Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư 35 triệu USD xây dựng dự án nghiên cứu, chế tạo robot, UAV,... tại Đà Nẵng

Dự án này được Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 2-2021 với tổng vốn đầu tư là 35 triệu đô la, trở thành dự án thứ 7 đến từ Nhật Bản đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

z2316699239828-715810c178a874865326dce1fe11f8d8-1024x815-1633423563.jpgPhối cảnh tổng thể tòa nhà Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển (R&D Center) và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng.

Với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD, quy mô triển khai dự án trên diện tích 3,3ha tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, dự án thực hiện nghiên cứu – phát triển – sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm các thế hệ robot khác nhau với trí tuệ nhân tạo (AI), máy bay không người lái tự động với trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị y tế và thiết bị môi trường, năng lượng mới của Hydrogen.

Dự án cũng nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết bị y tế, sản xuất mẫu (thử nghiệm) và sản xuất thiết bị không người lái, robot, thiết bị y tế nhằm mục đích thương mại sản phẩm và công nghệ sau khi nghiên cứu phát triển.

Nhà đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành công trình và đi vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất từ tháng 6-2022 đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Tập đoàn Fujikin đầu tư vào Việt Nam. Công ty TNHH Fujkin Đà Nẵng cũng sẽ xúc tiến thu hút nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao về thành phố Đà Nẵng, góp phần nâng cao các hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn.

Fujikin được thành lập vào năm 1930, là nhà đầu tư đến từ thị trường Nhật Bản, là nhà sản xuất hàng đầu về sản phẩm công nghệ cao sử dụng trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Doanh thu năm 2019 đạt 92 tỷ Yên tương đương với 876 triệu USD với 3.900 nhân công.

Đặc biệt, dự án nghiên cứu – phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao này có sự tham gia của Giáo sư Amano Hiroshi (Đại học Nagoya), người giành giải thưởng Nobel Vật lý năm 2014, về công trình nghiên cứu đèn LED.

Giáo sư đã tham gia nghiên cứu và phát triển hệ thống lọc nước bằng ứng dụng đèn LED tia UV sâu (được phát triển lần đầu tiên vào năm 2015), thay thế cho công nghệ đèn Harogen. Ông cũng là người đã nghiên cứu phát triển hệ thống truyền điện không dây được sử dụng trong các nghiên cứu và phát triển Máy bay không người lái.

GS. Hiroshi Amano, Đại học Nagoya, Giải thưởng Nobel Vật lý 2014.

Tháng 11/2020, Giáo sư Amano Hiroshi cùng Tổng Giám đốc Tập đoàn Fujikin Nojima đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có GSTS.Bùi Văn Ga (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Công nghệ Đại học Đà nẵng) và cán bộ, giảng viên, giới nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng.

GS. Hiroshi Amano, ĐH Nagoya đã chia sẻ nhiều thông tin mới, kết quả nghiên cứu khoa học về ứng dụng tia UV để sát khuẩn Covid-19, sáng chế ô tô điện.

Trong 09 tháng đầu năm 2021, Khu CNC, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút được 17 dự án, trong đó: 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 145,33 triệu USD và 13 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 544,4 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, Khu CNC, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp đã thu hút được 503 dự án; trong đó có 373 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 27.563 tỷ đồng và 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,854 tỷ USD.

Minh Thảo

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-dau-tu-35-trieu-usd-xay-dung-du-an-nghien-cuu-che-tao-robot-uav-tai-da-nang-a5896.html