Đầu tư vào nông nghiệp cần sự kiên định

Cần những cam kết dài hạn với nông dân để họ yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất của mình.

Niên vụ mía đường 2018 - 2019, công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cam kết bao tiêu mía nguyên liệu cho người nông dân với giá 800 đồng/kg đối với mía đạt 10 chữ đường, thấp hơn 100 đồng/kg so với vụ mía trước. Mức giá điều chỉnh giảm nhằm phù hợp với tình hình sản xuất khó khăn, giá bán đường giảm thấp, báo cáo thường niên 2017 của Casuco cho biết.

Năm 2017, Hậu Giang thu hoạch tổng cộng trên 1.055 nghìn tấn mía nguyên liệu. Tính trên mức sản lượng này, nếu giá thu mua giảm 100 đồng mỗi kg, nông dân trồng mía cả tỉnh Hậu Giang sẽ thiệt hại trên 100 tỉ đồng.

Không nhiều doanh nghiệp mía đường vẫn giữ cam kết bao tiêu nguyên liệu với người nông dân như Casuco. Mặt khác, Casuco cũng chỉ bao tiêu cho nông dân trồng mía thuộc vùng nguyên liệu của mình.

Nông dân trồng mía các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thậm chí phải chịu mức giá chưa đến 700 đồng/kg, hoặc đốt bỏ mía khi đến mùa thu hoạch, nếu nhà máy từ chối thu mua.
Casuco được thành lập tại Cần Thơ, sau khi chia tách tỉnh vào năm 2004, công ty trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Hậu Giang.

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế xanh 2018 được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, ông Lê Thành, viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ cho rằng các nhà máy cần ký hợp đồng từ 5 năm trở lên với người nông dân. “Đầu tư vào nông nghiệp cần phải có sự kiên định” - ông Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hợp đồng trên 5 năm không thể là ý chí chủ quan của doanh nghiệp.

Thị trường của nông sản Việt Nam nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng phải là thị trường quốc tế, các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc,… Phải được các tập đoàn lớn ký hợp đồng, nhà máy mới có thể cam kết thu mua với nông dân. Muốn vậy, nhà máy phải trang bị công nghệ cao, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn.

Các sản phẩm nông sản cần được chế biến nhằm tăng thời gian bảo quản, kéo dài quãng đường đi, đồng thời tận dụng được nguyên liệu là trái cây, rau củ quả loại 2, loại 3…. Tại Việt Nam hiện có khoảng 145 nhà máy sơ chế, chế biến nông sản. Tuy nhiên, số lượng các nhà máy đáp ứng các chuẩn quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lavifood là công ty duy nhất có nhà máy chế biến đáp ứng tiêu chuẩn LEED Silver - là tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, cải thiện hiệu suất, kết nối giao thông, tận dụng nguồn nước…

Năm 2017, chỉ với 145 nhà máy chế biến, rau củ quả xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu đã đạt mức kỷ lục 3,5 tỉ đô la Mỹ, vượt xa kim ngạch xuất khẩu lúa gạo (2,6 tỉ đô la Mỹ) với trên 500 nhà máy chế biến. Trung Quốc chiếm trên hai phần ba kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam, và phần lớn là rau củ quả tươi chưa qua chế biến. Chế biến ngành rau củ quả của Việt Nam vì vậy vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, góp phần cải thiện đời sống nông dân, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Đầu tư vào nông nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị định hướng thị trường trên nền tảng logistics trở thành giải pháp căn cơ để Hậu Giang xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.

Với mô hình này, người nông dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. “Khi họ chưa tham gia vào chuỗi, họ phải vay vật tư nông nghiệp, vay giống. Tất cả đặt lên vai của người nông dân. Khi họ tham gia vào chuỗi giá trị thì chuỗi vay giúp họ, họ chỉ bỏ ra ngày công lao động. Và như vậy chi phí đầu vào giảm 20%, giá bán đầu ra tăng 20%” - ông Thành mô tả mô hình chuỗi giá trị cần xây dựng.

Lấy ví dụ tại vùng đất Tây Ninh, trước kia nông dân chủ yếu trồng lúa và rau màu, thay đổi lẫn nhau nhưng không hiệu quả do dất phèn hoang hoá. Hiện tại nông dân đã được quy hoạch trồng dứa làm nguyên liệu cho nhà máy Tanifood, mỗi héc-ta mang lại cho nông dân khoảng 180 triệu sau khi đã trừ đi khoảng 50 triệu tiền giống và vật tư. Đây là mức thu nhập mà nông dân trồng lúa gần như không thể có được.

Mô hình chuỗi giá trị theo mô tả của ông Lê Thành, sẽ bao gồm từ khâu vật tư nông nghiệp, máy móc, giống, vùng trồng đến nhà máy chế biến, thị trường tiêu thụ, cùng hệ thống vốn tín dụng và logistics hỗ trợ. Để tận dụng hệ thống giao thông đường thuỷ tại tỉnh Hậu Giang, ông Thành đề nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng 8 tổng kho để có đủ hàng tươi xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời xây dựng nhà máy chế biến để có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc.

Sau khi tách khỏi Cần Thơ vào năm 2004, Hậu Giang chưa có cơ hội vươn lên thành một tỉnh giaù có, trù phú. Hầu hết những thuận lợi về cầu cảng, đường sá,… đều tập trung cho thành phố Cần Thơ. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của Hậu Giang đạt 1.509 đô la Mỹ, chưa bằng hai phần ba mức bình quân chung cả nước. 74% dân số Hậu Giang sống ở nông thôn. Cải thiện thu nhập cho các đối tượng này, thông qua đầu tư bài bản, kiên định vào chuỗi giá trị nông sản, là cách để cải thiện thứ hạng của tỉnh Hậu Giang trên bản đồ kinh tế Việt Nam.

Linh Anh

dohung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dau-tu-vao-nong-nghiep-can-su-kien-dinh-a57.html