Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm có chính sách kích thích kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nội dung quan trọng khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, diễn ra sáng 2/10 tại trụ sở Chính phủ. Trong đó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu sớm có chính sách kích thích kinh tế có hiệu quả, bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.

ttg-phat-bieu-5-1633165393.jpg

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hai chiến lược lớn, sớm có chính sách kích thích kinh tế

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng chia sẻ, tình hình kinh tế và đời sống nhân dân rất khó khăn, GDP quý III giảm 6,17%, GDP 9 tháng tăng 1,42% so với cùng kỳ. Hầu hết các ngành đều suy giảm trong quý III, tổng cầu suy yếu mạnh, giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, tình hình vẫn có những điểm sáng. Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, lạm phát ở mức thấp. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, thanh khoản thông suốt, thu ngân sách đạt hơn 80%, góp phần bảo đảm thu chi cho phòng, chống dịch và an sinh xã hội. Sản xuất nông nghiệp vẫn là điểm sáng, xuất nhập khẩu tăng trưởng khá; đầu tư FDI vẫn được duy trì. Tổng cầu tăng nhẹ trở lại nhưng phải theo dõi thêm.

An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm trong điều kiện dịch bệnh. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt là ngoại giao vaccine.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, địa phương bám sát, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10, song song với chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết số 63/NQ-CP về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu; Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Các địa phương căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Phối hợp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để giữ vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, vừa hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ phòng, chống dịch. Chính sách tài khóa phải phù hợp tình hình, linh hoạt, sáng tạo, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương lưu ý cân đối ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi tiêu hội họp, đi lại…, lúc này phải “thắt lưng buộc bụng”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân vốn ODA. Các bộ quản lý vĩ mô sớm có chính sách kích thích kinh tế, đưa dòng tiền vào nền kinh tế đúng hướng, có hiệu quả; nghiên cứu nới trần nợ công, bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.

Các địa phương thực hiện thống nhất toàn quốc việc lưu thông hàng hoá theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm sản xuất bình thường, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không cứng nhắc. Bộ Công Thương,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và nông nghiệp an toàn. Các địa phương bàn bạc với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình để mở cửa sản xuất an toàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy nhanh việc gỡ thẻ vàng IUU của EU với thủy sản Việt Nam.

Triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất. Tháo gỡ các khó khăn giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, nỗ lực sản xuất cho mùa cao điểm, nhất là các bạn hàng lớn ở châu Âu, Hoa Kỳ, Đông Bắc Á. Tổ chức khai tác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Tính toán, dự báo cung cầu hàng hoá dịp cuối năm để không thiếu hàng, triển khai quyết liệt các biện pháp điều hành giá. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, trục lợi.

Trung Kiên

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thu-tuong-chinh-phu-yeu-cau-som-co-chinh-sach-kich-thich-kinh-te-a5853.html