, tương đương 78,9% kế hoạch năm. Tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối quý III đạt 75.349 tỷ đồng, hoàn thành 99,97% chỉ tiêu.

Quý Quý

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhieu-ngan-hang-lai-cao-sau-9-thang-cua-nam-2021-a6050.html