Ông Lê Trí Thông sinh năm 1979 trong một gia đình “trâm anh thế phiệt” chính hiệu. Ông được biết đến là con ruột của ông Lê Văn Trí - người từng là Phó tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina). Ông Lê Văn Trí đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc Casumina từ khi doanh nghiệp được cổ phần hóa năm 2006 rồi nghỉ hưu vào ngày 11/03/2013.
Lê Trí Thông tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM với chuyên ngành hóa học vào năm 2002. Sau đó, ông tiếp tục theo học cao học trong nước. Năm 2005, ông Thông nhận được học bổng của Đại học Oxford, Anh. Ông được cấp học bổng toàn phần Naomi Molson Scholar dành cho sinh viên xuất sắc. Ông chia sẻ được bạn bè cùng lớp đặt biệt danh là “baby MBA” vì là sinh viên trẻ tuổi nhất của chương trình thạc sỹ kinh doanh.
Ông Lê Trí Thông chia sẻ rằng MBA đã mở ra cho ông một bầu trời rất khác đặc biệt là cách tiếp cận vấn đề. Ông Thông cho rằng: “Có những lý thuyết học được ở trường, tới ngày hôm nay chỉ đúng khoảng 30% tình huống. Còn lại 70% tình huống thì cần có một lý thuyết khác hay phiên bản khác của lý thuyết!”. Sau khi hoàn tất khóa học MBA tại Anh, ông Thông làm ở tập đoàn Exxon Mobil trong một thời gian ngắn rồi về nước.
Ông Lê Trí Thông còn có một người em ruột rất tài năng - Lê Diệp Kiều Trang. Em gái ông từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các công ty lớn có tiếng như: Giám đốc Facebook Việt Nam, Tổng giám đốc Go-viet, Tổng giám đốc Fossil Việt Nam... Cô còn được mệnh danh là “cô gái vàng” trong làng startup. Hiện tại, Lê Diệp Kiều Trang đang là Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của Avero Việt Nam - một startup xe đạp in 3D.
Năm 2007, ông Lê Trí Thông trở thành Tổng giám đốc Công ty cổ phần TIE - một công ty phân phối về điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông. Mối lương duyên với DongABank bắt đầu khi ông được mời đóng góp những ý tưởng để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tại ngân hàng này.
Năm 2008, ông Lê Trí Thông gia nhập DongABank khi vừa tròn 29 tuổi với tư cách “người được chọn”. Ông nhanh chóng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của ngân hàng này rồi trở thành Phó tổng giám đốc DongABank vào năm 2012. Thời gian này, ông còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty Kiều hối Đông Á và Công ty Cổ phần Thẻ thông minh Vina - V.N.B.C.
Cứ tưởng ông Thông sẽ gắn bó lâu dài với DongABank khi là “người được chọn” để thay thế vị trí Tổng giám đốc của ông Trần Phương Bình. Tuy nhiên, ngày 15/02/2014, ông Lê Bá Thông bất ngờ thôi chức Phó tổng giám đốc ngân hàng này để về làm việc cho Tập đoàn Tư vấn quản trị chiến lược The Boston Consulting Group (BCG) với cùng chức danh Phó tổng giám đốc. Sau này, ông Thông còn làm Phó Tổng giám đốc chiến lược của Prudential Vietnam.
Thời gian ông Thông làm việc ở DongABank cũng có thể coi là giai đoạn làm ăn khấm khá của ngân hàng này. Giai đoạn năm 2006-2011, DongABank có hoạt động kinh doanh rất tốt cũng như luôn đạt tăng trưởng cao. Năm 2011, doanh thu của ngân hàng này đạt mức 2.467 tỷ đồng, tăng 79,5% so với năm 2011, lợi nhuận ròng cũng tăng 44%, đạt mức 947 tỷ đồng. Vì thế, cổ tức chi trả cho cổ đông cũng liên tục duy trì ở mức hai cao số, cao nhất có thể lên đến 21% ở năm 2008.
Tuy nhiên cũng chính giai đoạn 2008-2012 đã hình thành những bước đi mạo hiểm, lệch hướng của ban lãnh đạo. Cơn sốt bất động sản nổ ra, người người nhà nhà đổ tiền vào bất động sản và DongABank cũng không ngoại lệ. Để đẩy mạnh tín dụng, ngân hàng này đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực bất động sản. Đây là nguyên nhân khiến ngân hàng này tụt dốc trầm trọng.
Nợ xấu của DongABank tăng lên một cách chóng mặt, từ 1,69% ở năm 2011 lên 3,99% tại năm 2013. Ngân hàng này không công bố nợ xấu vào năm 2014, nhưng tỷ lệ này được dự đoán là một con số “khó mà tưởng tượng được”. Nợ xấu tăng dẫn đến tình hình hoạt động kinh doanh không khả quan, lợi nhuận liên tục giảm và chỉ đạt 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính năm 2014 cho thấy DongABank phải để lại 26.520 tỷ đồng để dự phòng thanh khoản và cho dự trữ bắt buộc.
Chỉ trong vòng 1 năm sau khi ông Lê Trí Thông rời đi, những vấn đề tiêu cực của DongABank dần dần được hé lộ. Tháng 08/ 2015, DongABank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời tất cả cổ phiếu OTC DongABank bị ngừng giao dịch.
Đến cuối năm 2016, Chủ tịch HĐQT - Trần Phương Bình và một số cán bộ khác bị bắt. Ông Trần Phương Bình đã vi phạm về hoạt động cho vay gây thiệt hại cho DongABank hơn 8.000 tỷ đồng. Cụ thể, ông đã dùng quyền hạn nâng khống các tài sản đảm bảo cho 4 nhóm khách hàng: Hiệp Phú Gia - TTC, Đồng Tiến, Tân Vạn Hưng và M&C.
Tháng 04/2017, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), ông Lê Trí Thông được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.
Bà Cao Thị Ngọc Dung đã gắn bó với PNJ từ những năm PNJ mới thành lập. Bà Dung chia sẻ đã có ý định và chuẩn bị cho việc tìm người thay thế vị trí CEO từ những năm 2009 - 2010. Người được chọn đầu tiên cho vị trí này là ông Nguyễn Tuấn Quỳnh. Ông Quỳnh giữ chức Phó tổng giám đốc CTCP Gas Sài gòn từ năm 2005 và có bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Công nghệ Paramount (Hoa Kỳ). Năm 2017, sau 3 năm đào tạo nhân sự một cách bài bản, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh xin rút khỏi HĐQT với lý do cá nhân. Lúc này, ông Lê Trí Thông là gương mặt mới của HĐQT.
Ứng cử viên tiếp theo cho vị trí CEO là Phó tổng giám đốc PNJ phụ trách kinh doanh thời điểm này - ông Lê Hữu Hạnh. Bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ: “Theo kế hoạch, năm 2018 - kỷ niệm 30 năm thành lập công ty, chúng tôi sẽ quyết định chuyển giao cho nhân sự nào, thì một đêm anh Hạnh viết cho tôi một lá thư, trong đó viết rằng “Dù chị giận em, em cũng phải nói một điều. Em đề nghị chị phải quy hoạch anh Thông, em xin rút lui khỏi vị trí được quy hoạch””.
Đến ngày 21/04/2018, ông Thông chính thức giữ chức Tổng giám đốc của PNJ thay cho bà Cao Thị Ngọc Dung. Năm 2019, ông nhận được giải thưởng sen đỏ dành cho Top 10 doanh nhân trẻ xuất sắc tại Việt Nam.
DongABank có một mối liên quan mật thiết đến PNJ thể hiện ở nhiều khoản đầu tư, cho vay. Ông Trần Phương Bình - nguyên Chủ tịch DongABank là chồng của bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT của PNJ. Bà Dung cũng từng là Chủ tịch HĐQT của DongABank từ năm 1992-1997. Thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongABank.
Đến nay, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận là cổ đông lớn thứ hai tại DongABank, nắm giữ 7,7% cổ phần. Ngoài ra, ông Trần Phương Bình, bà Cao Thị Ngọc Dung cùng với ba cô con gái là Trần Phương Ngọc Giao, Trần Phương Ngọc Hà và Trần Phương Ngọc Thảo đang sở hữu tổng cộng 9/62% cổ phần tại ngân hàng này.
Là “người kế nhiệm” bà Cao Thị Ngọc Dung, lớp kế thừa trẻ như ông Lê Trí Thông có thể phải mang trên mình một áp lực rất lớn. Bà Dung luôn có một vai trò rất quan trọng và là người đã lèo lái PNJ vượt qua nhiều giai đoạn “sóng gió”.
Năm 2012, cú sốc kinh doanh vàng miếng nổ ra, doanh thu của PNJ lao dốc không phanh từ 18.000 tỷ đồng ở năm 2011 xuống chỉ còn 6.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu mảng vàng miếng giảm 70%. Đến năm 2015, PNJ còn phải chịu nhiều thiệt hại đến từ các khoản đầu tư vào DongABank.
Báo cáo tài chính quý II/2015 của PNJ có trích lập dự phòng 55 tỷ cho khoản đầu tư vào nhà băng này và lãi suất sau thuế hợp nhất 6 tháng là 175 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi DongABank bị kiểm soát đặc biệt bởi ngân hàng nhà nước, khoản trích lập dự phòng tăng từ 55 tỷ lên 141 tỷ đồng, kéo theo đó là lợi nhuận sau thuế giảm chỉ còn 107 tỷ đồng (giảm 26% so với cùng kỳ năm trước). Đến năm 2017, báo cáo tài chính quý III của PNJ đã thể hiện trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào DongABank là hơn 395 tỷ đồng (100% khoản đầu tư).
Năm 2016, PNJ bước đầu chuyển đổi mô hình từ kinh doanh vàng miếng sang bán lẻ vàng trang sức. Kết quả thu được là lãi gộp gấp 7 lần Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), tuy doanh thu chỉ bằng khoảng 40% SJC. Doanh thu của PNJ năm 2017 đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế là 725 tỷ, tăng 61% so với năm 2016.
Ông Lê Trí Thông cùng với ban lãnh đạo PNJ tái định vị chiến lược, đặc mục tiêu biến PNJ trở thành một nhà bán lẻ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, PNJ còn thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng, xây dựng sự gắn bó và tin tưởng của khách hàng để họ trở thành người tiêu dùng thân thiết.
Ông Thông cho rằng, muốn chuyển đổi một mô hình hoạt động của doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc chuyển hóa nhận sự. PNJ đã thực hiện nhiều hoạt động đào tạo nâng cao kỹ năng cho nhân viên, biến nhân viên của mình thành các nhà tư vấn thời trang thực thụ. CEO Lê Trí Thông còn xây dựng các buổi đào tạo với các tình huống thực tế cho các vị trí quản lý từ cấp trung trở lên nhằm giúp họ thay đổi nhận thức, đáp ứng với mô hình kinh doanh dịch vụ.
Ngoài ra, CEO của PNJ rất chú trọng thúc đẩy quá trình số hóa nhằm mở rộng mạng lưới và hoàn thiện mô hình bán hàng đa kênh. Năm 2019, PNJ trở thành nhà bán lẻ số 1 ngành kim hoàn Châu Á. Cũng trong năm này, tốc độ tăng trưởng ở mảng E Commerce của PNJ lên đến 3 con số/ năm. Người tiêu dùng của PNJ tìm kiếm trước thông tin trên website, không gian digital rồi mới đến cửa hàng.
Ông Lê Bá Thông chia sẻ: “Tôi hạnh phúc nhất bởi những định hướng về chuyển đổi công ty đã được thực thi và bắt đầu cho trái ngọt. Dĩ nhiên, trong quá trình triển khai, sẽ có những va chạm, tuy không dữ dội nhưng vẫn có những rung lắc nhất định –rung lắc đủ nhẹ để PNJ vẫn tiến về phía trước. Đặc biệt khi mọi người đã và vẫn đặt niềm tin vào một PNJ đang đi tới với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ”.
Sau hơn 33 năm hình thành và phát triển, PNJ hiện có 343 cửa hàng (tính đến tháng 05/2021) và 6.233 nhân viên (tính đến 06/2021). Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2021, doanh thu của PNJ đạt 11.748 tỷ đồng, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 735 tỷ đồng, tăng 67,4% so với cùng kỳ.
Nguyên Thảo