Để sống chung với virus Sars-CoV-2

Không thể kéo lùi số ca nhiễm về 0, đó là điều không tưởng mà thế giới đã nhận ra. Phương án "Zero virus" mà nhiều quốc gia theo đuổi đã phải nhường cho phương án "sống chung với virus".

nguyen-cao-tri-chu-tich-dai-hoc-van-lang-1632927841.jpg

TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn Lang

 

TP.HCM đã trải qua hơn 70 ngày giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 và thực tế là không thể kéo lùi số ca nhiễm về 0, đó là điều không tưởng mà thế giới đã nhận ra. Phương án "Zero virus" mà nhiều quốc gia theo đuổi đã phải nhường cho phương án "sống chung với virus".

Vì thế, theo tôi TP.HCM phải xác định chung sống với dịch bệnh và đã đến lúc phải mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên việc mở cửa cũng cần có phương án chuẩn bị và tôi có những đề nghị sau:

Thứ nhất, khái niệm vùng xanh - vùng đỏ hiện nay theo QĐ-3989 BYT rất chung chung, khó đo lường chình xác, không có ý nghĩa và chính quyền các địa phương đang hiểu sai, khoanh vùng xanh - vùng đỏ theo khoảng cách địa lý. Vì hiểu sai nên họ tìm mọi cách ngăn cản để vùng xanh không phát sinh F0 hoặc mang F0 đi nơi khác.

Nếu còn phân biệt vùng xanh - vùng đỏ theo khoảng cách địa lý thì khó có thể mở cửa lại nền kinh tế, vì bản chất kinh tế phải là liên thông toàn thi trường, kể cả TP.HCM hoặc Hà Nội cũng không thể một mình một chợ mở cửa. Cách hiểu đúng vùng xanh hay đỏ chính là con người, phải cá nhân hóa xuống từng cá nhân: ai là xanh? Ai là đỏ?

Con virus không phân biệt vùng xanh, vùng đỏ mà nó tấn công vào con người cụ thể. Vậy thì ai là xanh thì sẽ được ra đường đi làm, tham gia mọi hoạt động, ai đỏ thì không được và ai vàng thì xem xét. Chính quyền TP nên ban hành bộ quy tắc ứng xử xanh - vàng - đỏ, cho phép từng đối tượng được và không được làm gì. 

Thứ hai, công nghệ hiện nay cho phép cá nhân hóa đến từng người dễ dàng, tuy nhiên vấn đề gây trở ngại là có quá nhiều app thuộc nhiều bộ, tất cả các app lại không liên thông và chưa chia sẽ dữ liệu để các doanh nghiệp (DN), tổ chúc, cá nhân sử dụng...Vì thế Chính phủ nên thống nhất chỉ còn một app, với nhiều dữ liệu về y tế và xã hội được liên thông và đầu tư thiết bị đọc đơn giản ở các điểm đến công cộng, điều đó sẽ giúp các DN, trường học, tổ chức, cá nhân có thể hoạt động ngay lập tức.

Ai xanh thì dù sinh sống ở đâu cũng được ra ngoài tham gia mọi hoạt động, kể cả du lịch.

Khi có app quản lý thống nhất dữ liệu y tế và xã hội của từng cá nhân trên cả nước thì nên bỏ ngăn sông cấm chợ, dỡ bỏ các bốt gác, kẽm gai dây nhợ....mà chỉ tập trung kiểm soát ở điểm họ đến. 

Thứ ba, chính phủ phải có một chỉ thị mới thống nhất từ Trung ương đến địa phương, với cách hiểu và cách làm thống nhất. Hiện nay, các DN hoạt động lại có chi phí quá cao như phải xét nghiệm người lao động 3 ngày một lần, bên cạnh đó là nhân sự thiếu, chuỗi cung ứng gãy, xin giấy phép con để hoạt động lại không ai cấp... Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ phải đóng cửa trở lại rất cao. 

Thứ tư, nên xã hội hóa, thương mại hóa vaccine, tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực y tế tư nhân, tạo cơ chế, điều kiện chia sẻ trách nhiệm và chi phí cho các DN trong phòng, chống dịch bệnh, trang bị smartphone, đầu đọc QR...

Thứ năm, mở cửa theo thứ tự ưu tiên: tạo mọi điều kiện thuận lợi để hàng trăm dự án tại TP.HCM mà chủ đầu tư có sẵn đất, sẵn tiền  nhưng chưa được cấp phép (đặc biệt ưu tiên giáo dục và y tế) và tháo gỡ khó khăn cho các dự án của các DN FDI hoạt động trở lại...

Thứ sáu, Chính phủ nên nghiên cứumô hình chống dịch của các nước để rút ra các bài học, đặc biệt là mô hình mở cửa lại nền kinh tế sau dịch bệnh như Hàn Quốc, học hỏi kinh nghiệm của họ tại sao vẫn tổ chức hoạt động, kinh doanh xuyên mùa dịch...

Thứ bảy, Chính phủ cũng nên có chính sách hạn chế các bộ ngành, địa phương đẩy khó khăn về cho DN, người dân và khuyến khích các lãnh đạo, cán bộ dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vì quyền lợi người dân, DN để khi cần, họ có thể làm khác với các quy định ban hành... 

Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn Lang )

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/de-song-chung-voi-virus-sars-cov-2-a5808.html