Louis Holdings – Chủ tịch Đỗ Thành Nhân mang dòng tiền từ gạo sang đầu tư bất động sản, công nghiệp…
“Trước đây, Louis Land (BII) chỉ có tài sản, nhưng không có tiền đầu tư nên không thể tạo ra dòng tiền. Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng đã nhờ bạn là ông Đỗ Thành Nhân giúp thu xếp vốn để triển khai các dự án đầu tư bất động sản của Louis Land.
Lúc đó, ngành gạo đang mang dòng tiền tốt cho ông Đỗ Thành Nhân và sau khi có sự trợ giúp của ông Đỗ Thành Nhân, Louis Land đã khôi phục được dòng tiền. Một thời gian sau, ông Nguyễn Văn Dũng không làm nữa, quyết định rút lui; còn ông Đỗ Thành Nhân đã đứng ra nhận Louis Land để làm tiếp”, ông Ngô Thục Vũ – Tổng Giám đốc Louis Capital kể về cơ duyên đưa vị Chủ tịch của mình từ ngành gạo sang kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác và tạo nên Louis Holdings như ngày hôm nay.
Để chứng minh Louis Holdings không có động cơ ‘thao túng giá’, trong buổi lễ nhậm chức hôm qua, tân Tổng Giám đốc Nguyễn Mai Long cho rằng: việc Tập đoàn này đầu tư vào các doanh nghiệp trong ‘họ Louis’ là dài hạn chứ không phải ngắn hạn, nên chẳng có lý do gì họ lại ‘tổ lái’ làm giá.
Theo ông Nguyễn Mai Long, Louis Holdings đang định hướng xây dựng và phát triển thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề với hệ sinh thái khép kín, gồm 4 mảng là: lương thực, bất động sản, công nghiệp, đầu tư – M&A từ 2021-2025.
Khi đầu tư vào một doanh nghiệp, ngoài việc rà soát kỹ hoạt động kinh doanh hiện tại, Louis Holdings còn đánh giá tiềm năng trong tương lai của doanh nghiệp đó. Có thể trong ngắn hạn chúng ta chỉ thấy những yếu điểm trước mắt, nhưng Louis Holdings có thể thấy cơ hội lâu dài trong tương lai.
“Việc tham gia vào M&A một doanh nghiệp mới/trong một ngành mới giống như chúng ta đi băng qua một khu rừng, nếu chúng ta chỉ chú trọng nhìn vào những cái cây thì không thể bao quát hết cả khu rừng và có thể mất định hướng.
Tại sao chúng tôi lại chọn BII và TGG, 2 doanh nghiệp có quá khứ và kết quả kinh doanh khiêm tốn ở những năm trước? Vì chúng tôi đánh giá và tự tin có thể tháo gỡ được các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp và khai thác giá trị dài hạn như quỹ đất, các giá trị nội tại khác.
Bên cạnh đó, Angimex không hề là công ty nhỏ. Với bề dày 45 năm lịch sử và đứng top doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả nước. Angimex đã từng mang danh xưng ‘vua gạo’ xứ An Giang hay tượng đài ngành lương thực miền Tây.
Còn Sametel hay cáp nhựa Vĩnh Khánh là cái tên quá quen thuộc trong làng cáp điện và viễn thông có giá trị kinh doanh cốt lõi bền vững, một số khó khăn về thị trường hiện nay của hai công ty này là nhất thời”, ông Nguyễn Mai Long bày tỏ.
Về TTG: tiền thân của Louis Capital là Công ty Xây dựng Trường Giang. Lúc Louis Holdings mua, thì Trường Giang đang bị kiểm soát do nguồn thu từ hoạt động xây dựng không có. Sau đó Tập đoàn này đến và đổi tên thành Louis Capital, rồi tái cơ cấu để tạo ra dòng tiền ngắn hạn và dài hạn.
Về ngắn hạn: TGG sẽ tìm kiếm cơ hội ở thị trường như đầu tư chứng khoán và kiếm lời từ chênh lệch giá cổ phiếu. Về dài hạn: TGG sẽ tìm kiếm danh mục đầu tư, tư vấn tái cấu trúc để nâng giá trị doanh nghiệp – phát triển bền vững, khiến cổ phiếu tăng giá mang về lợi tức cũng như nhiều lợi ích khác nhau.
Ngoài ra, Louis Capital còn hoạt động trong lĩnh vực mua bán nợ, tìm cơ hội M&A với các công ty trong ngành bất động sản cùng lương thực.
“Chúng tôi sẽ cố gắng đạt tỷ lệ sở hữu không thấp hơn 70% cổ phần của Công ty cổ phần Louis Capital, nắm quyền chi phối Angimex và Louis Land. Chúng tôi luôn cố đầu tư dài hạn khi vào bất cứ công ty nào, nhưng nhiều trường hợp không như ý – ví dụ cổ phiếu quá cao không thể mua nhiều hay đầu tư một thời gian không hiệu quả sẽ rút.
Vậy nên, chúng tôi không thể tiết lộ cụ thể mình đã chi bao nhiêu tiền cho đầu tư ngắn hạn và bao nhiêu cho đầu tư dài hạn; vì nó sẽ biến động theo từng ngày, từng tháng”, Tổng Giám đốc Louis Holdings cho hay.
Louis Holdings luôn nói muốn đầu tư dài hạn vào Angimex (AGM), nhưng trên thực tế, họ cũng từng đầu tư ngắn hạn vào đây, đợi giá cổ phiếu lên rồi bán ra nhanh thu lợi nhuận.
Ông Nguyễn Mai Long cho biết: AGM là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Louis Holdings. Cơ hội đầu từ vào AGM khi họ quan sát thấy giá trị cổ phiếu của AGM giảm thấp hơn so với giá trị mua vào (của nhóm cổ đông lớn vào ngày 27/5/2021). Họ đã có được được quyết định đúng và mang lại lợi nhuận không nhỏ cho TGG ngay trong quý III/2021.
Phát triển đa ngành kiểu dựa nhiều vào ngoại lực của Louis Holdings
Còn theo ông Ngô Thục Vũ – Tổng Giám đốc Louis Capital, hiện Tập đoàn này có 2 cổ đông chính là ông Vũ Ngọc Long – nguyên Tổng Giám đốc (sở hữu 27% cổ phần) và Chủ tịch Đỗ Thành Nhân (hơn 20% cổ phần); thêm 80 đến 90 cổ đông nhỏ khác.
Năm 2021, họ sẽ tăng vốn với tỷ lệ 1:1 bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư hiện hữu và nhà đầu tư mới, nên con số cổ đông có thể vượt lên 100 người; tạo tiền đề để Louis Holdings IPO, trở thành công ty đại chúng. Theo đó, vốn điều lệ của Louis Holdings có thể tăng từ 652 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng.
Trong các công ty con chủ chốt của Louis Holdings, ngoài dòng tiền từ Louis Rice và phần nào đó từ Louis Capital, phần còn lại đều đang chờ ‘ngốn tiền’ – ví dụ như mảng bất động sản hoặc công nghiệp.
“Dân gian có câu ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’. Điều đó rất đúng với tập đoàn còn non trẻ như Louis Holdings chúng tôi.
Trong định hướng phát triển của Tập đoàn, khó khăn của chúng tôi không chỉ là vốn mà còn là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay chúng tôi đang tập trung thu hút những ứng viên, các chuyên gia có đủ năng lực trong lĩnh vực liên quan để phát triển Tập đoàn theo hướng cơ bản và bền vững.
Bên cạnh đó Louis Holdings đang chủ động kết nối các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư trong ngoài nước nhằm chia sẻ cơ hội và tập trung nguồn lực để có thể cùng thực hiện các dự án và cơ hội kinh doanh mới.
Trong kinh doanh, chúng tôi không thể chắc chắn mọi kế hoạch đã hoạch định đều đi đúng lộ trình. Tuy nhiên, một khi có khó khăn hoặc tình huống bất ngờ, chúng tôi tin tưởng với đội ngũ nhân sự có năng lực và phương án đầu tư chặt chẽ, chúng tôi đủ khả năng điều chỉnh và quản lý dự án hiệu quả”, tân Tổng Giám đốc Louis Holdings nói về cách thực hiện chiến lược đa ngành của doanh nghiệp.
Ví dụ: Louis Land (BII) chỉ có vốn điều lệ chưa tới 600 tỷ đồng, doanh thu chưa bao giờ trên trăm tỷ đồng mỗi năm. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, Louis Land đã trở thành cổ đông lớn ở nhiều công ty như Thuduc House, Mỹ Tân… Ngoài ra, Louis Land đang có 5 dự án hợp tác dự tính tham gia cần Công ty góp trên 4.400 tỷ đồng.
Bài giải của Louis Holdings về ‘nan đề’ này: Sau khi tham gia đầu tư vào BII, họ đã thực hiện tái cấu trúc toàn diện và định hướng lại chiến lược phát triển cho doanh nghiệp. Vấn đề hiện tại của Louis Land là không nằm ở việc có “tiền tươi” hay không, mà quan trọng là phải có năng lực phát triển dự án và khả năng quản lý dòng tiền!
Tóm lại, Louis Holdings đang vẽ ra rất nhiều dự án và lĩnh vực đầu tư, nhưng nội lực – cả nguồn vốn lẫn nhân lực họ đều rất hạn chế; giải pháp mà Tập đoàn này đưa ra là thiếu chỗ nào thì đi kêu gọi hoặc thuê chỗ đó! Với Louis Holdings, phát triển đa ngành trông chẳng có nhiều khó khăn!
Còn thực tế thị trường cho thấy, phát triển đa ngành không dễ. Ví dụ như Tân Á Đại Thành, sau hơn 10 năm phát triển phụ trợ cho ngành nước, họ mới quyết định sang lĩnh vực bất động sản.
Hoặc như Bamboo Capital, họ cũng quyết định đa ngành gần đây, lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo; tuy nhiên, dù sao thì họ đã có nguồn lực và kinh nghiệm cơ bản trước đó, với công ty xây dựng Tracodi và thương mại Nguyễn Hoàng, đồng thời từng đầu tư vào nhiều dự án khác nhau.
Hơn nữa, việc thuê một Chuyên gia đầu tư – tài chính như ông Nguyễn Mai Long về làm Tổng Giám đốc – điều hành tất cả công việc kinh doanh của Louis Holdings là một quyết định hết sức khó hiểu.
Sa Mộc