Các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm thành lập trung tâm tài chính

Trước tham vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM, các chuyên gia tài chính quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia.

Chia sẻ trong Diễn đàn Kinh tế TP.HCM chiều ngày 18.10.2019, các chuyên gia tài chính, kinh tế, startup công nghệ trong và ngoài nước cùng bàn về chủ đề xây dựng hệ sinh thái cho trung tâm tài chính.

Các chuyên gia cho rằng, áp lực cho thành phố nằm ở chỗ luật pháp ở cấp quốc gia sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động thực hiện ở TP.HCM, đặc biệt là những ngành mới ví dụ như fintech (tài chính công nghệ). “Tôi muốn khuyến nghị, chúng ta không phải thay đổi toàn bộ hệ thống mà có thể làm mọi thứ nhanh hơn bằng cách tạo ra các bộ quy định riêng phục vụ cho việc chuyển đổi số”, ông Rolfe nói. Ông Dean Rolfe cũng từng là một trong những thành viên tham gia vào quá trình phát triển của thị trường tài chính Dubai, lĩnh vực thuế.

Ông Rolfe dẫn chứng, Dubai là một thành phố và đồng thời là một trong bảy tiểu vương quốc của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, nằm ở phía Nam của vịnh Ba Tư thuộc bán đảo Ả Rập, với dân số chủ yếu theo đạo Hồi. Tại đây, luật của người Hồi giáo không cho phép các hoạt động cho vay. Vì vậy để có thể trở thành một trung tâm tài chính, Dubai đã tự tạo ra một hệ thống hoàn toàn khác biệt, sửa đổi hiến pháp của Tiểu vương quốc Ả Rập để áp dụng riêng. Họ sửa lại hệ thống thuế và khuôn khổ pháp lý bằng việc tham khảo các quốc gia như Hong Kong. Sau đó, họ tham vấn toàn diện và xây các hệ thống pháp lý về định chế để tạo ra hệ thống tư pháp hoàn toàn khác với các quốc gia. “Chúng ta phải cung cấp được sự rõ ràng và chắc chắn trong hệ thống pháp lý, đặc biệt là thuế”, ông Rolfe nhận định.

Các chuyên gia tài chính quốc tế cùng trao đổi với lãnh đạo TP.HCM về việc xây dựng hệ sinh thái cho trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh: Dâng Phạm
Các chuyên gia tài chính quốc tế cùng trao đổi với lãnh đạo TP.HCM về việc xây dựng hệ sinh thái cho trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh: Dâng Phạm


Tiến sĩ Hee Jin Noh, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán, chứng khoán SK nhận định, “để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì cần có sự thông thoáng của dòng tiền”. Theo tiến sĩ Jin, việc được phép chuyển phần tiền vốn và lợi nhuận về quốc gia khác sẽ khiến các nhà đầu tư mong muốn đầu tư nhiều hơn.

Ông Jin cũng cho rằng những chính sách vĩ mô thường gặp khó khăn trong việc duy trì. Với kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường vốn cho biết, dự án xây dựng trung tâm tài chính đòi hỏi phải kiên trì và theo đường dài vì đa phần những dự án như vậy không được duy trì sau nhiều nhiệm kì.

Tiến sĩ Jin nhận định, hệ thống tài chính nên được sang hệ thống cơ chế thị trường hoàn toàn và phản ánh theo hệ thống pháp lý. Nhờ vậy mà hệ thống của Mỹ hay Anh trở nên minh bạch hơn, có hiệu suất cao và việc phân bố vốn và rủi ro cho các tác nhân thị trường sẽ hợp lý hơn. Theo ông Jin, trong thị trường vốn, các nhà đầu tư sẽ xem xét và phân bổ đồng tiền mà họ có.

Ông Jin đề xuất, Việt Nam cần có chính sách phù hợp trên phương diện chính trị, phát triển đồng thời hệ thống ngân hàng, hệ thống thị trường vốn, và tạo điều kiện nhiều hơn để ngân hàng cũng có thể tham gia sâu hơn vào thị trường vốn.

Theo ý kiến của ông Darryl Dong, chuyên gia tài chính cấp cao của IFC, “các thị trường hàng đầu sẽ lắng nghe những người sử dụng dịch vụ muốn gì, muốn sửa chữa vấn đề gì để đáp ứng cho khách hàng các sản phẩm phù hợp”.Theo ông Dong, các trung tâm tài chính trên thế giới có tính tuần hoàn, vững vàng, tự vận hành dựa theo nguyên tắc cung cầu. Ông cho rằng, việc chuyển đổi tầm nhìn thành thực tế, phải cho thị trường thấy có sáng kiến chiến lược, và có những chính sách khả thi, tính minh bạch, tính hiệu suất.

Các trung tâm tài chính quốc tế cũng vận dụng các chương trình hỗ trợ tài chính công. Chính phủ phải có vai trò dẫn dắt để xác định kì vọng của thị trường, cho những điều hình thành, ông Dong nói. Ngoài ra, nguồn vốn ngày nay đi vào-ra rất năng động. Do đó, để thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM không chỉ phục vụ cho quốc gia mà cần hướng đến giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Bài học từ các trung tâm tài chính quốc tế thế giới cho thấy, các quốc gia có trung tâm tài chính quốc tế như Hong Kong, Dubai, hay Singapore đều có nền kinh tế mở, theo ông Urs Buchmann, Phó Giám đốc Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse AG, chi nhánh Hong Kong. Dòng tiền trung chuyển được tạo điều kiện tự do hóa. 

Ông Buchmann cho biết thêm, trung tâm tài chính đóng góp rất tốt cho nền kinh tế quốc gia. Ví dụ như Singapore, từ nền kinh tế nhỏ, sau hai thế hệ đã trở thành trung tâm quản lý tài sản hàng đầu trong khu vực châu Á. Điều này cũng tương tự như với Hong Kong. “Trung tâm tài chính quốc tế cần có cơ sở hạ tầng và năng lực để cung cấp dịch vụ cho khách hàng quốc tế”, ông Buchmann nói. 

Ngành tài chính càng mở và càng minh bạch sẽ càng tạo sự khác biệt, điều này cũng đã giúp ngân hàng của Thụy Sĩ phát triển, ông chia sẻ. Khung pháp lý rõ ràng, thống nhất từ trên xuống dưới giúp cho nhà đầu tư có thể tiên liệu trước những hệ lụy từ các quyết định đầu tư của họ, ông nói.

Dâng Phạm


dang.pham

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cac-chuyen-gia-quoc-te-chia-se-kinh-nghiem-thanh-lap-trung-tam-tai-chinh-a592.html