Theo VietnamFinance, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9, Vietnam Airlines tiếp tục đề xuất hàng loạt ưu đãi có phần đặc biệt đối với doanh nghiệp này.
Cụ thể, Vietnam Airlines kiến nghị cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.
Vietnam Airlines cũng kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp này cùng với đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines.
Song song với đó là kiến nghị Chính phủ cho phép hãng hàng không này sớm mở lại đường bay quốc tế đi/đến các quốc gia được coi là an toàn với Covid-19.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 5.262 tỷ đồng 6 tháng năm 2020. Như vậy, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đến thời điểm cuối tháng 6/2021 là 17.771 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Trước đó, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông năm 2020 lỗ 10.927 tỉ đồng.
Để để giải quyết những vấn đề âm vốn chủ, Vietnam Airlines đã chào bán thêm 800 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn thêm 8.000 tỉ đồng
Theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ như Vietnam Airlines sẽ không được phép phát hành thêm cổ phần để huy động vốn. Vietnam Airlines có thể chào bán 800 triệu cổ phiếu để thu về 8.000 tỷ đồng là do đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc cách.
Báo cáo phát hành cho biết, Vietnam Airlines đã phân phối được hơn 796,1 triệu cổ phiếu trên tổng số 800 triệu cổ phiếu chào bán cổ đông hiện hữu trong thời gian từ ngày 5/8 đến 14/9/2021. Với mức giá chào bán 10.000 đồng/cp, hãng bay này thu về số tương ứng là hơn 7.961 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và bù đắp thâm hụt dòng tiền, qua đó giúp cải thiện năng lực tài chính vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Sau đợt phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines tăng lên 22.143 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,20%), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC sở hữu 31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).
Diệu Quang (t/h)
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vietnam-airlines-xin-chinh-phu-dac-cach-cho-phep-duy-tri-niem-yet-du-am-von-chu-a5765.html