Thấy gì từ đợt thoái vốn nghìn tỷ của KKR tại Vinhomes, Masan MEATLife?

Viking Asia Holdings II Pte.Ltd đã hoàn tất bán ra 31,96 triệu cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes vào tháng 9. Trong khi một quỹ khác thuộc KKR cũng sẽ thoái toàn bộ 7,1% cổ phần đang nắm giữ tại Masan MEATLife.

photo1617676650737-16176766508761222330429-1633683050.jpgẢnh minh họa.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa chứng kiến hai thương vụ thoái vốn đáng chú ý của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinhomes và Masan MEATLife, với khối lượng bán ra hàng chục triệu đơn vị ở vùng giá cao lịch sử.

Cụ thể, Viking Asia Holdings II Pte.Ltd, quỹ đầu tư thuộc Kohlberg Kravis Roberts (KKR) đã hoàn tất bán ra 31,96 triệu cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,5% xuống 4,6% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn của công ty bất động sản này.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 19/8 đến ngày 14/9 qua phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Ước tính tại mức giá bình quân trong thời gian diễn ra giao dịch là khoảng 108.000 đồng/đơn vị, KKR đã thu về hơn 3.450 tỷ đồng từ giao dịch trên.

Trước khi thoái vốn, KKR sở hữu hơn 185,8 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 5,5% vốn Vinhomes và là cổ đông lớn thứ ba của công ty bất động sản này sau Tập đoàn Vingroup (69,66%) và quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore - Government of Singapore (GIC) - sở hữu 5,74%.

Số cổ phần trên đã được nhóm KKR mua thỏa thuận hồi tháng 6/2020 với giá 75.000 đồng/cp. Như vậy so với mức giá khớp lệnh trung bình, KKR có thể thu về khoản lãi 1.050 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận 44% sau hơn một năm nắm giữ.

Sau khi ‘chốt lời’ một phần vốn góp tại Vinhomes, KKR tiếp tục đăng ký bán hơn 23,16 triệu cổ phiếu CTCP Masan MEATLife thông qua quỹ VN Consumer Meat II.

Đây là toàn bộ số cổ phiếu MML do VN Consumer Meat II nắm giữ, tương đương 7,1% vốn điều lệ Masan MEATLife. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thoả thuận, dự kiến từ 11/10/2021 đến 9/11/2021.

Theo Masan Group, việc KKR thoái vốn tại Masan MEATLife được cho là nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. 

Cổ phiếu MML hiện đang ở vùng giá cao nhất lịch sử 96.000 đồng. Ước tính theo mức giá này, KKR sẽ thu về khoảng 2.200 tỷ đồng (tương đương 96 triệu USD). 

z2829009696589-ae4e1a6de6e862362c63ac9a3b03618c-1633688420.jpgDiễn biến cổ phiếu Masan MEATLife (MML).

Trước đó, vào tháng 4/2017, KKR đã rót 250 triệu USD và Masan Group bao gồm 150 triệu USD đầu tư vào Masan Nutri- Science (tiền thân của Masan MEATLife) để sở hữu 7,5% cổ phần, và 100 triệu USD mua lại cổ phần Masan Group từ PENM Partners, công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân của Đan Mạch.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, khoản đầu tư của KKR vào Masan MEATLife đã lỗ hơn 54 triệu USD, tương đương 36% sau 4 năm rưỡi đầu tư.

Động thái rút vốn của của KRR tại hai đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản và thực phẩm khá tương đồng với xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước trên thị trường chứng khoán.

Theo số liệu thông kê trên sàn HOSE, trong 9 tháng đầu năm 2021, khối ngoại bán ròng 41.077 tỷ đồng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm 2020; gấp 2,6 lần so với cả năm 2020 (15.740 tỷ đồng)

Riêng tháng 9, đà bán ròng của khối ngoại được đẩy mạnh với 18/20 phiên bán ròng xuyên suốt với lực bán liên tục tập trung vào nhóm cổ phiếu họ Vin gồm VIC (-2.304 tỷ đồng hay -100 triệu USD) và VHM (-1.783 tỷ đồng hay -78 triệu USD), chiếm 49%. Tiếp theo là MSN với giá trị bán ròng 1.047 tỷ đồng, HPG là 1.031 tỷ đồng.

Theo SSI Research, dòng tiền đầu tư có xu hướng tiêu cực trong thời gian qua khi sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút đến từ nhiều lý do khách quan và chủ quan. 

Cụ thể, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong suốt 2 tháng qua (xuất khẩu tháng 8 giảm 1,7%, trong khi xuất khẩu tháng 8 của các quốc gia trong khu vực đều tăng trưởng 2 chữ số). Thêm vào đó, dòng tiền hiện tại đang chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu thô, than đá,… do vậy Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn của khối ngoại trong giai đoạn này.

Đồng quan điểm, Chứng khoán KB cho rằng do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu tiếp tục dịch chuyển sang các thị trường phát triển đang dần tái mở cửa nền kinh tế. Bên cạnh đó, lo ngại FED bắt đầu giảm chương trình mua tài sản và phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất khi kinh tế phục hồi tốt, đồng USD mạnh lên cũng là nguyên nhân làm giảm bớt sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam. 

Trong khi Chứng khoán Rồng Việt nhận định tình hình vĩ mô không khả quan (GDP tăng trưởng âm) khi Việt Nam thực hiện giãn cách hết tháng 9 đã tạo áp lực tâm lý lên khối ngoại. 

Ngoài ra, VDSC cũng đề cập tới khả năng rút vốn trong ngắn hạn của nhà đầu tư Hàn Quốc. Theo quan điểm của nhóm phân tích, việc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nâng lãi suất và lo ngại về sự nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam là những nguyên nhân chính giải thích cho việc các nhà đầu tư Hàn Quốc bán cổ phiếu tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, vào ngày 26/8, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất cơ bản từ mức thấp kỷ lục 0,5% lên 0,75% để cân bằng giữa tác động của dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành và những rủi ro đối với nền kinh tế như lạm phát cao.

Do đó, điều này làm tăng giá đồng Won của Hàn Quốc so với USD và gián tiếp lên Việt Nam đồng, dẫn đến khả năng rút vốn từ Việt Nam về Hàn Quốc trong ngắn hạn. Hơn nữa, nỗi lo về làn sóng Covid-19 thứ tư cũng đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài.

Quốc Thụy

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thay-gi-tu-dot-thoai-von-nghin-ty-cua-kkr-tai-vinhomes-masan-meatlife-a5948.html